Phú Mỹ vươn mình phát triển thành đô thị cảng biển

Từ một địa phương với kinh tế thuần nông là chủ yếu, 30 năm sau ngày hình thành và phát triển, huyện Tân Thành (nay là thị xã Phú Mỹ), tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu đã có sự chuyển biến mạnh mẽ trong cơ cấu phát triển kinh tế. Phú Mỹ được xem là 'thành phố công nghiệp - cảng biển và dịch vụ logistics' hàng đầu của vùng Đông Nam Bộ.

Cụm cảng Cái Mép – Thị Vải nhìn từ trên cao. (Ảnh: M.Thìn)

Cụm cảng Cái Mép – Thị Vải nhìn từ trên cao. (Ảnh: M.Thìn)

Đổi thay hạ tầng đô thị

Ông Nguyễn Văn Vũ, ngụ phường Phú Mỹ, thị xã Phú Mỹ vẫn còn nhớ như in những năm đầu thành lập huyện Tân Thành (nay là thị xã Phú Mỹ), lúc đó, đời sống sinh hoạt khá nhiều khó khăn. “Những năm từ 1995 đến đầu 2000, người dân ở đây chủ yếu làm ao đùm, đánh bắt thủy sản gần bờ sông, đường sá hạ tầng còn nhiều hạn chế”, ông Nguyễn Văn Vũ nói và khẳng định so với 30 năm về trước, thị xã Phú Mỹ giờ phát triển mạnh mẽ hơn rất nhiều.

“Gần như mọi con đường trên địa bàn thị xã đều đã được bê tông hóa, nhựa hóa. Nhà cửa, hạ tầng đô thị ngày càng được mở rộng, hiện đại hơn. Người dân rất vui với sự phát triển này”, ông Nguyễn Văn Vũ phấn khởi.

Đô thị Phú Mỹ ngày càng phát triển hiện đại.

Đô thị Phú Mỹ ngày càng phát triển hiện đại.

Đồng tình với chia sẻ của ông Nguyễn Văn Vũ, bà Đinh Thị Hà, ngụ phường Tân Phước cho rằng, thị xã Phú Mỹ phát triển như ngày hôm nay là nhờ phát huy hết những tiềm năng mà địa phương này có được. “Phú Mỹ nằm sát sông Thị Vải với vùng nước mặt khá rộng, lãnh đạo địa phương chú trọng phát triển cảng biển, vận tải biển và phát triển các khu công nghiệp gần đó là đúng hướng rồi. Người dân như chúng tôi cũng được hưởng lợi rất lớn từ sự phát triển này”, bà Đinh Thị Hà nói.

Không chỉ bà Đinh Thị Hà hay ông Nguyễn Văn Vũ, phần lớn người dân thị xã Phú Mỹ đều vui mừng trước sự đổi thay cũng như phát triển của mảnh đất này sau 30 năm.

Dự án thành phần 3, cao tốc Biên Hòa – Vũng Tàu đi qua địa bàn với chiều dài 15,5km đang dần thành hình. (Ảnh: M.Thìn)

Dự án thành phần 3, cao tốc Biên Hòa – Vũng Tàu đi qua địa bàn với chiều dài 15,5km đang dần thành hình. (Ảnh: M.Thìn)

Theo lãnh đạo thị xã Phú Mỹ, thời điểm mới thành lập, huyện Tân Thành lúc đó chỉ có khoảng 23km đường bê tông nhựa (đường Quốc lộ 51). Hầu hết các tuyến đường đều xuống cấp trầm trọng, mặt đường nhỏ hẹp, giao thông đi lại và vận chuyển hàng hóa hết sức khó khăn. Với sự quan tâm của các cấp, đến nay hạ tầng đô thị địa phương cơ bản đã có nhiều đổi thay. Tính đến hết năm 2023, toàn thị xã đã bê tông nhựa hóa hơn 204km đường; 90% tuyến đường liên thôn ấp đều đã được bê tông, nhựa hóa. Việc lưu thông hàng hóa và đi lại của nhân dân được thuận lợi hơn. Đây được xem là một trong những điều kiện để thúc đẩy phát triển kinh tế xã hội của địa phương.

Chủ tịch UBND thị xã Phú Mỹ Nguyễn Văn Thắm cho biết, giao thông đô thị tại địa phương được chú trọng phát triển nhằm đẩy nhanh tốc độ đô thị hóa trong tiến trình xây dựng Phú Mỹ trở thành thành phố theo chủ trương chung. “Thị xã Phú Mỹ đã đầu tư các tuyến đường đô thị theo quy hoạch, đến nay đã hoàn chỉnh hơn 133km đường giao thông đô thị, với diện tích hơn 330ha, tỷ lệ đất giao thông trên tổng diện tích đất xây dựng đô thị đạt khá cao khoảng 19,6%”, ông Nguyễn Văn Thắm nói.

