Phỏng vấn ứng cử viên đại biểu Quốc hội khóa X
Trước kỳ bầu cử đại biểu Quốc hội và HĐND các cấp, phóng viên Báo Bình Phước đã phỏng vấn các ứng cử viên đại biểu Quốc hội khóa X Đỗ Nguyên Phương, Nguyễn Hữu Luật, Hồ Anh Dũng, Phạm Thị Kiểm.
PHỎNG VẤN ỨNG CỬ VIÊN ĐẠI BIỂU QUỐC HỘI KHÓA X
(Báo Bình Phước, 9-7-1997)
Ứng cử viên Đỗ Nguyên Phương: “Tích cực giám sát việc thực thi các nguyện vọng của cử tri”
PV: Là người được Trung ương giới thiệu về ứng cử đại biểu Quốc hội khóa X tại Bình Phước, cảm nghĩ của ông về vấn đề này?
Ứng viên ĐỖ NGUYÊN PHƯƠNG (Đ.N.P): Tôi rất phấn khởi được Trung ương giới thiệu về ứng cử đại biểu Quốc hội khóa X tại Bình Phước, càng phấn khởi hơn nữa vì được bầu cử tại 3 huyện Lộc Ninh, Phước Long và Bù Đăng, là nơi trong những ngày kháng chiến chống Mỹ cứu nước tôi đã từng sống và công tác. Thật là vinh dự cho tôi vì 25 năm tôi lại được về mảnh đất tràn đầy kỷ niệm và nhiều chiến công lịch sử để ứng cử đại biểu Quốc hội khóa X.
PV: Xin ông cho một vài nhận xét về tỉnh Bình Phước?
Ứng cử viên Đ.N.P: Bản thân tôi luôn theo dõi sát sao tình hình phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh Bình Phước ngay từ khi tách tỉnh. Tôi chia sẻ với nhân dân Bình Phước những khó khăn và những vận hội mới của địa phương. Những tiềm lực to lớn mà nhân dân tỉnh nhà có được, đó là có vị trí tương đối thuận tiện, về giao thông có quốc lộ 13 và 14. Bình Phước có quỹ đất lớn, có tiềm năng về rừng, về cây cao su, điều, tiêu, cà phê… và nhất là nguồn nhân lực dồi dào. Tôi thông cảm sâu sắc với những khó khăn đang đặt ra với tỉnh nhà, đó là kinh tế còn thấp kém, tỷ lệ hộ nghèo còn cao, giáo dục, y tế… còn nhiều việc phải lo, nhất là tỉnh chưa có bệnh viện đa khoa, giáo viên, trường lớp, còn rất thiếu thốn.
PV: Nếu được trúng cử vào Quốc hội khóa X, ông sẽ thực hiện chương trình hành động như thế nào?
Ứng cử viên Đ.N.P: Là ứng cử đại biểu Quốc hội khóa X, dù trúng cử hay không trúng cử, với cương vị và trách nhiệm của mình tôi cũng sẽ quyết tâm cùng với toàn ngành vận dụng các quan điểm y tế của Đảng vào thực tiễn. Cụ thể đối với Bình Phước là:
1. Thực hiện công bằng trong chăm sóc và bảo vệ sức khỏe, lo cho việc khám chữa bệnh và phân phối thuốc cho vùng nghèo, vùng căn cứ cách mạng, người nghèo, người có công với nước, với dân.
2. Củng cố mạng lưới y tế cơ sở, phấn đấu để mạng lưới y tế đến tận thôn ấp có y tá, trạm y tế có y sỹ hoặc bác sỹ. Nâng cao chất lượng khám và điều trị bệnh tại huyện, không để bệnh dịch lớn xảy ra.
3. Tổ chức để các cơ sở y tế Trung ương giúp đỡ trực tiếp về xây dựng và củng cố mạng lưới y tế huyện xã, thôn ấp. Tạo điều kiện để Trung ương gần dân và địa phương.
