'Phớt lờ' biển báo giao thông cần xử lý nghiêm!
Trên các tuyến đường Hà Nội, mặc dù đã có các biển chỉ dẫn giao thông nhưng nhiều chủ phương tiện vẫn cố tình vi phạm. Tình trạng này đòi hỏi lực lượng chức năng phải có biện pháp mạnh tay để xử lý triệt để.
Vi phạm tràn lan
Theo ghi nhận của phóng viên tại một số tuyến phố có biển cấm dừng đỗ xe tình trạng vi phạm diễn ra khá phổ biến. Cụ thể, trên tuyến đường Nguyễn Ngọc Vũ (phường Trung Hòa, Cầu Giấy) có đề rõ biển cấm ô tô vào khung giờ cao điểm (6h30 - 9h, 16h - 19h), nhưng chủ phương tiện vẫn ngang nhiên dừng đỗ gây ùn tắc.
Đáng nói, trên tuyến đường chỉ rộng từ 5,5 - 7,5m, mỗi lần xe buýt lưu thông qua khiến hàng dài phương tiện bị ùn ứ phía sau. Còn trên đường Nguyễn Khang (Cầu Giấy) kéo dài dọc theo sông Tô Lịch lại là nơi tập trung nhiều quán ăn, các cơ sở kinh doanh, dịch vụ karaoke nên lượng xe đỗ bên đường tập trung đông nhất là khung giờ 12h - 14h và từ khoảng 17h- 22h. Tương tự, tại tuyến đường Ô Chợ Dừa đoạn gần đường La Thành, hình ảnh xe ô tô đỗ dọc tuyến đường ngay cạnh biển cấm bất kể sáng hay tối đã trở nên quá quen thuộc đối với người đi đường.
Không chỉ tại Nguyễn Khang, Nguyễn Ngọc Vũ hay Ô chợ Dừa, ở nhiều tuyến đường khác trên địa bàn thành phố như: Phạm Hùng, Nguyễn Xiển, Đại Lộ Thăng Long… tình trạng dừng, đỗ xe bất chấp biển cấm cũng diễn ra khá phổ biến. Chị Nguyễn Ngọc Duyên, phố Nguyễn khang bức xúc: “Có nhiều người dù nhìn thấy biển báo nhưng vẫn đỗ xe dọc tuyến đường khiến việc đi lại của người dân gặp nhiều khó khăn. Trước đây, lực lượng chức năng đã nhiều lần xử lý, lập biên bản tuy nhiên chỉ được một thời gian ngắn mọi việc lại trở lại như cũ”…
Bên cạnh vi phạm biển cấm dừng đỗ, tình trạng phớt lờ các biển chỉ dẫn cấm rẽ trái, rẽ phải cấm quay đầu, cấm dừng đón, trả khách cũng thường xuyên diễn ra. Cụ thể, tại ngã tư Thái Hà - Hoàng Cầu, mặc dù đã có biển cấm rẽ trái từ Thái Hà sang Hoàng Cầu, thế nhưng mỗi khi vắng bóng lực lượng chức năng người dân lại vô tư vi phạm. Cách đó không xa, tại ngã 4 Ô Chợ Dừa - Xã Đàn- Tây Sơn - Khâm Thiên, lực lượng chức năng cũng đã cho dựng biển cấm rẽ trái, tuy nhiên các phương tiện vẫn rẽ trái vào Khâm Thiên, bất chấp việc có lực lượng chức năng trực chốt.
Tương tự, tại đường Phạm Hùng, chỉ một đoạn ngắn từ khu vực Bến xe khách Mỹ Đình đến ngã tư Phạm Hùng - Mễ Trì - Dương Đình Nghệ, có rất nhiều biển cấm dừng, đỗ, tuy nhiên đều bị nhiều người điều khiển phương tiện phớt lờ. Điển hình như trước cổng tòa chung cư FLC Complex (36 Phạm Hùng, quận Nam Từ Liêm) hàng chục xe taxi, xe hợp đồng... dừng đỗ, đón trả khách dưới chân biển cấm dừng, đỗ…
Mạnh tay xử lý
Trao đổi về việc xử lý người tham gia giao thông cố tình không tuân thủ theo biển báo, Thiếu tá Đỗ Xuân Khoa, Tổ trưởng Tổ xử lý vi phạm giao thông (Đội Cảnh sát giao thông Số 6, Công an thành phố Hà Nội) cho hay: Đội Cảnh sát giao thông số 6 vẫn thường xuyên tiến hành kiểm tra, xử lý đồng thời tuyên truyền, nhắc nhở người tham gia giao thông.
