Phong trào chống Pháp của nhân dân Thái Nguyên cuối thế kỷ XIX

Trong hai năm 1884-1885, thực dân Pháp bình định Phổ Yên và Đại Từ, chúng gặp phải lực lượng của quân Lương Tam Kỳ. Được sự giúp đỡ của quân địa phương, quân Lương Tam Kỳ chống trả quyết liệt. Năm 1886, quân Pháp đẩy được quân Lương Tam Kỳ lui lên phía Bắc về huyện Văn Lăng và châu Định Hóa.

Năm 1885, sau cuộc nổi dậy chống Pháp ở kinh đô Huế không thành, Vua Hàm Nghi và Tôn Thất Thuyết chạy ra Quảng Trị phát Hịch Cần Vương, hô hào văn thân nghĩa sĩ nổi dậy cứu nước. Một phong trào hưởng ứng Hịch Cần Vương kháng Pháp bùng nổ khắp nơi, do các văn thân yêu nước lãnh đạo.

Trong bối cảnh phong trào Cần Vương cuối thế kỷ XIX và cuộc khởi nghĩa Yên Thế bùng nổ mạnh mẽ, mặc dù không phải trung tâm của cuộc khởi nghĩa, nhưng Thái Nguyên là địa bàn nghĩa quân thường xuyên hoạt động, tổ chức tập kích, phục kích ở nhiều nơi. Một trong những đặc điểm của phong trào chống Pháp xâm lược ở Thái Nguyên cuối thế kỷ XIX là diễn ra lẻ tẻ, không có sự thống nhất và rộng lớn.

Trong hai năm 1884-1885, thực dân Pháp bình định Phổ Yên và Đại Từ, chúng gặp phải lực lượng của quân Lương Tam Kỳ. Được sự giúp đỡ của quân địa phương, quân Lương Tam Kỳ chống trả quyết liệt. Năm 1886, quân Pháp đẩy được quân Lương Tam Kỳ lui lên phía Bắc về huyện Văn Lăng và châu Định Hóa.

Tháng 10-1886, một lực lượng quân Pháp gồm 84 tay súng dưới quyền chỉ huy của Đalie từ Tuyên Quang qua sông Phó Đáy tiến về Chợ Chu, tại đây đã xảy ra trận chiến đấu quyết liệt giữa quân Pháp và nghĩa quân. Mặc dù đẩy lui được lực lượng khởi nghĩa, nhưng quân Pháp cũng không dám đóng quân ở Chợ Chu mà rút về Thái Nguyên.

Trong các năm từ 1886 đến 1888, quân Pháp từ Tam Đảo, Tuyên Quang nhiều lần tiến sang thăm dò khu vực Thái Nguyên, lập đồn điền tại Yên Rã và dò đường vào Chợ Chu, nhưng đã bị các nhóm nghĩa quân địa phương chống trả quyết liệt.

Tháng 1-1889, Pháp sử dụng gần 1.000 lính và 1.200 phu khuân vác tập trung ở Thái Nguyên tiến đánh Chợ Chu, Chợ Mới. Sau ba lần tấn công vào một căn cứ của nghĩa quân bảo vệ Chợ Mới, ngày 19-1, Pháp làm chủ Chợ Mới, một đội quân đồn trú được thiết lập ở đây.

Ngày 30/1/1889, Pháp huy động lực lượng mạnh gồm 37 sĩ quan, 779 lính châu Âu, 278 lính bản xứ từ Hương Sơn lên Chợ Chu. Trong khí đó, một đơn vị gồm 160 tay súng xuất phát từ Chiêm Hóa cùng phối hợp tiến về chợ Chu từ hướng Tây Bắc. Ngày 2/2/1889, Quân Pháp cho người đưa thư chiêu hàng đến thủ lĩnh Lương Tam Kỳ, sau khi bị từ chối, Pháp nổ súng tấn công, 4 giờ chiều cùng ngày Chợ Chu bị Pháp chiếm đóng.

Sau khi căn cứ Chợ Mới và Chợ Chu bị chiếm, các nhóm nghĩa quân Thái Nguyên vẫn tổ chức nhiều cuộc tiến công nhỏ lẻ. Chiến tranh du kích của các nhóm nghĩa quân Thái Nguyên kéo dài cho tới những năm 1899-1900 mới tạm dừng, đã làm thiệt hại về quân số cũng như làm mất đi sự ổn định của chính quyền thực dân.

Nguồn Thái Nguyên: https://baothainguyen.vn/dat-va-nguoi-thai-nguyen/202305/phong-trao-chong-phap-cua-nhan-dan-thai-nguyen-cuoi-the-ky-xix-aae18ba/