Phòng tránh nguy cơ đuối nước ở trẻ em trong mùa hè
Tai nạn đuối nước ở trẻ em đã trở thành nỗi lo đối với gia đình xã hội mỗi khi hè đến. Liên tiếp những vụ đuối nước xảy ra trên địa bàn cả nước trong thời gian vừa qua khiến cho nỗi lo ấy càng trở nên hiện hữu. Quảng Trị là địa phương có bờ biển trải dài với nhiều bãi tắm, sông ngòi, ao hồ và nhiều vùng nước sâu nguy hiểm luôn tiềm ẩn nguy cơ đuối nước ở trẻ em. Do đó, vấn đề phòng, chống tai nạn thương tích cho trẻ em, đặc biệt là tai nạn đuối nước có ý nghĩa vô cùng quan trọng.
Tại Quảng Trị trong năm 2019 ghi nhận 28 trường hợp đuối nước, trong đó có 13 trường hợp là trẻ em (chiếm 46%). Từ các vụ đuối nước cho thấy, sự việc thường xảy ra vào mùa hè, khi các em được nghỉ học hoặc vào ngày nghỉ. Địa điểm xảy ra thường là các bãi biển, ao, hồ, sông, suối, ngầm tràn và ngay cả những hố nước nhỏ nhưng sâu, hay tại chính ao của gia đình. Số vụ trẻ em bị tai nạn thương tích nói chung, đuối nước tử vong nói riêng 90% xảy ra ở vùng nông thôn.
Lý giải về vấn đề này, bác sĩ Nguyễn Văn Gan, Trưởng khoa Sức khỏe môi trường - Y tế trường học - Bệnh nghề nghiệp, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh Quảng Trị cho biết: Một trong những nguyên nhân khiến trẻ em hay bị đuối nước là do thiếu sự giám sát chặt chẽ của người lớn, kiến thức phòng tránh, sơ cứu của người dân khi gặp tai nạn đuối nước còn hạn chế. Đặc biệt, trẻ thiếu kỹ năng bơi lại hay hiếu động, tò mò, thích nghịch nước, hoặc biết bơi nhưng chủ quan. Bên cạnh đó, môi trường sống của trẻ chưa thật sự an toàn, nhiều nhà sống gần ao, hồ, sông, suối nhưng không có hàng rào bảo vệ, biển báo nguy hiểm, các giếng, bể nước không có nắp đậy… cũng là nguyên nhân khiến trẻ dễ bị đuối nước. Ngoài ra, một số vùng nông thôn không có các điểm vui chơi dành cho trẻ em vào mùa hè nên các em thường tụ tập vui chơi rồi tìm đến các ao, hồ, sông, suối để tắm dẫn đến nguy cơ đuối nước.
Thực hiện công văn chỉ đạo của Bộ Y tế và UBND tỉnh về việc tăng cường công tác phòng, chống tai nạn đuối nước trẻ em, Sở Y tế Quảng Trị đã chỉ đạo đến các cơ sở y tế trên địa bàn tỉnh về vấn đề này. Theo đó, sở yêu cầu các đơn vị tiếp tục triển khai thực hiện hiệu quả các biện pháp về tăng cường chỉ đạo, thực hiện phòng, chống tai nạn thương tích và đuối nước cho học sinh, trẻ em. Bên cạnh đó, cần đẩy mạnh công tác truyền thông, giáo dục trên các phương tiện thông tin đại chúng, cấp phát tờ rơi, lắp đặt pa no, áp phích nhằm nâng cao nhận thức, trách nhiệm của người dân về phòng, chống đuối nước trẻ em; tuyên truyền, vận động gia đình thường xuyên quan tâm, giám sát trẻ em, đặc biệt trong thời gian nghỉ hè, mùa mưa bão và mùa nước lụt; chủ động đưa trẻ em đi học bơi, học kỹ năng an toàn trong môi trường nước; tổ chức các đợt truyền thông trực tiếp, tập huấn phổ biến kiến thức, kỹ năng về phòng, chống đuối nước trẻ em cho người dân và trẻ em; tiếp tục hướng dẫn, triển khai thực hiện, kiểm tra và nhân rộng mô hình “Ngôi nhà an toàn, trường học an toàn và cộng đồng an toàn” nhằm loại bỏ các nguy cơ gây đuối nước cho trẻ em; phối hợp với các đơn vị liên quan tăng cường công tác thanh, kiểm tra việc chấp hành các quy định về an toàn giao thông đường thủy, xử lý nghiêm các hành vi vi phạm; phối hợp rà soát, phát hiện kịp thời các khu vực có nguy cơ tai nạn đuối nước để chủ động phòng ngừa, đảm bảo an toàn cho trẻ em.
Là địa phương có địa hình trũng, thấp, hệ thống ao hồ, kênh mương dày đặc, lại thường xuyên xảy ra lũ lụt, tiềm ẩn nguy cơ đuối nước rất cao, nên huyện Hải Lăng rất chú trọng đến vấn đề phòng chống tai nạn thương tích trẻ em, đặc biệt là phòng chống tai nạn đuối nước. Bác sĩ Lê Phước Nho, Phó giám đốc Trung tâm Y tế Hải Lăng cho biết: Thực hiện chỉ đạo của Sở Y tế, Trung tâm Y tế Hải Lăng đã chỉ đạo, tăng cường công tác tuyên truyền đến tận các trạm y tế và tổ chức tập huấn cho các trạm y tế chủ động tuyên truyền đến tận hộ gia đình nhằm nâng cao ý thức phòng chống tai nạn thương tích cho trẻ em, đặc biệt là đuối nước. Trong những năm qua chúng tôi đã phối hợp với các ban ngành ở địa phương tổ chức các lớp tập bơi cho trẻ em, đặc biệt là trẻ em ở các xã trọng yếu trên địa bàn như các xã: Hải Hưng, Hải Phong, Hải Định.
Một trong những yếu tố quan trọng khác để hạn chế tai nạn đuối nước là các gia đình phải tạo môi trường an toàn cho trẻ. Ngoài việc thường xuyên giám sát, cha mẹ cần chủ động nhắc nhở, trang bị cho trẻ kiến thức về các nguy cơ có thể xảy ra khi đến gần những nơi có mặt nước hở để nâng cao tính cảnh giác; đồng thời tạo điều kiện để trẻ em học bơi nâng cao sức khỏe và ứng phó với tai nạn đuối nước; hướng dẫn trẻ giải quyết các tình huống nguy hiểm có thể gặp phải khi tiếp xúc với nước…
Đã đến lúc toàn xã hội phải chung tay và có những hành động thiết thực để ngăn chặn, phòng ngừa tình trạng đuối nước trẻ em.
Nguồn Quảng Trị: http://www.baoquangtri.vn/default.aspx?tabid=73&modid=420&itemid=149995