Phóng viên Việt Nam tác nghiệp tại tâm chấn động đất ở Thổ Nhĩ Kỳ: Ký ức kinh hoàng nơi thảm họa

Tại tâm chấn động đất ở Thổ Nhĩ Kỳ, những khẩu phần ăn mà phóng viên Việt Nam mang theo đều sẵn sàng nhường cho các em nhỏ hay người già gặp dọc đường. Đêm xuống, băng tuyết phủ trắng, anh em lại chia sẻ cho nhau từng ổ cắm điện, dây sạc, pin dự phòng... để kịp thời viết tin bài gửi về tòa soạn.

Khó khăn để tiếp cận hiện trường

Trận động đất tại Thổ Nhĩ Kỳ ngày 6/2/2023 khiến cả thế giới bàng hoàng khi các con số thương vong ngày càng tăng và 2 tuần sau vẫn chưa dừng lại.

Trận động đất ấy không chỉ để lại những tổn thất, mất mát, gây bao đau thương cho người dân nơi đây mà còn làm tê liệt nhiều đoạn đường, các chuyến bay tới 10 tỉnh phía Nam của họ cũng bị tạm dừng. Điều ấy khiến công tác viện trợ, hỗ trợ của quốc tế cũng như các nhà báo quốc tế trong việc tiếp cận hiện trường hết sức khó khăn.

Phóng viên Việt Nam ghi lại hình ảnh người dân Thổ Nhĩ Kỳ màn trời chiếu đất sau thảm họa động đất.

Phóng viên Việt Nam ghi lại hình ảnh người dân Thổ Nhĩ Kỳ màn trời chiếu đất sau thảm họa động đất.

Để có thể có các thông tin, hình ảnh chân thực, những khó khăn mà người dân Thổ Nhĩ Kỳ đang gặp phải, cũng như những nỗ lực mà Đoàn cứu hộ cứu nạn của Quân đội và Công an Việt Nam đang thực hiện tại tâm chấn, nhiều cơ quan báo chí của Việt Nam đã cử các phóng viên sớm tiếp cận hiện trường.

Nhưng nhiều câu hỏi khó được đặt ra là: Làm sao để có thể nhập cảnh vào Thổ Nhĩ Kỳ? Giấy phép tác nghiệp báo chí tạm thời của nước này liệu có được cấp ngay không khi thông tin cứ trôi qua từng giờ, từng phút?

Sau nhiều nỗ lực liên lạc với các cơ quan báo chí Việt Nam thường trú tại Ai Cập và UAE, chúng tôi được hỗ trợ nhập cảnh và được phép hoạt động tại tâm chấn Thổ Nhĩ Kỳ. Khi nhận được giấy phép, anh em phóng viên ai cũng cảm thấy may mắn bởi bình thường để vào được địa bàn nước họ tác nghiệp thì cần cả rất nhiều công văn, văn bản đóng dấu các loại, rồi chờ đợi thị thực mất hàng tuần...

Nhà báo Trần Sơn Bách (Báo Nhân Dân) chia sẻ: “Đây có lẽ là chuyến công tác đặc biệt khi chúng tôi sẽ trực tiếp được tham dự một sự kiện quốc tế lớn. Dù biết, hằng ngày, một khối lượng thông tin khổng lồ về thảm họa vẫn được thông tin bởi các biên tập viên với sự hỗ trợ đắc lực của công nghệ hiện đại, nhưng có lẽ, cảm xúc, góc nhìn chính là những điều khó phần mềm trí tuệ nhân tạo nào có thể thay thế được”.

Tận mắt chứng kiến thảm họa 100 năm mới xảy ra một lần Ngày đầu tiên, khi đoàn được cấp phép vào Antakya, thủ phủ của tỉnh Hatay (Thổ Nhĩ Kỳ), Nhà báo Sơn Bách đã lặng người đi trước hàng ngàn công trình đổ nát. Lịch sử cả vạn năm trong phút chốc bị phá hủy bởi cơn giận dữ của tự nhiên.

Phóng viên Việt Nam chia sẻ đồ ăn cho các em nhỏ Thổ Nhĩ Kỳ.

Phóng viên Việt Nam chia sẻ đồ ăn cho các em nhỏ Thổ Nhĩ Kỳ.

