Phong trào 'Bình dân học vụ số': Mở ra nhiều cơ hội mới

Trong lịch sử phát triển của nước ta, phong trào 'Bình dân học vụ' là một trong những cuộc cách mạng lớn về tri thức. Phong trào này đã giúp hàng triệu người dân thoát khỏi nạn mù chữ, mở ra cơ hội học tập và phát triển bản thân. Ngày nay, trong bối cảnh cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư đang diễn ra mạnh mẽ trên toàn cầu, Thủ tướng Chính phủ đã phát động phong trào 'Bình dân

Phong trào “Bình dân học vụ số” với mục tiêu giúp người dân ở mọi tầng lớp xã hội có thể tiếp cận, sử dụng và làm chủ công nghệ số, đặc biệt là trí tuệ nhân tạo (AI).

Nền tảng cho xã hội tri thức số

Ngày 26/3/2025, Thủ tướng Chính phủ đã chính thức phát động phong trào “Bình dân học vụ số”, đánh dấu một bước ngoặt quan trọng trong việc khuyến khích toàn dân tham gia vào thời đại số hóa toàn diện. Đây không chỉ là phong trào học tập, mà còn là sự thay đổi sâu rộng trong mọi lĩnh vực đời sống. Mục tiêu của phong trào này là đưa công nghệ đến gần hơn với người dân, đặc biệt là AI, công nghệ đang dần thay đổi mọi ngành nghề và quy trình lao động, học tập. Nếu không nhanh chóng làm chủ công nghệ, chúng ta sẽ bị tụt lại phía sau.

Tại Quảng Ngãi, từ năm 2021 đến nay, công tác thể chế hóa các văn bản chỉ đạo về chuyển đổi số (CĐS) và xây dựng chính quyền số được tỉnh đặc biệt quan tâm. Hơn 250 văn bản, chỉ thị, nghị quyết đã được Tỉnh ủy, UBND tỉnh ban hành nhằm thúc đẩy quá trình này. Đáng chú ý là, Chỉ thị số 19-CT/TU ngày 18/5/2022 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy đã nhấn mạnh vai trò lãnh đạo toàn diện của Đảng trong tiến trình CĐS; Chỉ thị số 29-CT/TU ngày 24/4/2023 về tăng cường sự lãnh đạo, đẩy mạnh thực hiện “Đề án phát triển ứng dụng dữ liệu về dân cư, định danh và xác thực điện tử, phục vụ CĐS quốc gia giai đoạn 2022 - 2025, tầm nhìn đến năm 2030” trên địa bàn tỉnh; Nghị quyết số 13-NQ/TU ngày 6/9/2023 xác định mục tiêu CĐS tỉnh đến năm 2025, định hướng đến 2030; Kế hoạch số 336-KH/TU ngày 25/2/2025 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy triển khai thực hiện Nghị quyết số 57-NQ/TW ngày 22/12/2024 của Bộ Chính trị về đột phá phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và CĐS quốc gia...

Đảng ủy Văn phòng Tỉnh ủy tổ chức sinh hoạt chuyên đề "AI - hành trình khám phá". Ảnh: PV

Đảng ủy Văn phòng Tỉnh ủy tổ chức sinh hoạt chuyên đề "AI - hành trình khám phá". Ảnh: PV

Để hiện thực hóa các nội dung này, UBND tỉnh đã ban hành hàng loạt kế hoạch, quyết định cụ thể theo từng giai đoạn và từng năm. Ban Chỉ đạo (BCĐ) CĐS cấp tỉnh được thành lập và thường xuyên kiện toàn. Ngày 2/4/2025, UBND tỉnh đã ban hành Quyết định số 505/QĐ-UBND về việc thành lập BCĐ của UBND tỉnh về phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo, CĐS và Đề án 06. Tất cả các sở, ban, ngành và địa phương đều thành lập BCĐ, thể hiện quyết tâm chính trị cao và sự vào cuộc đồng bộ của các cấp, ngành, địa phương.

Cùng với đó, công tác truyền thông, nâng cao nhận thức về CĐS được triển khai mạnh mẽ, với nhiều hình thức đa dạng, kết hợp giữa truyền thống và hiện đại. Việc ứng dụng các nền tảng công nghệ như MOOCS (viết tắt của Massive Open Online Courses - Nền tảng học trực tuyến đại trà) đã giúp phổ cập kiến thức, kỹ năng số đến các tầng lớp nhân dân.

Các y, bác sĩ sử dụng công nghệ số trong khám, chữa bệnh.

Các y, bác sĩ sử dụng công nghệ số trong khám, chữa bệnh.

“Những kết quả đạt được là nền tảng để tỉnh ta tiếp tục đẩy mạnh triển khai phong trào “Bình dân học vụ số”. Đây không chỉ là một chủ trương đúng đắn, mà còn là bước đi chiến lược nhằm xây dựng một xã hội tri thức số, nơi mọi người đều được tiếp cận công nghệ một cách bình đẳng, góp phần thu hẹp khoảng cách số, đáp ứng yêu cầu của nền kinh tế tri thức và hội nhập quốc tế”, Phó Giám đốc Sở KH&CN Nguyễn Quốc Huy Hoàng nhận định.