4. Đề đạt với các cơ quan của Chính phủ xây dựng lại, điều chỉnh lại cho hợp lý các chính sách đối với cán bộ y tế các cấp, phù hợp với chủ trương xã hội hóa, đa dạng hóa và công bằng trong chăm sóc sức khỏe nhân dân.
5. Bản thân tôi sẽ phát huy cao nhất tinh thần và trách nhiệm người Đảng viên, đóng góp hiệu quả cao nhất vào các vấn đề chính trị xã hội, tham gia quyết sách vào các vấn đề trọng đại của đất nước. Phản ánh một cách trung thành và tích cực giám sát việc thực thi các nguyện vọng của cử tri, của nhân dân cả nước.
PV: Xin cảm ơn ông!
QUANG VINH (thực hiện)
Ứng cử viên Nguyễn Hữu Luật: “Mọi ý kiến đề đạt của cử tri đều phải lắng nghe, tiếp thu…”
PV: Là người được tổ chức Đảng giới thiệu ra ứng cử đại biểu Quốc hội khóa X, trên cương vị công tác của mình, xin ông cho biết một số nét lớn trong chương trình hành động của mình?
Ứng cử viên NGUYỄN HỮU LUẬT (N.H.L): Trước hết tôi xin phép được nhắc lại một số nội dung chủ yếu trong qui chế của người đại biểu Quốc hội. Đại biểu Quốc hội là người đại diện cho ý chí và nguyện vọng của nhân dân, thực hiện quyền lực Nhà nước trong Quốc hội. Ý thức sâu sắc được điều đó, trên cương vị công tác của mình, tôi xin phép bà con cử tri và nhân dân trong tỉnh trình bày một số nét lớn trong chương trình hành động của mình như sau:
Tỉnh Bình Phước chúng ta là một tỉnh mới được tái lập, khó khăn còn rất nhiều, do đó tôi phải nỗ lực phấn đấu cùng với tập thể ban lãnh đạo Tỉnh ủy, vận dụng một cách năng động, sáng tạo các chủ trương chính sách của Đảng, Nhà nước vào tình hình thực tiễn của tỉnh nhà. Trước mắt tập trung vào các nhiệm vụ chủ yếu sau đây:
1) Tập trung chỉ đạo nắm vững tiềm năng, thế mạnh của tỉnh về đất đai, tài nguyên và lao động, từ đó có chủ trương chính sách phù hợp trong việc kêu gọi vốn đầu tư trong nước và nước ngoài, nhằm làm cho kinh tế của tỉnh từng bước phát triển đi lên, trên cơ sở đó tăng nguồn thu vào ngân sách Nhà nước, dành một phần lớn vào việc xây dựng cơ sở hạ tầng như trường học, bệnh viện, đường sá, các công trình phúc lợi, trợ giúp đồng bào khó khăn v.v…
2) Ưu tiên cho các ngành chế biến nông sản thực phẩm như cao su, hạt điều, bột mì… bằng nguyên liệu của địa phương. Từng bước giải quyết công ăn việc làm cho lao động trong tỉnh.
PV: Là một trong những người lãnh đạo chủ chốt của tỉnh, trong các kiến nghị của cử tri, ông lo lắng nhất vấn đề gì? Nếu trúng cử đại biểu Quốc hội khóa X, ông sẽ giải quyết vấn đề đó ra sao?
