Phụ huynh Hà Nội mong sĩ số 35 học sinh/lớp nhưng biết là không dễ để đạt

Theo chia sẻ của phụ huynh, lớp học của con có sĩ số trên 35, họ cũng chỉ biết trông cậy vào sự quan tâm, phương pháp quản lý học sinh của giáo viên.

Trong công văn của Bộ Giáo dục và Đào tạo gửi các Sở Giáo dục và Đào tạo về việc thực hiện nhiệm vụ giáo dục tiểu học năm học 2024-2025, Bộ yêu cầu các trường đảm bảo sĩ số học sinh/lớp theo quy định Điều lệ trường tiểu học 35 em/lớp, đồng thời có đủ thiết bị dạy học tối thiểu...

Thực tế, theo chia sẻ của nhiều phụ huynh, sĩ số ở nhiều trường trên địa bàn Hà Nội hiện nay ở bậc tiểu học đều rất khó để 35 học sinh/lớp.

Lớp học đông, giáo viên đổi chỗ cho học sinh

Theo chị H. có con lên lớp 4 tại Trường Tiểu học Phú Diễn, Bắc Từ Liêm, Hà Nội. Chất lượng giảng dạy của trường theo như gia đình đánh giá là tốt so với mặt bằng chung nhiều trường khác. Con gái lớn của chị cũng từng theo học tập tại đây.

Theo vị phụ huynh này, năm học 2023-2024, lớp của con chị có 49 học sinh. Bên cạnh lý do về chất lượng giảng dạy, khu vực này cũng rất đông các chung cư, khu công nghiệp nên dân số khá đông.

Để giải quyết bài toán đông học sinh trong lớp học, giáo viên chủ nhiệm lớp con chị H. đã chủ động bố trí thay đổi vị trí chỗ ngồi đầu bàn của học sinh hằng tuần. Điều này, giúp các con luân chuyển vị trí ngồi trong lớp, ai cũng được ngồi bàn đầu một thời gian. Mắt của trẻ cũng thích ứng với nhiều khoảng cách theo dõi bảng. Giáo viên cũng quan tâm đều tất cả các con.

"Nếu học sinh mất trật tự, giáo viên chủ nhiệm sẽ nhắn vào trong nhóm phụ huynh ở Zalo. Giáo viên cũng quan tâm sát sao đến con em, nên chúng tôi cũng bớt phần lo lắng khi lớp có sĩ số đông", chị H. chia sẻ.

 Ảnh minh họa. (Ảnh: Ngân Chi)

Ảnh minh họa. (Ảnh: Ngân Chi)

Hằng ngày, con của chị H. ăn bán trú tại trường và nếu kết thúc giờ học buổi chiều vào 16h10, chị chưa đến đón được, chị sẽ cho con vào tham gia câu lạc bộ trong trường.

Theo quan sát của chị H., hiện nay, diện tích đất của nhà trường đã được xây dựng hết nên chị cũng không rõ làm cách nào thêm phòng học, để sĩ số các lớp giảm được.

Lớp đông nhưng ngại chuyển trường

Chị Nguyễn Thị M. có con chuẩn bị vào lớp 4 Trường Tiểu học Hải Bối, Đông Anh, Hà Nội cho hay, năm học 2023-2024 vừa qua, lớp của con chị có 46 học sinh. Lớp học đông vì gần ngay khu công nghiệp Bắc Thăng Long.

Theo vị phụ huynh, lớp học đông, ảnh hưởng đến sự tiếp thu của học sinh cũng như sự quan tâm của giáo viên dành cho con em. Mỗi tiết học có một giáo viên giảng dạy. Lớp có 35 em, đương nhiên thầy cô sẽ quan tâm hướng dẫn được tốt hơn lớp đến 45-50 học sinh.

“Năm học 2024-2025, địa phương có thêm Trường tiểu học Vũ Công Tể, cách trường Tiểu học Hải Bối khoảng một cây số. Đây là trường tiểu học công lập chất lượng cao, việc xét tuyển đầu vào cũng khó hơn so với trường con đang học.

Nhà trường cũng khuyến khích phụ huynh cho con em sang trường mới, nhưng có một số phụ huynh cũng ngại chuyển trường cho con.

Đó là vì lý do họ phải đưa đón con xa hơn trường cũ. Bên cạnh đó, với những gia đình có con học lớp 3, lớp 4, họ ngại chuyển trường cho con vì con đang quen bạn bè ở trường cũ”, chị H. chia sẻ.

Theo vị phụ huynh, để giảm tải sĩ số học sinh, năm học 2024-2025, Trường Tiểu học Hải Bối cũng đã xây dựng xong một số phòng học, cũng như tu sửa cơ sở vật chất.

Cô giáo quản lý học sinh chặt thông qua mạng xã hội

 Trường Tiểu học Giáp Bát (Ảnh: Mạnh Đoàn)

Trường Tiểu học Giáp Bát (Ảnh: Mạnh Đoàn)

Trao đổi với phóng viên, một phụ huynh có con chuẩn bị vào học lớp 3 Trường Tiểu học Giáp Bát (Hoàng Mai, Hà Nội) cho hay, năm học 2023-2024, lớp của con chị có 47 học sinh, trong đó có nhiều học sinh học trái tuyến.

Tuy nhiên, so sánh với quy mô sĩ số tại những trường tiểu học khác ở quận Hoàng Mai, Trường Tiểu học Giáp Bát có sĩ số như vậy vẫn là "bình thường".