Hiện nay, nhiều dự án hạ tầng giao thông trọng điểm của quốc gia và tỉnh đang được triển khai trên địa bàn cũng sẽ góp phần trong sự phát triển mạnh mẽ của thị xã Phú Mỹ trong tương lai như: Dự án cầu Phước An; Đường 991B từ Quốc lộ 51 đến hạ lưu cảng Cái Mép; đường Long Sơn – Cái Mép; đường sau cảng Mỹ Xuân – Thị Vải (giai đoạn 1)… đặc biệt là dự án thành phần 3, cao tốc Biên Hòa – Vũng Tàu đi qua địa bàn với chiều dài 15,5km.

Một góc khu tái định cư Tân Phước. (Ảnh: M.Thìn)

Một góc khu tái định cư Tân Phước. (Ảnh: M.Thìn)

Cùng với giao thông, hạ tầng nhà ở của địa phương này cũng có những bước tiến đáng kể, tỷ lệ nhà xây dựng kiên cố chiếm tỷ lệ cao. Nhiều dự án nhà ở chung cư, dự án bất động sản, khu đô thị được xây dựng, góp phần tạo nên diện mạo của một đô thị hiện đại.

Phát triển song hành cảng biển – công nghiệp

Từ một huyện với kinh tế thuần nông là chủ yếu, sau 30 năm, cơ cấu kinh tế của thị xã Phú Mỹ có sự chuyển biến tích cực, quy mô kinh tế ngày càng mở rộng. Công nghiệp chiếm tỷ trọng 80,43%, thương mại dịch vụ 18,57% và nông lâm thủy sản 1%. Phú Mỹ đã xây dựng được nền móng vững chắc cho công nghiệp - cảng biển và dịch vụ logistics. 9/15 khu công nghiệp toàn tỉnh phân bổ tại thị xã Phú Mỹ, chủ yếu tập trung dọc quốc lộ 51 và cụm cảng Cái Mép - Thị Vải.

Cảng Cái Mép thuộc cụm cảng Cái Mép - Thị Vải được xếp hạng cảng container thứ 11 trong số 370 cảng container tốt nhất toàn cầu. (Ảnh: M.Thìn)

Cảng Cái Mép thuộc cụm cảng Cái Mép - Thị Vải được xếp hạng cảng container thứ 11 trong số 370 cảng container tốt nhất toàn cầu. (Ảnh: M.Thìn)

Với vị thế quan trọng, động lực kinh tế chính là kinh tế biển, trong đó có 2 ngành kinh tế chiếm tỷ trọng lớn nhất tỉnh đó là cảng biển và công nghiệp. Trong 30 năm xây dựng và phát triển, hệ thống cảng biển, công nghiệp, trên địa vàn có sự phát triển vượt bậc, nhiều công trình lớn, trọng điểm của quốc gia, của tỉnh đã được triển khai đầu tư, tạo bước đột phá trong phát triển kinh tế.

Cụm cảng Cái Mép – Thị Vải hiện có 35 bến cảng, đã đưa vào khai thác 22 bến cảng với tổng công suất 117,8 triệu tấn/năm, trong đó bao gồm 7 cảng container với công suất 6,8 triệu TEUs/năm. Khu vực cụm cảng Cái Mép – Thị Vải hiện chiếm hơn 16% tổng lượng hàng hóa xếp dỡ qua cảng biển và 35% lượng hàng container cả nước, chiếm 50% lượng hàng container của khu vực phía Nam. Cảng Cái Mép thuộc cụm cảng Cái Mép - Thị Vải được xếp hạng cảng container thứ 11 trong số 370 cảng container tốt nhất toàn cầu. Hệ thống cảng và dịch vụ hỗ trợ cảng và các khu công nghiệp trên địa bàn tiếp tục phát triển. Thị xã hiện nay có 21/35 cảng biển và cảng thủy nội địa với tổng vốn đăng ký hơn 100.562 tỷ đồng và 20/30 dự án kho bãi, logistics chuyên dùng hỗ trợ cho hệ thống cảng và các khu công nghiệp đã đi vào hoạt động. Đặc biệt, trong năm 2023, trên địa bàn thị xã đã khánh thành đi vào hoạt động nhiều dự án lớn có tầm vóc quốc gia như: Cảng cạn Phú Mỹ có quy mô 37,8ha, bao gồm 6 bến cảng có tổng chiều dài lên đến 600m giai đoạn 1 của khu công nghiệp chuyên sâu Phú Mỹ 3 cùng hệ thống kho bãi, depot container rỗng… với tổng mức đầu tư 2.990 tỷ đồng. Đây là cảng cạn đầu tiên của tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu và là cảng cạn thứ 3 của vùng Đông Nam bộ với đầy đủ hạ tầng… cung cấp các giải pháp logistics toàn diện, trọn gói, đa phương thức. Dự án kho cảng khí thiên nhiên hóa lỏng LNG Thị Vải 1 triệu tấn/năm – kho LNG đầu tiên và lớn nhất của nước ta. Không chỉ có ý nghĩa đối với tỉnh, đưa địa phương trở thành trung tâm năng lượng sạch của cả nước.

