Phóng viên viết bài điều tra: Vượt qua áp lực vì trách nhiệm xã hội

Mảng đề tài điều tra, điều tra theo đơn thư bạn đọc luôn có sức hấp dẫn, thể hiện trách nhiệm xã hội cao nhưng cũng đặt ra nhiều thách thức đối với những phóng viên (PV) được phân công theo dõi lĩnh vực này. Để bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của Nhà nước, tổ chức và người dân, những PV khi thực hiện đề tài này luôn phải chịu áp lực không nhỏ từ nhiều phía, thậm chí là rủi ro nghề nghiệp.

Tác giả bài viết trao đổi, tiếp nhận ý kiến phản ánh từ bạn đọc - Ảnh: P.V

Tác giả bài viết trao đổi, tiếp nhận ý kiến phản ánh từ bạn đọc - Ảnh: P.V

Bạn đọc tín nhiệm báo chí

Bảo vệ lẽ phải, bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của người dân, đặc biệt là nhóm yếu thế trong xã hội cần được cơ quan báo chí đặc biệt quan tâm. Chính vì vậy, trong thời gian qua, Ban Biên tập (BBT) Báo Quảng Trị luôn dành sự ưu tiên thích đáng từ khâu tiếp nhận ý kiến qua đường dây nóng, đơn thư phản ánh, kiến nghị đến xử lý thông tin.

Do đây là lĩnh vực nhạy cảm và nhiều áp lực, BBT Báo Quảng Trị phân công một Phó Tổng biên tập phụ trách dù đã có phòng phụ trách lĩnh vực. Với sự quan tâm đặc biệt đó, lĩnh vực này rất được bạn đọc đặt nhiều niềm tin khi số lượng đơn thư, ý kiến phản ánh qua đường dây nóng của Báo Quảng Trị ngày càng tăng lên.

Qua thống kê, hằng năm Báo Quảng Trị tiếp nhận gần 100 đơn thư và ý kiến phản ánh qua đường dây nóng. Những vụ việc Báo Quảng Trị tiếp nhận trong khoảng thời gian gần đây phần lớn liên quan đến lĩnh vực đất đai như: chậm cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng (CNQSD) đất, tranh chấp đất đai, bồi thường giải phóng mặt bằng không thỏa đáng; các sai phạm trong khai thác tài nguyên khoáng sản, tài nguyên rừng; sai phạm trong quản lý tài chính; việc giải quyết các vụ án chưa đảm quy định, ảnh hưởng quyền, lợi ích hợp pháp của công dân...

Sau khi tiếp nhận thông tin từ bạn đọc, BBT phân công PV nghiên cứu hồ sơ, tìm hiểu thực tế đối với những vụ việc phức tạp, mang tính lịch sử, xung đột pháp lý để đề xuất và BBT quyết định hướng xử lý phù hợp đối với từng vụ việc cụ thể. Đối với những vụ việc mang tính thời sự, PV phải ngay lập tức tiếp cận hiện trường, tiếp cận với người cung cấp thông tin để xử lý thông tin. Người dân luôn đặt niềm tin vào cơ quan báo chí.

Khó khăn trong tác nghiệp

Khi viết bài về đề tài đơn thư bạn đọc, việc tác nghiệp của PV luôn gặp nhiều khó khăn, trở ngại. Nguyên nhân là do phần lớn các vụ việc đều có tính chất phức tạp cả về pháp lý, yếu tố lịch sử để lại và luôn có sự mâu thuẫn về quyền lợi giữa người phản ánh với cá nhân, tổ chức bị phản ánh và đặc biệt là “đụng chạm” đến các cơ quan chức năng, chính quyền địa phương.

Vì vậy, việc tiếp cận hồ sơ, tài liệu, xác minh thông tin, tiếp cận hiện trường để có đầy đủ thông tin một cách khách quan, toàn cảnh và độc lập phải mất nhiều thời gian. Đặc biệt, một số nơi, cơ quan chức năng, chính quyền địa phương có biểu hiện “né tránh” trong việc cung cấp thông tin cho báo chí.

Còn nhớ, cách đây 2 năm, PV được phân công viết bài về trường hợp của 4 hộ dân định cư hơn 30 năm nhưng khi đi làm thủ tục để được cấp giấy CNQSD đất thì gặp khó khăn. Đây là vụ việc có nhiều hồ sơ, tài liệu nhất mà PV từng gặp.

Vì quá trình định cư lâu, hồ sơ tài liệu qua các thời kỳ được lưu trữ nhiều nơi, PV phải đi cơ sở nhiều lần, gõ cửa nhiều cơ quan để thu thập tài liệu, trong đó nhiều thông tin do cơ quan chức năng cung cấp mâu thuẫn cần phải xác minh từ nhiều phía.

Sau hơn một tháng, vụ việc mới được phản ánh trên mặt báo và đích thân Chủ tịch UBND tỉnh đã có văn bản yêu cầu cơ quan thanh tra vào cuộc. Kết quả thanh tra chỉ ra các sai phạm của địa phương nơi 4 hộ dân đang sinh sống, đồng thời kiến nghị cấp giấy CNQSD đất cho các hộ dân và kiến nghị kỷ luật nguyên Chủ tịch UBND xã và công chức địa chính xã.