"Các trường tiểu học tại khu vực phường Mai Động, Lĩnh Nam... nơi đó có nhiều chung cư, người dân lao động tập trung, sĩ số của các lớp chắc chắn đông hơn trường của con tôi đang học", chị L. nói và chia sẻ, chị cũng là người dân nơi khác đến đây lập nghiệp sinh sống.

Tại trường của con chị L. học, cũng giống như nhiều trường học khác, giáo viên thường thường sẽ đổi chỗ cho học sinh để tăng sự quan tâm của giáo viên, giảm sự kích ứng mắt khi ngồi xa quá hoặc gần quá.

"Lớp đông, giáo viên chú ý đến học sinh, nếu em nào mất trật tự, học lơ là, giáo viên sẽ nhắn qua nhóm lớp để phụ huynh biết", chị L. nói.

Anh Th. có con lên lớp 3 Trường tiểu học Mai Động, Hoàng Mai, Hà Nội cho biết, năm học 2023-2024 lớp của con khoảng hơn 40 học sinh.

"Cô giáo vẫn thực hiện đổi chỗ thường xuyên và bố trí những học sinh có học lực tốt để làm cán bộ lớp, điều này nhằm khích lệ tính tự giác, tăng cường học cho các con", anh Th. chia sẻ.

Lớp học đông học sinh, giáo viên cũng áp dụng công nghệ trong giảng dạy để học sinh dễ tiếp thu như dùng mic, máy chiếu...

"Có khi con chưa về, cô giáo đã gửi nội dung bài tập hay việc học tập của con trên lớp cho phụ huynh", anh Th. nói.

Theo vị phụ huynh này, do diện tích đất của nhà trường đã xây dựng hết, nên trong năm học vừa qua, nhà trường không xây dựng mới cơ sở vật chất.

Theo anh V. (có con chuẩn bị lên lớp 2, Trường Tiểu học Phú La, Hà Đông, Hà Nội), năm học vừa qua, lớp của con anh có sĩ số là 48 học sinh và lớp học đông, giáo viên cũng thường đổi chỗ cho học sinh, để giáo viên quan tâm hơn.

"Lớp có sĩ số đông, nhưng phòng học đều được lắp điều hòa, nên các con học tập cũng đỡ bớt nhọc", anh V. nói.

Vị phụ huynh cho biết, năm học 2024-2025, một số phụ huynh trong lớp của con anh cũng đã chuyển trường cho con, có thể họ thấy lớp đông, việc học tập của con chưa được kèm cặp sát sao.

Giáo viên nói gì về lớp học trên 35 học sinh/lớp?

Theo cô T. giáo viên dạy bộ môn Âm nhạc tại một trường tiểu học trên địa bàn quận Hai Bà Trưng, Hà Nội, sĩ số học sinh tiểu học của nhà trường cũng như các trường khác thuộc quận không có sĩ số cao như Hoàng Mai, Cầu Giấy... nơi có nhiều tòa nhà chung cư.

"Sĩ số học sinh lớp 1 của trường tôi trung bình khoảng 35 học sinh, trước đây có những năm học sinh đông là khoảng 40-50 em/lớp", cô T. nói.

Theo nữ giáo viên để giảm tải sĩ số, nhà trường đã xây dựng mới thêm diện tích sàn phòng học và xây dựng mới một số phòng học. Việc này được thực hiện trong mấy năm vừa qua.

Chia sẻ về việc giảng dạy khi sĩ số học sinh là 35 em/lớp học, cô T. cho hay, việc này giúp giáo viên quản lý học sinh được dễ dàng hơn như khi chia nhóm nhỏ để giao bài tập, thực hành.

"Lớp có sĩ số học sinh đúng quy định cũng giúp chất lượng giảng dạy, học tập tốt hơn. Theo đó, học sinh sẽ được giáo viên gọi lên bảng nhiều lần hơn, việc quản lý học sinh cũng dễ hơn", cô T. nói.

Bên cạnh lợi ích của việc sĩ số đảm bảo theo quy định, cô T. cũng nhận thấy bản thân "nhàn" hơn trong việc đánh giá học sinh, từ đó có sự quan tâm nhiều hơn cho những em có năng lực còn yếu.

Sĩ số 35 học sinh/lớp là điều khá khó khăn ở thành phố lớn như Hà Nội. Với các tỉnh, việc thực hiện yêu cầu sĩ số học sinh là điều không quá khó và nó giúp cho giáo viên đảm bảo các yêu cầu giảng dạy thuận lợi hơn.

Theo cô giáo Dương Thị Hương (Hiệu trưởng Trường Tiểu học Lương Thiện, Sơn Dương, Tuyên Quang), nhà trường hiện thuộc khu vực III và sắp tới sẽ đạt chuẩn nông thôn mới, thành khu vực I.

Do là địa phương có mật độ dân số thưa thớt nên các lớp của nhà trường có mật độ dao động khoảng từ 27-30 học sinh/lớp. Còn đối với trường tiểu học ở thị trấn có sĩ số khoảng 35 học sinh/lớp.

"Nhà trường từng có thời điểm đông học sinh nhất là 31-32 học sinh/lớp", cô Hương chia sẻ.

Cô Hương cho biết, tỷ lệ giáo viên của nhà trường đảm bảo 1,5 giáo viên/lớp, nhà trường 100% đội ngũ giáo viên là thuộc biên chế.

Chuẩn bị cho năm học mới, nhà trường đã có đầy đủ cơ sở vật chất và giáo viên đang được tập huấn chương trình sách giáo khoa lớp 5.

Mạnh Đoàn

Nguồn Giáo Dục VN: https://giaoduc.net.vn/phu-huynh-ha-noi-mong-si-so-35-hoc-sinhlop-nhung-biet-la-khong-de-de-dat-post244628.gd