Phụ huynh lo tìm chỗ học cho con

Kể từ ngày 1-7, nhiều cán bộ, công chức, người lao động từ tỉnh Bình Phước (cũ) đã chính thức sang làm việc tại trung tâm hành chính tỉnh Đồng Nai. Ngoài việc lo chỗ ăn ở, làm việc, phương tiện đi lại, nhiều cán bộ, công chức phải đưa con em đi cùng để được gần gũi, chăm sóc.

Nhân viên văn thư của Trường trung học cơ sở Trảng Dài (phường Trảng Dài) sắp xếp hồ sơ học sinh. Ảnh: H.Yến

Nhân viên văn thư của Trường trung học cơ sở Trảng Dài (phường Trảng Dài) sắp xếp hồ sơ học sinh. Ảnh: H.Yến

Để thuận lợi cho công việc, đa số cán bộ, công chức tìm nhà ở thuộc khu vực các phường Biên Hòa, Trấn Biên, Tam Hiệp, Trảng Dài. Vì vậy, các trường học ở những phường này cũng là lựa chọn hàng đầu của các phụ huynh.

Không lo thiếu chỗ học nhưng vẫn phải cạnh tranh

Lường trước sẽ có lượng lớn học sinh chuyển đến học tập tại các phường gần khu trung tâm hành chính tỉnh, từ tháng 6-2025, Sở Giáo dục và đào tạo đã yêu cầu các trường thống kê khả năng tiếp nhận học sinh ở từng khối lớp (không tính các lớp đầu cấp).

Các trường từ cấp mầm non đến trung học phổ thông trên địa bàn các phường: Trấn Biên, Biên Hòa, Tam Hiệp, Long Bình, Long Hưng, Tam Phước đã có báo cáo thống kê cụ thể. Theo đó, đối với khối lớp 2, 3, 5, có thể tiếp nhận được tổng cộng từ 1,8-2,1 ngàn học sinh/khối; khối 7, 8, 9 có thể tiếp nhận được tổng cộng từ hơn 370-750 học sinh/khối; khối 11 có thể tiếp nhận 98 học sinh, khối 12 có thể tiếp nhận 155 học sinh.

Trong khi đó, theo thống kê đến thời điểm ngày 29-6, chỉ có 385 học sinh ở phường Bình Phước và phường Đồng Xoài sẽ chuyển đến học tại khu vực trung tâm tỉnh Đồng Nai (gồm 72 học sinh mầm non, 158 học sinh tiểu học, 117 học sinh trung học cơ sở (THCS) và 38 học sinh trung học phổ thông (THPT).

Sau khi hợp nhất tỉnh, thủ tục chuyển trường đối với học sinh được thực hiện theo thủ tục chuyển trường trong tỉnh. Cha, mẹ hoặc người giám hộ phải trực tiếp liên hệ các cơ sở giáo dục để được hướng dẫn thủ tục chuyển trường theo quy định.

Tuy nhiên, khả năng tiếp nhận cao hơn nhiều so với số lượng học sinh chuyển đến không có nghĩa là phụ huynh có thể dễ dàng tìm được chỗ học như ý cho con. Bởi theo đăng ký, đa số phụ huynh có nguyện vọng đăng ký cho con học ở các “trường điểm” thuộc khu vực trung tâm phường Trấn Biên, Biên Hòa và Tam Hiệp như: mầm non Hướng Dương, mầm non Hoa Sen, tiểu học Nguyễn An Ninh, tiểu học Quang Vinh, THCS Hùng Vương, THCS Trần Hưng Đạo, THCS Lê Quang Định…