Gần 10 năm trước, PV tiếp nhận một đơn thư phản ánh việc chính quyền cấp giấy CNQSD đất trái pháp luật cho một hộ dân, ảnh hưởng đến quyền lợi của hộ dân khác. Tiếp cận vụ việc, PV đã bị cá nhân bị phản ánh và chính quyền địa phương từ chối cuộc gọi. Cuối cùng PV cũng có buổi làm việc với chính quyền địa phương, nhưng vị Chủ tịch UBND xã cho rằng địa phương không lưu hồ sơ.

Và, khi làm việc với cấp huyện thì lại nhận được thông tin rằng huyện không nắm và đề nghị làm việc với xã. Kết quả khi báo đăng, cơ quan Thanh tra vào cuộc và đã hủy giấy CNQSD đất đã cấp trái pháp luật. Mới đây nhất là vụ việc thôn cản trở hộ dân làm giấy CNQSD đất. Khi PV điện thoại hẹn làm việc, thôn trưởng từ chối. Việc bị từ chối cung cấp thông tin của PV vẫn diễn ra thường xuyên, tuy nhiên bằng nghiệp vụ báo chí, nội dung các vụ việc vẫn được làm sáng tỏ.

Đối mặt với nhiều áp lực

Cách đây 5 năm, PV nhận được phản ánh qua đường dây nóng từ 2 nông dân nuôi tôm bị chính quyền thu hồi giấy CNQSD đất. Khi cơ quan Tòa án đang thụ lý vụ án hành chính khiếu nại quyết định thu đất của huyện thì chi bộ thôn và ban cán sự khu phố yêu cầu người dân mang cuốc xẻng ra lấp hồ tôm trước mùa thu hoạch.

Nhận định vụ việc có tính chất nghiêm trọng và nguy cơ một vụ xâu ẩu, chúng tôi đã liên lạc với các Chủ tịch UBND huyện, xã, Trưởng Công an huyện, thị trấn trước khi đến hiện trường. Khi chúng tôi đến hiện trường, trên loa truyền thanh khu phố vẫn lặp đi lặp lại câu “yêu cầu mọi người trong khu phố cùng ra lấp hồ tôm”.

Mặc dù đã trình bày rõ mục đích đến tác nghiệp, ghi nhận những diễn biến một cách khách quan, trung thực nhưng PV liên tục bị đe dọa hành hung và nhận nhiều lời miệt thị về nghề báo. Rất may là lãnh đạo chính quyền và lực lượng công an địa phương đã kịp thời đến hiện trường, bảo vệ các hộ dân, bảo vệ PV và yêu cầu giải tán đám đông. Sau đó, 2 nông dân thắng kiện và được giữ lại giấy CNQSD đất để tiếp tục canh tác.

Mới đây nhất, phóng viên đã thực hiện loạt phóng sự về kiến nghị của các hộ dân hướng tuyến làm cầu vượt qua cao tốc Vạn Ninh - Cam Lộ. Ngay sau báo đăng, phóng viên đã nhận được nhiều cuộc điện thoại của lãnh đạo địa phương với nội dung bài báo chưa phản ánh khách quan vụ việc. Sau khi trao đổi, cùng với các hồ sơ, tài liệu được phóng viên đưa ra làm bằng chứng, bí quá, địa phương yêu cầu xin được cung cấp thêm thông tin để viết bài theo chiều hướng mới.

Tuy nhiên, những tài liệu được địa phương cung cấp không có gì mới và khác biệt với nội dung phóng sự đã phản ánh, vì vậy không có thêm phóng sự như địa phương mong muốn. Sau đó, BBT đã nhận được đơn kiến nghị của 2 hộ dân, cho rằng bài báo không khách quan, có tính quy chụp, thông tin bịa đặt nhằm hạ thấp uy tín PV.

Vì vậy, PV phải có bài báo chứng minh nội dung từ họ tên người đứng đơn sai so với thực tế, các nội dung phản ánh trong đơn khác biệt so với diễn biến trước đó. Sau khi có bài phản hồi, 2 hộ dân không có ý kiến gì thêm.

Sau mỗi bài điều tra trên trang báo, PV luôn chịu nhiều áp lực bắt đầu từ khi tiếp nhận đề tài, tác nghiệp và sau khi bài báo được đăng tải. Vì vậy, PV luôn chủ động, chuẩn bị tinh thần cho tình huống xấu là bài viết sẽ bị phản ứng, thậm chí kiện tụng. PV rất mong bạn đọc chia sẻ nỗi khó khăn, vất vả của người cầm bút khi thực hiện đề tài này. Qua đây cũng mong chính quyền, cơ quan chức năng, đơn vị, tổ chức, cá nhân chia sẻ, hợp tác để kịp thời thông tin, tuyên truyền nhằm bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của Nhà nước, tổ chức và cá nhân.

Lê Minh

Nguồn Quảng Trị: http://www.baoquangtri.vn/phong-vien-viet-bai-dieu-tra-vuot-qua-ap-luc-vi-trach-nhiem-xa-hoi-186335.htm