Hiệu quả từ chuyển đổi số

Trong ngành giáo dục, CĐS đã được triển khai mạnh mẽ từ năm học 2022 - 2023. Sở GD&ĐT đã phát động phong trào CĐS trong toàn ngành, tạo nền tảng vững chắc ngay từ đầu mỗi năm học. Đặc biệt, vào ngày 20/4 vừa qua, Sở GD&ĐT phối hợp với Trường Đại học Công nghệ thông tin và Truyền thông Việt - Hàn (Đại học Đà Nẵng) tổ chức tập huấn triển khai Nghị quyết 57-NQ/TW về đột phá phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và CĐS quốc gia, nhằm đẩy mạnh ứng dụng AI và CĐS trong giáo dục. Lớp tập huấn giúp đội ngũ giáo viên tiếp cận công nghệ mới và xây dựng năng lực vận dụng thực tiễn trong giảng dạy. “Trí tuệ nhân tạo và CĐS đóng vai trò quan trọng trong đổi mới giáo dục, giúp cá nhân hóa việc học, nâng cao hiệu quả giảng dạy và quản lý. Đồng thời, hỗ trợ phân tích dữ liệu học tập và dự đoán năng lực, từ đó đưa ra lộ trình phù hợp cho từng học sinh”, Phó Chánh Văn phòng Sở GD&ĐT Nguyễn Đức Huân khẳng định.

Em Lê Kiều Vy (bên trái), lớp 12C6, Trường THPT số 1 Nghĩa Hành, sử dụng ChatGPT phục vụ việc học tập.

Em Lê Kiều Vy (bên trái), lớp 12C6, Trường THPT số 1 Nghĩa Hành, sử dụng ChatGPT phục vụ việc học tập.

Học sinh, sinh viên đã nhanh chóng làm quen với công nghệ số, sử dụng các công cụ như ChatGPT để tìm kiếm thông tin, giải bài tập hoặc viết báo cáo. “Em sử dụng ChatGPT để tham khảo những bài toán khó, lấy ý kiến để viết văn hoặc các bài tham luận. Nhờ đó, em cập nhật kiến thức nhanh chóng và hiệu quả hơn. Đặc biệt, em có thể tự học mọi lúc, mọi nơi”, em Lê Kiều Vy, học sinh lớp 12C6, Trường THPT số 1 Nghĩa Hành (Nghĩa Hành) bày tỏ.

Chuyển đổi số cũng giúp đội ngũ cán bộ, công chức ở các xã, phường, thị trấn làm việc hiệu quả hơn. Những người trực tiếp giải quyết thủ tục hành chính cho người dân cũng đang bắt đầu tiếp cận và ứng dụng AI trong công việc. Công chức Văn phòng - Thống kê, UBND xã Long Hiệp (Minh Long) Trần Văn Mẫn cho biết, AI giúp tôi khắc phục lỗi chính tả, định hướng viết báo cáo, bài tham luận. AI cũng hỗ trợ tôi giải đáp thắc mắc và đưa ra ý tưởng cho các dự án hoặc chuyên đề... Tuy nhiên, anh Mẫn cũng thừa nhận, vì mới tiếp cận công nghệ này nên chưa khai thác hết được các tính năng của AI. Anh đang nỗ lực học hỏi và hy vọng có thể ứng dụng AI hiệu quả hơn trong công việc và cuộc sống.

Phong trào “Bình dân học vụ số” là chủ trương đúng đắn, bước đi chiến lược trong việc xây dựng một xã hội tri thức số. Với sự vào cuộc quyết liệt của Chính phủ và các địa phương, công nghệ số đang đến gần hơn với người dân, đặc biệt là AI, mang lại những cơ hội mới cho tất cả mọi người, từ học sinh, giáo viên, công chức, viên chức, người lao động đến các tiểu thương ở vùng quê... Những bước đi mạnh mẽ này đang tạo nền tảng vững chắc cho một xã hội tri thức số, nơi mà mọi người đều có thể tiếp cận công nghệ và phát triển bản thân trong bối cảnh cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0.

Trong khi đó, chị Nguyễn Thị Hồng Ấn - Thư ký Văn phòng khu vực TX.Đức Phổ (Công ty Bảo Việt Nhân thọ Quảng Ngãi) chia sẻ, để làm tốt vai trò hỗ trợ, tư vấn cho khách hàng và dẫn chương trình, tôi sử dụng, đồng thời tham khảo các bài thuyết trình và học hỏi kỹ năng giao tiếp. Nhờ đó, tôi tự tin hơn trong công việc.

Chuyển đổi số không chỉ phát triển mạnh mẽ tại các thành phố lớn mà còn lan tỏa đến các vùng quê. Nhiều tiểu thương ở khu vực nông thôn đã sử dụng Zalo để bán hàng và học cách livestream qua điện thoại để tiếp cận khách hàng. Những thay đổi nhỏ nhưng mang lại hiệu quả lớn, giúp họ trở thành những “người kinh doanh số” trong bối cảnh cuộc công nghiệp 4.0.

Bài, ảnh: TRỊNH PHƯƠNG

Nguồn Quảng Ngãi: https://baoquangngai.vn/phong-trao-binh-dan-hoc-vu-so-mo-ra-nhieu-co-hoi-moi-52637.htm