Tuy nhiên, do địa bàn quản lý của đội khá lớn, với nhiều nút giao thông phức tạp, trong khi đó lực lượng lại mỏng, không thể bố trí lực lượng tuần tra vi phạm thường xuyên. “Các lỗi vi phạm phần nhiều là do chủ phương tiện cố tình vi phạm vì sự tiện lợi của bản thân. Với hạ tầng giao thông như hiện nay, để người dân chấp hành quy định về biển báo, rất cần sự phối hợp chặt chẽ trong xử lý vi phạm của lực lượng chức năng”- Thiếu tá Đỗ Xuân Khoa chia sẻ.
Đưa ra giải pháp nhằm khắc phục tình trạng trên, Thiếu Tá Lý Thị Thu Trang, Đội phó Đội Chỉ huy giao thông và tín hiệu đèn (Phòng cảnh sát giao thông thành phố Hà Nội) cho biết, từ đầu năm đến nay, Công an thành phố Hà Nội đang triển khai quyết liệt việc xử lý các lỗi vi phạm giao thông qua hệ thống Camera giám sát. Với mạng lưới dày đặc, phủ rộng khắp thành phố, hệ thống camera giám sát sẽ giúp lực lượng chức năng dễ dàng nắm bắt và không để bỏ sót các trường hợp vi phạm.
Các lỗi vi phạm như không tuân thủ theo các biển chỉ dẫn, dừng đỗ sai quy định sẽ được hệ thống camera ghi nhận lại và được các chiến sĩ của trung tâm in hình ảnh gửi thông báo về địa chỉ đăng ký của người đăng ký phương tiện để nộp phạt. Với những trường hợp không xác định được chủ phương tiện do phương tiện đã đổi chủ quá nhiều lần hoặc chủ phương tiện không đến nộp phạt theo quy định, cơ quan chức năng sẽ gửi dữ liệu sang Trung tâm đăng kiểm phương tiện giao thông để xử phạt khi phương tiện đăng kiểm theo định kỳ.
“Trong 6 tháng đầu năm nay, qua hệ thống camera giám sát, lực lượng chức năng đã gửi thông báo phạt “nguội” gần 4.500 trường hợp vi phạm, tước giấy phép lái xe với hơn 600 giấy phép lái xe. Riêng trong 2 tháng 5 và 6, trung tâm đã tiến hành phạt nguội gần 1000 trường hợp, trong đó có gần 500 trường hợp dừng đỗ sai quy định, 250 trường hợp đón trả khách sai quy định” - Thiếu Tá Lý Thị Thu Trang cho biết.
Còn theo Thanh tra Sở Giao thông vận tải Hà Nội, quan điểm của Sở là phải tăng cường kiểm tra để đẩy mạnh việc xử lý vi phạm. Với tinh thần đó, từ đầu năm 2020 đến nay, lực lượng chức năng đã kiểm tra, lập biên bản vi phạm hành chính hơn 2.200 trường hợp. Trong đó, xử lý 336 trường hợp không chấp hành biển báo hiệu cấm, phạt tiền 504 triệu đồng và tước giấy phép lái xe 2 tháng đối với người vi phạm. Trong thời gian tới, Thanh tra Sở Giao thông - Vận tải tiếp tục phối hợp với các cơ quan chức năng tuyên truyền nhằm nâng cao ý thức chấp hành pháp luật của người tham gia giao thông; đồng thời tăng cường kiểm tra xử lý triệt để hơn nữa các vi phạm.
Nguồn LĐTĐ: https://laodongthudo.vn/phot-lo-bien-bao-giao-thong-can-xu-ly-nghiem-109935.html