Phụ huynh nông thôn Hà Tĩnh làm đủ nghề cùng con 'nuôi chữ'

Không ngại gian nan, vất vả để lo cho con cái học hành là chuyện bao đời của nông dân Hà Tĩnh. Ngày nay, người nông dân có thêm nhiều lựa chọn công việc hơn, nhờ đó, con cái của họ cũng được học hành bài bản hơn…

Niềm vui có sách áo mới của trẻ em nông thôn Hà Tĩnh trước năm học mới.

Kỳ nghỉ hè sắp kết thúc cũng là lúc vợ chồng chị Bùi Thị Thanh (47 tuổi, ở thôn Đông Thịnh, xã Hồng Lộc, Lộc Hà) phải lo lắng, suy nghĩ nhiều hơn. Bởi, với một hộ nông dân đông con như gia đình chị, việc lo cho các con bước vào năm học mới thật sự là một gánh nặng.

Chị Thanh chia sẻ: “Vợ chồng tôi có 4 đứa con, đứa đầu vừa học xong đại học, đứa thứ 2 năm nay học đại học năm thứ 3 còn 2 đứa nhỏ đang học THCS và tiểu học. Vào đầu mỗi năm học mới, ngoài chuẩn bị số tiền khá lớn đóng các khoản theo quy định, chúng tôi còn phải sắm sửa áo quần, sách vở… cho các con. Vì vậy, cuối hè, vợ chồng tôi cùng ngồi lại tính toán rồi đi đến thống nhất, dành một nguồn cố định để tạo quỹ cho việc học của con và quỹ này được bổ sung liên tục trong suốt cả năm”.

Nuôi 4 đứa con ăn học, vào năm học mới vợ chồng chị Nguyễn Thị Thanh lại phải lo lắng, suy nghĩ nhiều hơn...

Để trang trải cho việc học của con, ngoài trồng 4 sào ruộng (mỗi năm 2 vụ) thì vợ chồng chị Thanh còn kiếm việc làm thêm lúc nông nhàn. Anh Hồ Minh - chồng chị Thanh làm thêm nghề phụ như hàn xì các mái che, cổng sắt…; còn chị, làm thêm 3 sào chè trên đồi và chăm chỉ đi chợ bán. Khoản thu nhập này dành hơn phân nửa bỏ “ống” để phục vụ đèn sách cho các con.

Để có tiền trang trải việc học hành cho các con, ngoài việc đồng áng , vợ chồng chị Thanh không ngại khó, ngại khổ, nhận làm thêm nhiều việc khác.

Luôn dành nhiều kỳ vọng “đổi đời” cho 4 đứa con bằng việc học, ông Nguyễn Đình Huy (61 tuổi, thôn Nam Phú, xã Thạch Trung, TP Hà Tĩnh) cũng bôn ba đủ việc. Ông Huy cho biết: “Những năm trước, mỗi khi kỳ nghỉ hè kết thúc là vợ chồng tôi “toát mồ hôi” nhìn trước ngó sau để làm thế nào đủ tiền cho con đóng học phí, sắm sửa áo quần… Năm nay, việc chuẩn bị vào năm học mới cho 2 đứa con đang học đại học có phần nhẹ nhàng hơn. Bởi, 2 đứa con đầu đã tốt nghiệp đại học, có việc làm ổn định, phụ giúp cha mẹ nuôi 2 em”.

Những chuyến chạy chợ đã giúp vợ chồng ông Nguyễn Đình Huy (Thạch Trung, Tp Hà Tĩnh) nuôi 4 đứa con ăn học

Tuy có con hỗ trợ nhưng ông Huy cũng không dựa hẳn vào đó. Vợ chồng ông vẫn phải là trụ cột để lo việc học cho 2 đứa sau. Làm 3 sào ruộng chỉ đủ gạo ăn nên ông Huy chọn nghề buôn bán để mưu sinh. Hằng ngày, ông chạy xe máy hàng chục cây số từ Thạch Trung lên Hương Khê hoặc ra Hồng Lộc (Lộc Hà) mua chè về bán ở chợ TP Hà Tĩnh và vùng lân cận. Mỗi chuyến ông lãi từ 150 - 200 ngàn đồng. Số tiền đó, vợ chồng ông dành để nuôi con ăn học. Ông Huy dự tính, khi các con học xong, vợ chồng ông sẽ nghỉ chạy chợ và tìm việc khác nhẹ nhàng hơn.

Trong khi đối với nhiều gia đình có điều kiện khá giả, việc chuẩn bị cho con cái bước vào năm học mới khá nhẹ nhàng thì đa phần các gia đình nông thôn việc đó luôn là một áp lực. Tại một cơ sở thu mua phế liệu ở gần Bệnh viện Đa khoa TP Hà Tĩnh, chúng tôi gặp một nhóm chị em chuyên đi gom phế liệu về bán. Nhóm gồm 6 người, độ tuổi từ 40 - 50, người nào cũng có ít nhất từ 1 - 3 đứa con đang cắp sách tới trường.

Dù vất vả, Chị Trương Thị Hoa (giữa xã Đồng Môn, TP. Hà Tĩnh) và nhóm chị em làm nghề thu mua phế liệu vẫn vui khi con được học hành đàng hoàng.

Chị Trương Thị Hoa (46 tuổi, xã Đồng Môn, TP Hà Tĩnh) chia sẻ: “Mấy chị em trong nhóm chúng tôi đều làm nghề nông. Ai cũng có con đang tuổi đi học. Người ít như tôi thì 1 đứa, người nhiều như chị Kiều (xã Thạch Khê, Thạch Hà) thì 3 đứa. Dù vất vả, nhưng chúng tôi cũng luôn cố gắng chắt chiu, dành dụm để con cái được tới trường như bạn bè cùng trang lứa. Vả lại, chúng tôi cũng mong muốn con cái được học hành để sau này có nghề nghiệp, có cuộc sống ổn định hơn”.

Thu nhập từ nghề thu gom phế liệu không cao nhưng khá ổn định. Ngày nhiều được 100 - 150 ngàn đồng, ngày ít được 50 ngàn đồng. Dù vậy, để chuẩn bị cho con bước vào năm học mới, các chị cũng cố gắng đi thường xuyên hơn, xa hơn để có thu nhập khá hơn…

Sự tảo tần của các bậc cha mẹ là để nâng đỡ cho con bước vào tương lai.

Năm học mới cận kề, chứng kiến những giọt mồ hôi rơi trên gương mặt của các bậc làm cha, làm mẹ là các gia đình nông dân Hà Tĩnh, chúng tôi không khỏi xúc động và nể phục. Họ không quản ngại vất vả, hy sinh để cùng con “nuôi con chữ”, nuôi giấc mộng khoa bảng. Và, không phụ lòng cha mẹ, rất nhiều học sinh nông thôn đã vượt lên khó khăn, ghi tên mình tại những ngôi trường đại học danh tiếng, trên những bảng vàng của giáo dục Việt Nam…

Thiên Vỹ

Nguồn Hà Tĩnh: http://baohatinh.vn/nui-hong-song-la/phu-huynh-nong-thon-ha-tinh-lam-du-nghe-cung-con-nuoi-chu/197426.htm