Phong trào công nhân: Để di sản thành tương lai bền vững

Ngày Quốc tế Lao động (1/5) không chỉ là lời nhắc nhở về lịch sử của giai cấp công nhân, mà còn là một cam kết hành động cho tương lai bền vững, công bằng hơn và đầy đủ quyền con người hơn.

Hình minh họa trên trang History về vụ bạo loạn ở Quảng trường Haymarket (Chicago, Mỹ) ngày 4/5/1886, trong phong trào đình công của công nhân Mỹ. (Nguồn: Getty Images)

Hình minh họa trên trang History về vụ bạo loạn ở Quảng trường Haymarket (Chicago, Mỹ) ngày 4/5/1886, trong phong trào đình công của công nhân Mỹ. (Nguồn: Getty Images)

Khởi nguồn từ yêu sách “tám giờ làm việc” cách đây gần 140 năm, ngày 1/5 phản ánh khát vọng sâu xa của giai cấp công nhân về một tương lai công bằng và nhân văn, nơi người lao động không chỉ được bảo vệ mà còn trở thành trung tâm trong tiến trình phát triển bền vững.

Từ “tám giờ làm việc” đến ngày 1/5

Cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ nhất, bắt đầu từ cuối thế kỷ XVIII tại Anh, mang lại những đột phá kỹ thuật chưa từng có, nhưng cũng đẩy hàng triệu lao động vào điều kiện làm việc khắc nghiệt: Ngày làm việc kéo dài từ 12-16 giờ, môi trường độc hại, hoàn toàn không có hệ thống bảo hộ hay phúc lợi. Những điều kiện này dẫn đến tỷ lệ thương tật và tử vong cao, kiệt sức về thể chất và tinh thần, đồng thời làm gia tăng khoảng cách giàu nghèo.

Báo cáo Sadler do Quốc hội Anh công bố năm 1832 cung cấp cái nhìn sâu sắc về điều kiện làm việc khắc nghiệt của công nhân, đặc biệt là trẻ em, trong các nhà máy dệt, khi ghi nhận những ca làm việc kéo dài từ 14-16 giờ, môi trường làm việc nguy hiểm và việc sử dụng lao động trẻ em một cách phổ biến.

Trước thực trạng đó, phong trào công nhân nổ ra khắp nơi. Tại Mỹ, ngày 1/5/1886, hơn 300.000 công nhân trên khắp đất nước tổ chức khoảng 5.000 cuộc đình công, biểu tình ôn hòa với biểu ngữ “Từ hôm nay không người thợ nào làm việc quá tám giờ một ngày! Phải thực hiện tám giờ làm việc, tám giờ nghỉ ngơi, tám giờ vui chơi!”.

Sự kiện đỉnh điểm diễn ra tại Quảng trường Haymarket (Chicago) vào ngày 4/5/1886, khi một quả bom phát nổ giữa cuộc biểu tình, khiến cảnh sát đáp trả bằng đạn thật. Ước tính khoảng 14-15 người tử vong và hàng chục người bị thương, bao gồm cả cảnh sát và dân thường. Ở Washington, New York, Boston... hơn 125.000 công nhân giành được quyền ngày chỉ phải làm tám giờ. Các phong trào tại châu Âu nổi bật với sự ra đời của Công xã Paris (năm 1871 tại Pháp), hình mẫu cho một xã hội do người lao động làm chủ, phá vỡ cấu trúc nhà nước tư sản truyền thống.

Theo tài liệu lưu trữ của Tổ chức Lao động quốc tế (ILO), ngày 14/7/1889, Đại hội thành lập Quốc tế thứ II diễn ra ở Paris đã quyết định lấy ngày 1/5 làm Ngày hành động quốc tế của giai cấp công nhân. Sau năm 1889, ngày 1/5 hằng năm chứng kiến hàng loạt cuộc tuần hành và đình công tại châu Âu, Mỹ và Mỹ Latinh. Từ hành động biểu tượng, ngày này dần trở thành một chuẩn mực chính trị - xã hội. Sau Cách mạng tháng Mười Nga (1917), Liên Xô chính thức công nhận 1/5 là ngày lễ quốc gia, kéo theo các nước xã hội chủ nghĩa khác. Tại phương Tây, từ chỗ bị đàn áp, các cuộc tuần hành ngày 1/5 trở thành hoạt động ôn hòa, rồi được thể chế hóa thành Ngày Lao động ở nhiều quốc gia.