Ứng cử viên N.H.L: Chúng ta đang xây dựng một Nhà nước pháp quyền của dân do dân và vì dân do Đảng lãnh đạo. Chính vì lẽ đó mà mọi kiến nghị đề đạt của cử tri tất cả các ứng cử viên đại biểu Quốc hội đều phải lắng nghe, tiếp thu, xem xét chọn lọc và tìm mọi biện pháp để thực hiện cho nhân dân. Bởi lẽ dân là gốc, “gốc có vững thì cây mới bền”. Vì thế tôi rất tôn trọng các ý kiến của cử tri. Điều tôi lo lắng nhất hiện nay là làm sao sớm ổn định đời sống kinh tế cho đồng bào dân tộc, đồng bào ở vùng sâu, vùng xa, vùng kháng chiến cũ. Trước đây đồng bào ở các vùng ấy nhường cơm sẻ áo, nuôi giấu cán bộ cách mạng, đi theo cách mạng, chở che cách mạng đánh giặc ngoại xâm. Đất nước đã được giải phóng hơn 20 năm mà đồng bào ta vẫn còn khó khăn, nghèo đói, điều đó luôn là nỗi lo âu trăn trở của tập thể lãnh đạo tỉnh chúng tôi. Ngoài ra đường sá giao thông đi lại trên địa bàn tỉnh còn nhiều trở ngại, trường học còn thiếu, trạm xá, bệnh viện chưa đủ thầy thuốc, phương tiện, thuốc men còn thiếu thốn, nước sạch cho nông thôn còn thiếu nghiêm trọng… Để giải quyết những khó khăn đó, bản thân tôi dù trúng cử hay không trúng cử đại biểu Quốc hội cũng phải cùng với tập thể Ban Thường vụ Tỉnh ủy tìm mọi cách tháo gỡ, động viên toàn dân trong tỉnh từng bước khắc phục khó khăn, tạo nguồn lực tại chỗ, phấn đấu đưa tỉnh Bình Phước tiến kịp các tỉnh bạn.
PV: Xin cảm ơn ông!
HÀ THÀNH (thực hiện)
Ứng cử viên Hồ Anh Dũng: “Tôi sẽ cố gắng để trở thành người đại biểu thực sự của nhân dân Bình Phước”
PV: Là người được Trung ương giới thiệu về ứng cử đại biểu Quốc hội tại tỉnh Bình Phước, xin ông cho biết một số vấn đề trong chương trình hành động của mình?
Ứng cử viên Hồ Anh Dũng (H.A.D): Tôi được Trung ương giới thiệu ứng cử vào Quốc hội khóa X tại tỉnh Bình Phước. Đối với tôi đây là một vinh dự và trách nhiệm lớn. Tôi thật sự xúc động và vinh dự được làm một ứng cử viên trên mảnh đất với nhiều kỳ tích anh hùng cách mạng. Tôi nguyện nối tiếp truyền thống gia đình, nối tiếp truyền thống cách mạng của nhân dân Bình Phước. Nếu được bà con, cô bác tín nhiệm bầu vào Quốc hội khóa X, tôi sẽ cố gắng phấn đấu để trở thành người đại biểu thực sự của nhân dân Bình Phước. Được Đảng và Nhà nước giao trọng trách là Tổng giám đốc Đài Truyền hình Việt Nam, chúng tôi xác định Truyền hình Việt Nam có hai nhiệm vụ chủ yếu, đó là sản xuất chương trình và truyền dẫn phát sóng. Theo quy hoạch, Truyền hình Việt Nam sẽ có 4 chương trình phát trên 4 kênh để phục vụ nhân dân. Chúng tôi thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia “Phủ sóng truyền hình vùng lõm và đưa truyền hình về vùng núi, vùng cao, vùng biên giới và hải đảo” nhằm từng bước giảm dần tỉ lệ số dân chưa được xem truyền hình. Cùng với dự án mạng truyền dẫn truyền hình Quốc gia, phấn đấu đến năm 2000 có 80% số hộ gia đình được xem truyền hình. Về những đóng góp cụ thể cho tỉnh nhà, trong lĩnh vực ngành, đài THVN có trách nhiệm giúp đỡ Đài PT và TH Bình Phước để tỉnh sớm có một trung tâm truyền hình mới tương đối hiện đại. Mặt khác, tiếp tục đẩy nhanh chương trình mục tiêu đưa truyền hình về tỉnh, huyện, buôn sóc, chú trọng các đối tượng chính sách và vùng cách mạng cũ.
