Phong trào nông dân Tây Sơn và Đại Đô đốc Tây Sơn Bùi Hữu Hiếu (Kỳ 20)

Trân trọng giới thiệu tiếp với bạn đọc cuốn sách 'Phong trào nông dân Tây Sơn và Đại Đô đốc Tây Sơn Bùi Hữu Hiếu' của PGSTS Cao Văn Liên, do NXB Thanh Niên ấn hành.

Kỳ 20

Ngoài ra Từ Đường còn thờ Đại càn quốc gia Nam hải tam tòa tứ vị Thánh nương đẳng phúc thần. Đến năm Cảnh Hưng thứ 40 (Lê Hiển Tông 1740-1786), từ đường được nhà Lê phong sắc thần. Hai danh tướng của dòng họ Bùi Hữu: ông Bùi Hữu Hiếu và Bùi Hữu Thự vì là công thần của Vương Triều Tây Sơn nên được dòng họ đặc cách thờ ở Từ Đường này, dù đến hai ông so với ông tổ của dòng họ từ Quỳnh Lưu- Nghệ An ra Nông Cống lập nghiệp đã là đời thứ 7 thuộc chi thứ 3. [1]Vì thờ hai danh tướng trong đó có một Đại đô đốc triều Tây Sơn nên Từ Đường của dòng họ Bùi Hữu được xếp hạng di tich văn hóa của tỉnh Thanh Hóa.

Tóm lại qua tư liệu bằng văn (Gia phả dòng họ Bùi Hữu), qua tư liệu dân gian (Truyền thuyết về hai ông Bùi Hữu Thự, Bùi Hữu Hiếu, Vũ Văn Dũng lưu truyền ở vùng Nông Cống), qua di tích còn lại tương đối đầy đủ (đình làng Ngọ Xá, đình làng Xa Lý, Từ Đường dòng họ Bùi Hữu thờ hai cựu thần của Vương Triều Tây Sơn), qua hiện vật còn lại (ấn Đại đô đốc Tây Sơn của ông Bùi Hữu Hiếu) rõ ràng có một Đại đô đốc Tây Sơn ở Nông Cống, Thanh Hóa là ông Bùi Hữu Hiếu mà giới nghiên cứu lịch sử hoàn toàn chưa hề biết đến, ít nhất là đến thời điểm trước năm 2002, trước khi có bài thông báo của chúng tôi về vấn đề này trên tạp chí “Nghiên cứu lich sử”. [2]

VẤN ĐỀ ĐẶT RA-KHÓ KHĂN VÀ CƠ SỞ LẬP LUẬN

Như vậy có một Đại đô đốc Tây Sơn ở Nông Cống, Thanh Hóa mà lịch sử chưa hề biết đến là có thật. Từ đó những vấn đề đặt ra cho giới sử học về nhân vật này là hết sức phong phú và nhiều khía cạnh, nhiều góc độ khác nhau. Riêng chúng tôi cho rằng trước hết phải làm sáng tỏ:

-Bùi Hữu Hiếu và em ông là Bùi Hữu Thự tham gia phong trào Tây Sơn vào thời gian nào?

-Cũng như các tướng soái Tây Sơn khác, cuộc đời chủ yếu của ông là binh nghiệp, vậy ông Bùi Hữu Hiếu đã tham gia những trận đánh nào?

-Theo gia phả dòng họ Bùi Hữu thì ông còn là nhà ngoại giao, từng được vua Quang Trung cử đi sứ Trung Quốc. Vậy ông Bùi Hữu Hiếu đi sứ trong phái bộ nào và trong thời gian nào?

-Qua tư liệu về cuộc đời sự nghiệp Bùi Hữu Hiếu, thử bàn lại giai đoạn cuối cùng cuộc đời Đại đô đốc Vũ Văn Dũng cũng như quê quán của ông?