Tại Việt Nam, Sắc lệnh số 22 ngày 18/2/1946 do Chủ tịch Hồ Chí Minh ký đã quy định 1/5 là ngày nghỉ có hưởng lương - thể hiện sự trân trọng đối với người lao động ngay từ những ngày đầu lập quốc.

Ngày nay, kế thừa những di sản lịch sử, vai trò của giai cấp công nhân nói riêng và người lao động nói chung tiếp tục được củng cố và mở rộng trong bối cảnh toàn cầu đang đối mặt với những thách thức ngày càng phức tạp về môi trường và xã hội. Đặc biệt, họ ngày càng giữ vị trí then chốt trong việc thúc đẩy các xu hướng phát triển bền vững và bao trùm.

Chủ thể chuyển đổi xanh

Giữa bối cảnh biến đổi khí hậu trở thành mối đe dọa toàn cầu, các quốc gia đang thúc đẩy chuyển đổi sang nền kinh tế xanh – nơi năng lượng tái tạo, sản xuất sạch và kinh tế tuần hoàn là trọng tâm. Trong tiến trình ấy, người lao động không chỉ là đối tượng bị tác động, mà còn là lực lượng chủ chốt của sự chuyển đổi.

Vào năm 2018, ILO công bố một báo cáo cho biết, quá trình chuyển đổi sang nền kinh tế xanh có thể tạo ra 24 triệu việc làm mới vào năm 2030, gồm 14 triệu ở châu Á và Thái Bình Dương, 3 triệu ở châu Mỹ và 2 triệu ở châu Âu, thừa sức bù đắp 6 triệu việc làm bị thiếu hụt trong một số ngành như khai khoáng, nhiên liệu hóa thạch... Các việc làm mới được tạo ra nhờ việc áp dụng các chuyển đổi bền vững trong ngành năng lượng, bao gồm thay đổi cơ cấu nguồn năng lượng, thúc đẩy sử dụng phương tiện giao thông chạy điện và nâng cao hiệu quả năng lượng trong các tòa nhà. Các dịch vụ hệ sinh thái - như thanh lọc không khí và nước, tái tạo và bón phân đất, kiểm soát sâu bệnh, thụ phấn và bảo vệ khỏi các hiện tượng thời tiết cực đoan – đóng vai trò duy trì nông nghiệp, đánh bắt cá, lâm nghiệp và du lịch, sử dụng tới 1,2 tỷ lao động.

Báo cáo cũng cho thấy, quá trình chuyển đổi sang nền kinh tế tuần hoàn bao gồm hoạt động như tái chế, sửa chữa, cho thuê và tái sản xuất - thay thế mô hình kinh tế truyền thống là “khai thác, sản xuất, sử dụng và thải bỏ” sẽ tạo ra 6 triệu việc làm. Điện năng tái tạo sẽ tạo ra 2,5 triệu việc làm, bù đắp khoảng 400.000 việc làm bị mất trong quá trình sản xuất điện năng từ nhiên liệu hóa thạch.

Tháng Giêng năm nay, ILO công bố báo cáo Triển vọng việc làm và xã hội thế giới: Xu hướng 2025 cho hay, việc làm trong lĩnh vực năng lượng tái tạo đã đạt mức 16,2 triệu trên toàn thế giới, nhờ đầu tư vào năng lượng mặt trời và hydro. Tuy nhiên, những việc làm này phân bổ không đồng đều, với gần một nửa ở Đông Á.

ILO lưu ý, công nghệ số cũng mang lại nhiều cơ hội, nhưng nhiều quốc gia thiếu cơ sở hạ tầng và kỹ năng để hưởng lợi đầy đủ từ những tiến bộ này. Hiện nay, cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư đang tạo ra một tầng lớp “công nhân kỹ thuật số”, bao gồm lao động nền tảng (gig workers), lao động hợp đồng ngắn hạn, làm việc qua ứng dụng hoặc nền tảng số mà không có ràng buộc pháp lý rõ ràng. Song, dù linh hoạt, mô hình này khiến hàng triệu người rơi vào tình trạng không được luật lao động truyền thống bảo vệ. Báo cáo của Tổ chức Hợp tác và phát triển kinh tế (OECD) năm 2022 ghi nhận, hơn 70% lao động nền tảng không được tiếp cận với chế độ bảo hiểm xã hội cơ bản. Điều này đặt ra yêu cầu tái định nghĩa “quyền lao động” trong kỷ nguyên số: từ quyền tổ chức công đoàn cho đến quyền kiểm soát dữ liệu cá nhân, công bằng trong thuật toán phân phối công việc.