Các nhà máy được quy hoạch xây dựng nằm trong các khu công nghiệp sát cụm cảng Cái Mép - Thị Vải. (Ảnh: M.Thìn)

Các nhà máy được quy hoạch xây dựng nằm trong các khu công nghiệp sát cụm cảng Cái Mép - Thị Vải. (Ảnh: M.Thìn)

Theo Chủ tịch UBND thị xã Phú Mỹ Nguyễn Văn Thắm, những chủ trương, chiến lược của Chính phủ về xây dựng Trung tâm công nghiệp khí – điện – đạm tại Phú Mỹ, xây dựng hệ thống cảng biển nước sâu tại Thị Vải – Cái Mép, tuyến Quốc lộ 51 được cải tạo, nâng cấp và đường liên cảng Thị Vải – Cái Mép – Gò Dầu đã tạo ra những tác động mang tính đột phá mạnh mẽ, đánh thức những tiềm năng kinh tế của huyện Tân Thành (nay là thị xã Phú Mỹ).

Với khởi đầu gần như từ con số 0, sau 30 năm, đã hình thành 4 cụm công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp; 9 khu công nghiệp đang hoạt động tập trung, chủ yếu dọc Quốc lộ 51 và cụm cảng Cái Mép – Thị Vải, chiếm 60% số khu công nghiệp tập trung của toàn tỉnh. Tốc độ phát triển ngành công nghiệp những năm qua tăng khá cao, tỷ trọng công nghiệp giai đoạn 2020-2023 chiếm 84,08%, tốc độ tăng trưởng bình quân 9,85%/năm.

Bí thư Thị ủy Phú Mỹ Nguyễn Văn Việt cho biết, Nghị quyết Đại hội Đảng bộ thị xã lần thứ VI, nhiệm kỳ 2020-2025 xác định mục tiêu “Xây dựng thị xã Phú Mỹ trở thành thành phố gắn với thế mạnh công nghiệp, cảng biển vào năm 2025”. Vì vậy, các định hướng tại Quy hoạch tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 đều khẳng định lại tiềm năng, thế mạnh, vai trò, nhiệm vụ của địa phương trong bức tranh kinh tế chúng của tỉnh, vùng Đông Nam Bộ và quốc gia. Bí thư Thị ủy Phú Mỹ khẳng định: “Đây vừa là vinh dự vừa là trọng trách lớn của cả hệ thống chính trị địa phương”.

Để đạt được mục tiêu tối quan trọng đó, thị xã Phú Mỹ xác định tập trung xây dựng chương trình, kế hoạch hành động cụ thể hóa triển khai thực hiện Quy hoạch tỉnh, Quy hoạch chung thị xã đến năm 2045, Chương trình phát triển đô thị Phú Mỹ và Quy chế quản lý kiến trúc đô thị... Đặc biệt, tập trung xây dựng, triển khai kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2025-2030 và những năm tiếp theo có trọng tâm, trọng điểm, đảm bảo tính khả thi, hiệu quả và phát triển tương xứng với sứ mệnh thành phố cảng, công nghiệp theo hướng văn minh, hiện đại.

Với sứ mệnh đặc biệt trong phát triển thành phố công nghiệp - cảng biển của tỉnh, vùng và quốc gia, người đứng đầu Đảng bộ thị xã tin tưởng, Phú Mỹ vẫn sẽ thu hút mạnh mẽ các nguồn lực đầu tư trong và ngoài nước, qua đó thúc đẩy địa phương phát triển hơn trong thời gian tới. “Phú Mỹ chắc chắn sẽ vươn mình để trở thành thành phố cảng biển lớn mạnh và sẽ là một trong những đô thị văn minh, hiện đại, đáng sống của vùng Đông Nam bộ”, Bí thư Thị ủy Phú Mỹ Nguyễn Văn Việt kỳ vọng.

Mai Thanh – Mạnh Thìn

Nguồn Xây Dựng: https://baoxaydung.com.vn/phu-my-vuon-minh-phat-trien-thanh-do-thi-cang-bien-381570.html