Đứng trước Đại thánh đường Habbi Neccar - niềm tự hào về văn hóa - tôn giáo của người bản địa, tất cả đều không thể nói lên lời. Ngay bên cạnh, những dấu tích sót lại của sự sống phồn hoa vẫn còn sót lại ở một tấm thảm nhiều màu, những chiếc ô tô... bị vùi sâu.

Nhóm phóng viên tác nghiệp tại đây cũng gặp những người vừa thoát ra khỏi tay tử thần. Họ lang thang từ các khu tạm trú về thăm lại căn nhà xưa giờ đã thành đống đổ nát. Đôi bàn tay họ vẫn còn nguyên vết sứt sẹo khi trốn chạy khỏi đại địa chấn. Tất cả giúp những người làm báo hình dung rõ hơn về thảm họa mà có thể 100 năm mới xảy ra một lần.

Ấm áp tình cảm của quân đội Việt Nam và người dân Thổ Nhĩ Kỳ giữa thời tiết giá rét -6 độ

Trong nhật ký, Trần Thành Đạt, một nhà báo Việt Nam viết lại: “Tại Antakya, lần đầu tiên chúng tôi được tận mắt chứng kiến những công trình đổ nát, cảm nhận rõ lịch sử hàng nghìn năm của Antakya ngã gục dưới cơn giận dữ của lục địa. Chúng tôi cũng nghe câu chuyện của những người dân đã mất đi hàng chục người thân sau đại địa chấn”.

Càng đi sâu vào lòng thành phố, nỗi ám ảnh thương đau càng hiện lên rõ ràng. Đến độ, một phóng viên trong đoàn đã bật khóc khi đứng trước một tòa chung cư bị xé vụn. Tất cả sự điêu tàn càng hiện lên rõ nét hơn khi chiếc flycam ghi hình bay lên cao.

Tin vào sự hồi sinh

Tại khu vực tâm chấn động đất là cái lạnh tới âm độ, không nhà trọ, không hàng quán, không điện nước, cũng chẳng internet và không có các phương tiện giao thông công cộng di chuyển. Thay vào đó chỉ là tiếng còi xe cứu hộ, xe cứu thương, xe tải, xe quân sự, tiếng máy bay trực thăng tuần tra cùng các lực lượng an ninh đặc nhiệm, lực lượng quân đội thiện chiến với súng ống lăm lăm trong tay sẵn sàng bóp cò bất cứ lúc nào. Nhưng Thổ Nhĩ Kỳ những ngày cuối tháng 2 không chỉ có thương đau.

Phóng viên Hồng Quân (Truyền hình Nhân Dân) chia sẻ: “Ở đó, chúng tôi còn nhận ra sự kiên cường, tình đoàn kết và niềm tin mãnh liệt vào tương lai. Tại các khi tạm trú, nhịp sống bình thường đã dần trở lại. Lũ trẻ rủ nhau vui đùa trên các thảm cỏ. Cha mẹ chúng thì cố gắng sắp xếp lại những gì còn sót lại để hướng tới tương lai.

Người Thổ Nhĩ Kỳ còn phát động phong trào hỗ trợ nhau trong gian khó. Họ tổ chức những gánh xiếc chạy dọc 11 tỉnh bị tàn phá với ước mong mang nụ cười cho những người bất hạnh. Họ cũng sẵn sàng sẻ chia nơi ở cùng chính mình để cùng nhau vượt qua hoạn nạn”.

Tuncer Emlak, phóng viên Thời báo Baba Haber của tỉnh Gaziantep (Thổ Nhĩ Kỳ) gặp phóng viên Việt Nam tại khu vực dành cho những người tị nạn. Tuncer cũng đã mất đi 17 người thân sau thảm họa. Thế nhưng, chỉ một vài tuần sau, anh đã bắt đầu hành trình phân phát thực phẩm của riêng mình. “Thổ Nhĩ Kỳ sẽ vượt qua cơn bạo bệnh lần này. Bởi chúng tôi tin vào sự hồi sinh”, Tuncer thẳng thắn nói.

Trong suốt quá trình 10 ngày tác nghiệp tại Thổ Nhĩ Kỳ, công nghệ đã giúp nhóm phóng viên thực hiện được nhiều phần việc quan trọng. Khi không có người phiên dịch, công cụ chuyển ngữ của Google đã khiến các cuộc giao tiếp bớt khó khăn hơn.