Quá trình chuyển đổi sang nền kinh tế xanh đang tạo ra nhiều việc làm mới cho người lao động. (Nguồn: CEPS)

Quá trình chuyển đổi sang nền kinh tế xanh đang tạo ra nhiều việc làm mới cho người lao động. (Nguồn: CEPS)

Theo ILO, những con số trên đặt ra nhu cầu cấp thiết về đào tạo kỹ năng cần thiết cho người lao động cho quá trình chuyển đổi sang nền kinh tế xanh, đồng thời cung cấp bảo trợ xã hội để hỗ trợ quá trình chuyển đổi nghề nghiệp, giúp phòng chống đói nghèo và giảm thiểu tính dễ bị tổn thương của các hộ gia đình và cộng đồng, nhằm hướng tới mục tiêu “Chuyển đổi công bằng” - khái niệm được Liên hợp quốc và ILO coi là trụ cột trong chính sách khí hậu hiện nay, được thông qua tại Hội nghị thượng đỉnh Liên hợp quốc về biến đổi khí hậu lần thứ 28 (COP28) ở Dubai (UAE) vào tháng 12/2023.

“Không có công lý khí hậu nếu không có công lý xã hội”, đó là thông điệp được các tổ chức lao động, như Liên đoàn Công đoàn quốc tế (ITUC) và ILO nhấn mạnh tại các cuộc đàm phán khí hậu toàn cầu, trong đó có Hội nghị COP28.

Đầu tư để bền vững

COP28 đạt kết quả tích cực, bao gồm chương trình làm việc đặt người lao động và việc tạo ra công việc tử tế vào trung tâm của quá trình chuyển đổi công bằng , với sự tham chiếu rõ ràng đến đối thoại xã hội, bảo vệ xã hội và công nhận quyền lao động. Các tổ chức như ITUC, tổ chức giám sát quyền kỹ thuật số (Digital rights watch)… cũng thúc đẩy việc xây dựng “Quyền số cho người lao động” – khuôn khổ mới nhằm bảo đảm không ai bị bỏ lại phía sau trong cuộc cách mạng số hóa.

Mới đây, trong phiên thảo luận tại Hội nghị thượng đỉnh Diễn đàn Đối tác vì tăng trưởng xanh và mục tiêu toàn cầu (P4G) lần thứ tư ở Hà Nội ngày 17/4, Bộ trưởng Bộ Môi trường Rwanda Valentine Uwamariya nhận định, quá trình chuyển đổi xanh mở ra tiềm năng to lớn, song sự chuyển đổi này chỉ thành công nếu đầu tư một cách có chủ đích vào chính con người. Điều cốt lõi là trang bị cho lao động kỹ năng phù hợp, tạo ra việc làm bền vững.

Khoản đầu tư này đòi hỏi cộng đồng quốc tế cần tập trung vào việc hình thành một lực lượng lao động phù hợp, bằng cách xác định các khoảng trống kỹ năng hiện có và điều chỉnh hệ thống giáo dục, đào tạo nghề sao cho phù hợp với nhu cầu thay đổi của thị trường lao động. Trong khoản đầu tư này, sự hợp tác giữa các nhà giáo dục, lãnh đạo ngành công nghiệp và các nhà hoạch định chính sách là rất cần thiết, nhằm giảm thiểu tác động của quá trình chuyển đổi lao động và chuẩn bị cho tương lai.

Từ các phong trào công nhân đến những phiên họp khí hậu toàn cầu hay chuyển đổi xanh, hành trình của giai cấp công nhân luôn gắn với các yêu sách mang tính nền tảng của tiến bộ nhân loại: quyền được sống xứng đáng, quyền được bảo vệ và quyền được tham gia định hình tương lai. Ngày 1/5 giờ đây không chỉ là lời nhắc nhở về lịch sử mà còn là cam kết hành động cho tương lai: Một thế giới bền vững hơn, công bằng hơn và đầy đủ quyền con người, nơi người lao động tiếp tục là trung tâm trong mọi lựa chọn phát triển. Hành trình ấy chưa bao giờ dừng lại.

Hoàng Hà

Nguồn TG&VN: https://baoquocte.vn/phong-trao-cong-nhan-de-di-san-thanh-tuong-lai-ben-vung-312184.html