Phụ huynh phải nghỉ làm để chăm sóc những đứa trẻ từ chối đến trường

Theo cuộc điều tra của Thượng viện Australia về xu hướng từ chối đi học của trẻ, một số phụ huynh nước này buộc phải nghỉ việc hoặc giảm số giờ làm để chăm sóc những đứa trẻ ở nhà.

 Nhiều cha mẹ không yên tâm để con ở nhà, họ chấp nhận nghỉ việc để chăm sóc chúng. Ảnh: Parenting firstcry.

Nhiều cha mẹ không yên tâm để con ở nhà, họ chấp nhận nghỉ việc để chăm sóc chúng. Ảnh: Parenting firstcry.

Tháng 10, Ủy ban Giáo dục của Thượng viện liên bang Australia ra thông báo cơ quan này sẽ tiến hành một cuộc điều tra về xu hướng từ chối đi học - hiện tượng mà các chuyên gia cho rằng có liên quan đến sự đau khổ hoặc lo lắng về sự chia ly gia tăng kể từ sau đại dịch, Guardian đưa tin.

100.000 trẻ không đến trường

Các tổ chức nghiên cứu về sức khỏe tâm thần cùng các chuyên gia giáo dục xác định các hành vi liên quan đến xu hướng từ chối đi học là sự miễn cưỡng trong việc tham gia lớp học. Điều này khác với vấn đề trốn học.

Bà Megan O'Connell, thành viên cấp cao tại ĐH Melbourne, cho biết theo thống kê, có tới gần 100.000 trẻ em Australia không đi học sau đại dịch, nhiều trẻ em chỉ gắn bó gián tiếp với trường học và không đi học thường xuyên.

Các tổ chức về sức khỏe tâm thần Beyond Blue và Viện Black Dog (Australia) bày tỏ quan ngại của họ về cách học sinh đối phó với việc quay trở lại lớp học sau đại dịch, đồng thời yêu cầu hỗ trợ tốt nhất cho những đứa trẻ đang phải vật lộn với lo âu, trầm cảm hoặc rời xa gia đình.

“Những thách thức về sức khỏe tâm thần ở trẻ em và thanh thiếu niên trở nên trầm trọng hơn do đại dịch và các thảm họa thiên nhiên gần đây. Vì vậy, trường học và các nhà giáo dục cần được hỗ trợ đầy đủ để đáp ứng các yêu cầu ngày càng phức tạp”, Beyond Blue đưa ra cảnh báo.

Theo đệ trình đầu tiên của cuộc điều tra do Ủy ban Giáo dục của Thượng viện liên bang Australia thực hiện, tại các diễn đàn phụ huynh, nhiều cha mẹ cho biết họ phải nghỉ việc hoặc giảm đáng kể số giờ làm chỉ nhằm mục đích ở nhà và chăm sóc những đứa trẻ không chịu đi học. Họ không yên tâm bỏ mặc con ở nhà.

Bản đệ trình cũng chỉ ra các tác động về mặt cảm xúc và sức khỏe đối với phụ huynh - những người vốn không được tiếp cận đầy đủ với các dịch vụ hỗ trợ sức khỏe tâm thần.

“Trong một số trường hợp, những cha mẹ có con từ chối đi học thường gặp nhiều lo lắng. Vì vậy, hỗ trợ đứa trẻ đồng thời cũng là hỗ trợ cha mẹ”, trích đệ trình.

Các nội dung tham chiếu của cuộc điều tra cho thấy Ủy ban Giáo dục sẽ điều tra việc từ chối trường học ảnh hưởng đến trẻ em và gia đình của chúng như thế nào, bao gồm cả những tác động đối với công việc của phụ huynh và số lượng vụ việc tại các trường học. Từ đó, họ sẽ đưa ra phương án hỗ trợ.

Đệ trình của Viện Black Dog cũng làm dấy lên lo ngại về tác động của việc từ chối đến trường đối với các gia đình, cho rằng cha mẹ thường bị lãng quên trong các cuộc thảo luận. Đáng lẽ ra, họ cần được hỗ trợ nhiều hơn thông qua các chương trình nuôi dạy con cái, nhất là ở các dấu mốc quan trọng như bắt đầu tiểu học hoặc trung học.

“Cha mẹ buộc phải gián đoạn giờ làm hoặc đi làm muộn để chăm sóc con của họ, thậm chí họ không thể tiếp tục công việc. Xét về di truyền, cha mẹ của những đứa trẻ mắc chứng lo âu và trầm cảm thường có nguy cơ cao mắc bệnh tương tự. Dần dần, việc khuyến khích con cái đi học trở nên khó khăn và phức tạp hơn", bản đệ trình của Viện Black Dog nêu.

 Trẻ em từ chối đến trường có thể đang đối mặt với lo lắng và nguy cơ trầm cảm. Ảnh: Motherly.

Trẻ em từ chối đến trường có thể đang đối mặt với lo lắng và nguy cơ trầm cảm. Ảnh: Motherly.

Viện Black Dog tin rằng hầu hết trẻ em không đi học đều đang trải qua tình trạng lo lắng và trầm cảm tăng cao.

Có thể, những đứa trẻ đã trải qua chuyện gì đó ở trường học trước khi bị Covid-19 gián đoạn. Khoảng thời gian ở nhà giúp chúng tránh khỏi những căng thẳng như bị bắt nạt hoặc phải xa cách bố mẹ. Vì vậy, chúng xuất hiện xu hướng từ chối đến trường sau khi dịch ổn định.

Viện Black Dog nhấn mạnh việc cần phải hỗ trợ tâm lý sớm hơn cho học sinh. Được biết, chỉ 4% trường tiểu học ở New South Wales có cố vấn tại chỗ hàng ngày.

Tuy nhiên, Hiệp hội Hiệu trưởng các trường trung học Australia (ASPA) cho biết các trường học không có đủ nguồn lực hoặc thời gian để đầu tư vào việc phục hồi sau Covid-19 cho học sinh. Họ đang phải vật lộn để tìm nguồn lực cho các vấn đề cấp thiết hơn.

Báo cáo của Viện Black Dog cho biết sau đại dịch, các hiệu trưởng đã nhận thấy sự gia tăng xu hướng từ chối trường học. Các trường hợp bị đình chỉ cũng như hành vi vi phạm cũng tăng lên.

ASPA cho rằng nguyên nhân tiềm ẩn dẫn đến việc trẻ từ chối đến trường là sự công bằng trong học tập khi đại dịch xảy ra, chẳng hạn như khả năng tiếp cận công nghệ hoặc hỗ trợ tại nhà.

Theo Guardian, tới tháng 3/2022, cuộc điều tra của Ủy ban Giáo dục của Thượng viện liên bang Australia mới có kết quả.

Ngọc Bích

Nguồn Znews: https://zingnews.vn/phu-huynh-phai-nghi-lam-de-cham-soc-nhung-dua-tre-tu-choi-den-truong-post1386417.html