Phần mềm cảnh báo động đất EarthQuake giúp các phóng viên liên tục cập nhật thông tin về dư chấn để có thể sắp xếp kế hoạch tiếp cận hiện trường...

Những bữa mỳ tôm xúc xích liên tiếp nối tiếp nhau suốt 1 tuần liền phóng viên tác nghiệp ở vùng động đất. Để cải thiện, đoàn cho thêm cả pa-tê, cà chua, hành tây... cho bớt ngán. Để tăng đề kháng, anh em bổ chanh vàng chua tê tái cố ép nhau ăn mỗi tối bên lều.

Cứ thế, cả đoàn đã có những ngày vừa tác nghiệp - sinh hoạt - sinh tồn... chưa từng có trong bất cứ giáo trình nào từng được học.

Thế nhưng, tất cả vẫn không thể thay thế yếu tố con người. Máy móc và trí tuệ nhân tạo sẽ không kịp giúp đoàn phóng viên “chuyển ngữ” liên tục và kịp thời khi khoảng cách ngôn ngữ quá lớn.

Do người dân tại khu vực động đất ít sử dụng tiếng Anh nên việc giao tiếp, phỏng vấn tại hiện trường vô cùng khó khăn. Gần như suốt hành trình, cả đoàn vừa phải nghĩ câu hỏi bằng tiếng Việt, rồi ngay lập tức “chuyển ngữ” sang tiếng Anh cho người phiên dịch.

Toàn bộ nội dung phỏng vấn cũng cần phải được ghi nhớ luôn vì nếu phụ thuộc vào ghi âm, thì không thể bảo đảm tốc độ tác nghiệp cũng như không đủ... điện để thực hiện. Công nghệ cũng sẽ không thể giải quyết giúp đoàn những khó khăn khách quan luôn xuất hiện.

Chỉ 1 ngày sau khi đoàn tới Hatay, toàn bộ điện, nước đã bị cắt do các đoàn quốc tế đều đã rút về. Mặc dù đã mang 6 máy tính, nhưng trải qua nhiều giờ vừa viết bài, dựng video, xử lý ảnh, hầu hết các thiết bị này gần như cạn pin.

Phóng viên tác nghiệp tại hiện trường

Phóng viên tác nghiệp tại hiện trường

Để khắc phục, đoàn đã phải liên hệ xin sạc nhờ các thiết bị tại các khu vực lều, trại của lực lượng Gìn giữ hòa bình Liên hợp quốc cũng như lực lượng quân đội nước bạn.

Không có phòng thu, phóng viên Truyền hình Nhân Dân còn tận dụng mọi khoảng không có thể để đọc lời bình, từ căn lều trống kế bên, nhà vệ sinh lẫn trên xe ôtô hoặc bất cứ góc vắng người nào...

Vào thời điểm đoàn sang tác nghiệp, tất cả các đoàn cứu hộ, báo chí quốc tế đều lần lượt rời Hatay. Do đó, việc ăn ở đều phải do đoàn tự túc. Ý thức được điều này, tổ công tác đã chủ động xin lại các đoàn quốc tế trước khi họ rời đi từ cái bếp lò, chiếc rìu bổ củi, tải than hoa, xăng đốt... đến cả chiếc nồi đun, tải chanh vàng hay những quả cà chua sắp ủng.

Tác nghiệp tại tâm chấn của động đất ở Thổ Nhĩ Kỳ chắc chắn sẽ là những kỷ niệm khó quên với các nhà báo Việt Nam. Họ sẽ nhớ mãi nơi đây, nơi mà người dân phải chịu hậu quả nặng nề nhất của thảm họa thiên nhiên trong vòng 100 năm qua, nhưng giữa khó khăn hoạn nạn, giữa tâm chấn tình người với người đã lan tỏa. Đó là hình ảnh đẹp nhất, là ngọn lửa sưởi ấm cho người dân Thổ Nhĩ Kỳ và tình đoàn kết quốc tế một lần nữa được khẳng định.

Người Việt ở Thổ Nhĩ Kỳ hỗ trợ Cảnh Sát Việt Nam cứu hộ ở khu vực mới có độ nguy hiểm cao

Nhóm Phóng Viên

Nguồn SK&ĐS: https://suckhoedoisong.vn/phong-vien-viet-nam-tac-nghiep-tai-tam-chan-dong-dat-o-tho-nhi-ky-ky-uc-kinh-hoang-noi-tham-hoa-169230620204320413.htm