Phỏng vấn trống đồng

PV: Thưa anh, trong văn hóa Việt Nam, trống đồng là vô cùng nổi tiếng đúng không ạ?

Trống đồng: Đúng. Đó là một sản phẩm lịch sử tiêu biểu có tuổi đời tới ngàn năm.

PV: Thưa anh, vì sao đồng màu vàng mà tất cả trống đồng đều ngả màu xanh xám?

Minh họa: Lê Tâm.

Minh họa: Lê Tâm.

Trống đồng: Bởi hai lý do: Thứ nhất là độ nguyên chất của đồng thời đấy. Thứ hai, và điều này quan trọng nhất, màu xanh đó là do thời gian tạo nên.

PV: Và chính cái độ "xanh" này là một phẩm chất vô cùng quan trọng, quan trọng đến mức chả có nhà khảo cổ nào mang trống đi cọ rửa cho trở lại màu vàng.

Trống đồng: Rất đúng. Cụ Vương Hồng Sển, một nhà cổ học nổi tiếng đã viết: "Nhất dáng, nhì men, tam toàn, tứ cổ". Có nghĩa là vẻ phong sương của cổ vật vô cùng quan trọng, bởi nó nói lên rất nhiều giá trị mà chỉ có ngàn năm mới mang lại. Lớp "men" hay lớp "sương khói" mà lịch sử phủ lên đồ vật có giá trị vật chất thật sự chứ không hề vô hình.

PV: Vậy chắc anh biết vụ trùng tu chùa Cầu ở phố cổ Hội An đang gây nhiều tranh luận về độ "mới" của công trình.

Trống đồng: Tôi biết chuyện đó, một bên đòi phục hồi "nguyên bản" như lúc mới xây, một bên đòi phục hồi "cảm xúc" theo lối một công trình đi vào tâm trí.

PV: Cả hai đều có lý?

Trống đồng: Vâng. Cả hai đều có lý, và đều viện dẫn nhiều ý kiến của chuyên gia.

PV: Anh thì sao?

Trống đồng: Tôi không phải chuyên gia. Tôi là một vật thể, một cá nhân, do đó tôi muốn công việc phục chế hay trùng tu phải để ý tới tâm thức của một con người, mà tâm thức ở đây muốn nghiêng về sự "cổ kính".

Trống đồng: Lúc Chùa Cầu mới xây, không có ai trong chúng ta chứng kiến, vì đơn giản nó đã cách mấy trăm năm; còn lúc nó được tân trang, hàng chục triệu người đã nhìn thấy và hàng chục triệu người đó có quyền mong cây cầu ấy "hòa vào khung cảnh" trầm lắng mà Hội An vẫn khoác lên.

PV: Ừ nhỉ. Cây cầu đó là một công trình đặt giữa thiên nhiên chứ không phải một sản phẩm đặt trong hộp kính. Mà thiên nhiên thì có mưa, có nắng, có sấm chớp, bão táp mưa sa. Thiên nhiên để lại dấu vết và những dấu vết đó rất tuyệt.

Trống đồng: Cho nên nếu ta trùng tu mới quá… thì ta có vẻ làm một điều ít nhất là hơi… đơn giản!

PV: Có người bảo thời gian đâu có ngừng lại. Cầu hôm nay mới, ngày mai sẽ cũ, bà con đừng quá vội vàng.

Trống đồng: Lịch sử có thể không vội vàng nhưng cá nhân thì lại khác. Cá nhân người dân không sống cả thế kỷ cho nên họ có quyền đòi hỏi cảm xúc được "bảo tồn".

PV: Có vẻ Ban tổ chức đã hiểu điều này cho nên đã làm công trình ấy "cũ đi" trong mấy ngày nay.

Trống đồng: Tôi cho rằng đấy là một giải pháp hợp lý, hợp tình. Văn hóa là "bảo tồn" và "phát triển", nhưng chữ "bảo tồn" luôn luôn có cả phần xác lẫn phần hồn.

Rõ ràng ban quản lý công trình đã lắng nghe và rút ra những kết luận cần thiết. Và nhân đây, tôi cũng nói, vì Chùa Cầu quá nổi tiếng nên việc trùng tu nó mới kỹ càng và được tiếp thu nhiều luồng dư luận như vậy, chứ nhiều công trình "kém" tên tuổi hơn rõ ràng đã bị sửa chữa một cách lòe loẹt và rực rỡ khiến chuyên gia cũng cảm thấy buồn lòng.

Lê Thị Liên Hoan

Nguồn ANTG: https://antgct.cand.com.vn/nhan-dam/phong-van-trong-dong-i741302/