Trong khi đó, khả năng tiếp nhận học sinh của những trường này lại rất thấp, do đã ở trong tình trạng quá tải. Chẳng hạn, Trường tiểu học Nguyễn An Ninh (phường Tam Hiệp) hầu như không có khả năng tiếp nhận thêm học sinh, nhưng có đến 20 phụ huynh có nguyện vọng cho con vào học ở trường này. Tương tự, có hơn 20 phụ huynh muốn xin cho con vào học tại Trường tiểu học Trịnh Hoài Đức nhưng trường này cũng không có khả năng tiếp nhận. Ở cấp THCS, Trường THCS Trần Hưng Đạo chỉ có thể tiếp nhận 21 học sinh nhưng có 47 nguyện vọng…

Hiệu trưởng một trường tiểu học ở phường Tam Hiệp cho biết: “Khả năng tiếp nhận học sinh của trường có hạn nên phụ huynh nào đến nộp hồ sơ trước thì được nhận. Những phụ huynh đến nộp hồ sơ sau mà đã hết chỗ, trường đành phải từ chối và tư vấn để phụ huynh đến trường khác sao cho thuận tiện nhất”.

Phụ huynh vẫn cân nhắc

Anh Nguyễn Văn Thành (công tác tại Sở Nông nghiệp và môi trường tỉnh Bình Phước cũ) cùng vợ sẽ di chuyển về trung tâm hành chính tỉnh Đồng Nai mới công tác. Do cả 2 vợ chồng cùng đi nên sẽ chuyển trường cho 2 con về trường mới theo học.

Anh Thành cho biết, do bận việc cơ quan nên chưa thể đến tận nơi tìm hiểu kỹ về trường lớp phù hợp với năng lực, sở trường của con, mà chỉ thông qua danh sách các trường do Sở Giáo dục và đào tạo Đồng Nai cung cấp rồi đăng ký là Trường THCS Tam Hòa và Trường tiểu học Tam Hòa.

Cán bộ, công chức, viên chức cần căn cứ vào nhu cầu tiếp nhận của các cơ sở giáo dục và địa bàn sinh sống, làm việc để xin chuyển trường phù hợp cho con. Đối với học sinh cấp THPT, phụ huynh cần trao đổi kỹ lưỡng với các trường THPT về tổ hợp môn trước khi thực hiện thủ tục chuyển trường.

“Tới đây, tôi sẽ làm đơn xin cho con vào trường mới học. Nếu được trường mới tiếp nhận, tôi về trường cũ rút hồ sơ” - anh Thành chia sẻ.

Còn vợ chồng anh Thân Văn Tín (công tác tại Trung tâm Huấn luyện và thi đấu thể dục, thể thao tỉnh) - chị Nguyễn Thị Tâm (công tác tại Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh) vẫn đang lưỡng lự về việc chuyển trường cho 2 con.

Anh Tín cho biết, anh thuộc diện chắc chắn phải chuyển đến làm việc tại trung tâm hành chính tỉnh, trong khi vợ anh vẫn chưa biết là đi hay ở lại. Tuy nhiên, để đảm bảo “chắc ăn”, anh đã đăng ký cho 2 con (lớp 1 và lớp 7) vào học tại các trường gần nơi làm việc mới.

Theo anh Tín, nếu vợ anh được ở lại nơi làm việc tại phường Bình Phước, anh sẽ để các con học tập tại các trường như trước đây, vừa không phải thay đổi môi trường, lại được ở gần mẹ.

Theo Hiệu trưởng Trường THCS Trảng Dài (phường Trảng Dài) Phạm Thị Hải Anh, nhà trường sẵn sàng tiếp nhận và tạo điều kiện thuận lợi nhất cho “phụ huynh Bình Phước” chuyển trường cho con. Trên thực tế, đã có phụ huynh đến tìm hiểu, nhà trường cũng đã hướng dẫn thủ tục chuyển trường nhưng sau đó không thấy phụ huynh liên hệ lại.

Hải Yến - Vũ Thuyên

Nguồn Đồng Nai: https://baodongnai.com.vn/xa-hoi/202507/phu-huynh-lo-tim-cho-hoc-cho-con-4951523/