Phụ Hảo: Nữ tướng quân đầu tiên trong lịch sử Trung Quốc

Phụ Hảo là nữ tướng quân sinh sống dưới thời nhà Thương ở Trung Quốc, được biết tới với những chiến tích lừng lẫy có thể so sánh với Tần Thủy Hoàng.

Lời tòa soạn:

Từ trước tới nay, phụ nữ hiếm khi có mặt trên chiến trường, nhưng vẫn có các nữ tướng để lại dấu ấn của riêng mình trong lịch sử quân sự thế giới. Dưới đây là những vị nữ tướng nổi danh xuất hiện tại 4 quốc gia khác nhau.

Bài 1: Artemisia I: Nữ tướng khiến cả đế chế Hy Lạp khiếp sợ

Theo Sohu, Phụ Hảo sinh sống vào năm 1200 TCN, tức thời nhà Thương ở Trung Quốc. Ban đầu, bà là một trong 64 phi tần của vua Vũ Đinh, sau đó được sắc phong trở thành Hoàng hậu.

Cùng với Phụ Hảo, có hai phi tần khác được sắc phong làm Hoàng hậu triều Thương, nhưng địa vị của bà lại vô cùng đặc biệt bởi khả năng quân sự. Phụ Hảo cũng được các sử gia coi là nữ tướng quân đầu tiên trong lịch sử Trung Quốc.

Các thông tin được ghi lại trên Giáp Cốt Văn (ghi chép trên mai rùa và xương thú thời cổ đại) tiết lộ rằng vua Vũ Đinh thường tìm đến bà để bàn chiến lược, rồi sau đó cho phép bà đích thân dẫn quân ra trận.

Hình ảnh Phụ Hảo dẫn quân ra trận. Ảnh: Sohu

Hình ảnh Phụ Hảo dẫn quân ra trận. Ảnh: Sohu

Trên chiến trường, Phụ Hảo thường sử dụng rìu, một loại vũ khí tượng trưng cho sức mạnh và quyền lực. Trong lăng mộ của bà, các nhà khảo cổ đã tìm thấy một cặp rìu bằng đồng, mỗi chiếc dài gần 40cm và nặng khoảng 9kg. Dựa trên phát hiện này, Phụ Hảo được cho là một người phụ nữ có sức khỏe phi thường.

Trận đánh nổi tiếng nhất của Phụ Hảo là khi cùng vua Vũ Đinh đánh đuổi quân bộ tộc Ba Phương. Tại đây, bà đã khéo léo bày trận mai phục, giúp chồng giành chiến thắng vang dội. Đây được coi là trận phục kích đầu tiên được ghi nhận trong lịch sử Trung Quốc.

Những chiến công của Phụ Hảo lừng lẫy tới mức các sử gia thường so sánh chúng với Tần Thủy Hoàng.

Tượng của Phụ Hảo ở tỉnh Hà Nam, Trung Quốc. Ảnh: Sohu

Tượng của Phụ Hảo ở tỉnh Hà Nam, Trung Quốc. Ảnh: Sohu

Không chỉ là một tướng quân tài năng, Phụ Hảo còn là một nhà ngoại giao, là người chủ trì các nghi lễ quan trọng. Bà cũng làm tốt nhiệm vụ quản lý hậu cung, làm tròn bổn phận của bậc mẫu nghi thiên hạ.

Là một vị tướng xuất sắc, nhưng Phụ Hảo lại không may qua đời ở tuổi 33 trên chiến trường. Sự ra đi của bà khiến vua Vũ Đinh vô cùng đau khổ, bởi ông vô cùng yêu thương người vợ của mình. Theo ghi chép trên Giáp Cốt Văn, vua Vũ Đinh luôn ra trận cùng Phụ Hảo nếu có thể. Khi không thể đi cùng, ông liên tục hỏi thăm tình hình của bà.

Lăng mộ của Phụ Hảo được xây dựng ngay cạnh thư phòng của vua Vũ Đinh, nay ở An Dương, tỉnh Hà Nam. Lăng mộ này được phát hiện vào năm 1976, là một trong những di chỉ còn nguyên vẹn nhất của thời nhà Thương. Tại đây, các nhà khảo cổ đã tìm thấy 400 cổ vật bằng đồng, 755 cổ vật bằng ngọc bích và nhiều vật phẩm có giá trị khác.

Việt Dũng

Nguồn VietnamNet: https://vietnamnet.vn/phu-hao-nu-tuong-quan-dau-tien-trong-lich-su-trung-quoc-2352555.html