PV: Nếu được trúng cử là đại biểu Quốc hội khóa X, ông sẽ thực hiện chức năng người đại biểu của nhân dân Bình Phước thế nào?
Ứng cử viên H.A.D: Tôi nghĩ rằng các đại biểu Quốc hội khóa X phải có trách nhiệm đóng góp, nâng cao hiệu quả hoạt động của Quốc hội. Dù ở cương vị nào, người đại biểu Quốc hội phải thực hiện tốt chức năng nhiệm vụ của mình trong lĩnh vực lập pháp, thẩm định các kế hoạch kinh tế - xã hội, đặc biệt là công tác giám sát, chống tham nhũng, buôn lậu, chống các tệ nạn xã hội, đáp ứng nguyện vọng và nhu cầu bức thiết của nhân dân. Nếu được cử tri Bình Phước tín nhiệm bầu làm đại biểu Quốc hội khóa X, tôi sẽ cố gắng thực hiện tốt các chức năng người đại biểu nhân dân tại cơ quan quyền lực cao nhất nước và thực hiện tốt chương trình hành động đã trình bày với cử tri.
PV: Xin cảm ơn ông!
TIẾN BÌNH (thực hiện)
Ứng cử viên Phạm Thị Kiểm (Thị Kiểm): “Làm tốt công tác chuyên môn, tham gia ngăn ngừa và chống các hành vi phạm tội trong thanh thiếu niên
PV: Là một ứng cử viên đại biểu Quốc hội khóa X trẻ nhất trong 7 ứng cử viên của tỉnh Bình Phước, cảm nghĩ của chị về vinh dự này?
Ứng cử viên PHẠM THỊ KIỂM (P.T.K): Được làm ứng cử viên đại biểu Quốc hội khóa X, tôi rất vinh dự, tự hào, nhưng cũng rất lo lắng. Được các tổ chức như Đoàn Thanh niên, UBMTTQ tín nhiệm, tin yêu và cử tri nơi buôn sóc cũng như cơ quan gửi gắm, tôi thật sự xúc động và tự hứa với mình phải công tác thật tốt, phấn đấu nhiều hơn nữa để xứng đáng với lòng tin của mọi người.
PV: Xin chị cho biết một số vấn đề lớn trong chương trình hành động của mình nếu được trúng cử là đại biểu Quốc hội khóa X?
Ứng cử viên P.T.K: Hiện nay tôi đang công tác trong ngành công an và tham gia công tác Đoàn tại địa phương. Trên cương vị công tác của mình, tôi đã đề ra chương trình hành động cho mình gồm 4 vấn đề lớn. Trước hết là cùng với đồng nghiệp chăm lo, giáo dục thanh thiếu niên về đạo đức và lý tưởng cách mạng. Cùng với tổ chức Đoàn xây dựng nếp sống làm việc theo pháp luật cho thanh thiếu niên. Dù trúng cử hay không trúng cử đại biểu Quốc hội khóa X, tôi cũng sẽ cố gắng làm tốt công tác chuyên môn, tham gia ngăn ngừa và chống các hành vi phạm tội trong tầng lớp thanh thiếu niên. Vận động nhân dân chống các biểu hiện tiêu cực, tham nhũng, đấu tranh chống các tệ nạn xã hội, nhất là trong giới trẻ. Biện pháp để thực hiện được những vấn đề này là phải cùng với tổ chức của tuổi trẻ, các phương tiện thông tin đại chúng giáo dục và ngăn ngừa các hiện tượng mại dâm, ma túy trong các trường học, tạo điều kiện và có biện pháp giúp đỡ thanh thiếu niên chậm tiến. Tôi sẽ cùng với các tổ chức Đoàn chăm sóc, giáo dục thiếu niên nhi đồng, nhất là ở nơi buôn sóc của mình có đời sống văn hóa tinh thần lành mạnh.
PV: Xin cảm ơn chị!
Q.V (thực hiện)