Giải quyết trả lời những vấn đề trên hay nhiều vấn đề khác khi nghiên cứu nhân vật lịch sử Bùi Hữu Hiếu không chỉ là công việc của một vài người mà là công việc của rất nhiều người trong giới nghiên cứu sử học nói riêng và khoa học xã hội nói chung, của giới nghiên cứu trung ương và địa phuơng. Bởi đây là công việc hết sức khó khăn vì chúng ta không có một nguồn tư liệu nào ngoài những dòng ngắn ngủi trong gia phả họ Bùi Hữu, ngoài những tài liệu mang tính chất dã sử dân gian ở vùng Thọ Thăng, Thăng Bình Nông Cống xứ Thanh, ngoài những vật chứng ở Từ Đường dòng họ này và chiếc ấn Đại đô đốc còn lại. Bài thông báo ngắn của chúng tôi trên “Nghiên cứu lịch sử” số 1 (320 ) năm 2002 chỉ hoàn toàn là lời nhắn nhủ giới nghiên cứu, đặc biệt là giới nghiên cứu lịch sử để mong muốn có một “cuộc ra quân”, chung sức giải quyết vấn đề này. Đã không biết thì thôi. Nhưng khi đã biết Bùi Hữu Hiếu là Đại đô đốc Tây Sơn thì ông phải được nghiên cứu như chúng ta từng nghiên cứu các danh tướng, các nhân vật khác của triều đại này để làm phong phú sáng tỏ hơn lịch sử của một phong trào cách mạng nông dân vĩ đại. Trước khó khăn về tư liệu để có thể hoàn thành một công trình khoa học tương đối nghiêm túc, chúng tôi có ý định viết “Đại đô đốc Tây Sơn Bùi Hữu Hiếu” dưới dạng một thiên tiểu thuyết lịch sử. Với thể loại này có thể tận dụng những dã sử, những truyền thuyết để khôi phục lại sự nghiệp và cuộc đời của ông. Vì thể loại tiểu thuyết này được phép hư cấu nên trong thực có giả, trong giả có thực mà không ai có thể bắt bẻ được. Nhưng tiểu thuyết vẫn chỉ là tiểu thuyết. Điều cơ bản là phải khôi phục lại tương đối chân xác, hợp lý cuộc đời và sự nghiệp của danh tướng Tây Sơn này. Cả dòng họ Bùi Hữu đều có nguyện vọng cháy bỏng như vậy. Chúng ta cũng có khát vọng như dòng họ Bùi Hữu. Thế là tôi bất chấp những khó khăn, mạo muội cầm bút viết cuốn sách nhỏ này.

Nhưng không phải tôi hoàn toàn xây dựng “Lâu đài trên bãi cát”. Qua diễn biến của phong trào cách mạng nông dân Tây Sơn, qua tính cách tài năng dùng người của vua Quang Trung, qua những dòng gia phả ngắn ngủi nhưng cơ bản nhất về cuộc đời ông Bùi Hữu Hiếu, về mối quan hệ của ông với các tướng lĩnh Tây Sơn, đặc biệt giữa ông với Đại đô đốc Vũ Văn Dũng, tất cả liên kết lại sẽ cho ta một tư duy lô gíc lịch sử hợp lý để giải quyết những vấn đề đặt ra theo chiều hướng khoa học.

Vậy ông Bùi Hữu Hiếu và em ông là Bùi Hữu Thự tham gia nghĩa quân Tây Sơn vào lúc nào? Như chúng ta đã biết trên con đường trường chinh, quân Tây Sơn ra Bắc 4 lần. Lần thứ nhất vào năm 1786, Quân Tây Sơn ra Bắc với khẩu hiệu “Phù Lê diệt Trịnh”. Lần tiến quân này đội tiên phong do Nguyễn Hữu Chỉnh chỉ huy, hành quân bằng thuyền theo đường biển đánh chiếm Vị Hoàng (Nam Định) làm chỗ đứng chân cho đại quân tập kết. Sau đó đại quân của Nguyễn Huệ cũng tiến ra theo đường biển với 1.000 chiến thuyền rồi tập kết ở Vị Hoàng và tiến đánh Thăng Long. Chỉ có một đội quân nhỏ do Vũ Văn Nhậm chỉ huy đi theo đường bộ nhưng tiến rất nhanh tới Vị Hoàng phối hợp với đại quân. Đạo quân đường bộ này không tuyển quân, do đó thanh niên Thanh Hóa, trong đó có ông Bùi Hữu Hiếu và em ông không có cơ hội tham gia quân đội Tây Sơn. Hơn nữa nếu hai ông tham gia quân đội Tây Sơn trong lần này thì hai ông sẽ trở thành quân của Vũ Văn Nhậm, không có khã năng được chiến đấu dưới trướng của Nguyễn Huệ để ông Bùi Hữu Hiếu thể hiện tài năng, được Nguyễn Huệ tin dùng và thăng tiến sau này.

(Còn nữa)

CVL

[1] :Bùi Hữu Thược chủ biên:Gia phả họ Bùi Hữu, năm 2000, tr. 83-84.

[2] :Cao Văn Liên: Phát hiện một Đại đô đốc triều Tây Sơn ở Nông Cống, Thanh Hóa, NCLS số 1 (320), năm 2002, tr. 95-96.

PGS TS Cao Văn Liên

Nguồn VHPT: https://vanhoavaphattrien.vn/phong-trao-nong-dan-tay-son-va-dai-do-doc-tay-son-bui-huu-hieu-ky-20-a20076.html