Phụ nữ Đắk Lắk góp sức xây dựng nông thôn mới từ mô hình '3 sạch'
Với việc cụ thể hóa mô hình '3 sạch' là sạch nhà, sạch ngõ, sạch bếp thành những hành động cụ thể, phụ nữ Đắk Lắk đang tích cực góp phần thực hiện các tiêu chí về môi trường và an toàn thực phẩm, chung tay cùng chính quyền địa phương xây dựng nông thôn mới.
Chiều thứ sáu hàng tuần, các chị em hội viên phụ nữ buôn H’Đing, xã Cư Dliê Mnông, huyện Cư Mgar, tỉnh Đắk Lắk lại tập trung cùng nhau dọn dẹp vệ sinh quanh khu dân cư. Với sự nỗ lực của các chị, con đường vào buôn trở nên sạch sẽ, những bờ rào hoa nở rộ, môi trường sống ngày càng xanh, sạch, đẹp. Chị H Nhi Byă, ở buôn H’Đing chia sẻ, mỗi gia đình trong buôn đều cam kết thực hiện việc giữ vệ sinh xung quanh nhà cửa, không nuôi nhốt gia súc, gia cầm gần khu vực sinh hoạt và thường xuyên quét dọn, sắp xếp nhà cửa ngăn nắp, gọn gàng. Các cam kết này là nội dung cụ thể của mô hình “gia đình an toàn, xanh, sạch, đẹp, bản sắc” do Hội phụ nữ phát động từ năm 2022. “Tích cực dọn dẹp vệ sinh xung quanh nhà mình sạch sẽ, cùng nhau học hỏi, chia sẻ kinh nghiệm về bảo vệ môi trường xanh sạch, đẹp, giữ gìn bản sắc dân tộc mình”.
Tham gia mô hình, cùng với giữ vệ sinh môi trường sạch đẹp, các chị còn tích cực phát triển kinh tế, tự trồng rau, khôi phục và phát huy nghề dệt thổ cẩm truyền thống. Chị H'Muôi Byă - Chủ nhiệm mô hình “Gia đình an toàn, xanh, sạch, đẹp, bản sắc” buôn H’Đing cho biết, từ mô hình, các thành viên nòng cốt chủ động tuyên truyền, giúp chị em thay đổi nhận thức, tích cực tham gia thực hiện các tiêu chí về “3 sạch”.
“Đưa ra từng nội dung, tiêu chí hoạt động và từng thành viên đã ký cam kết thực hiện theo đúng quy chế đã đề ra. Đầu tiên là vận động bà con xây dựng môi trường sống trong lành, thường xuyên quét dọn nhà cửa, sân vườn, sắp xếp nhà cửa ngăn nắp gọn gàng, sạch sẽ, phân loại rác thải, hạn chế sử dụng túi nilon và các sản phẩm sử dụng một lần. Xây dựng, di dời chuồng trại gia súc, gia cầm xa khu vực nhà ở”, chị H'Muôi Byă nói.
“Gia đình an toàn, xanh sạch đẹp, bản sắc” là một trong các mô hình do phụ nữ tỉnh Đắk Lắk triển khai nhằm hưởng ứng cuộc vận động xây dựng gia đình “5 không 3 sạch”, “5 có 3 sạch” do Trung ương Hội phụ nữ phát động. Trong 3 năm qua, các chị em đã triển khai gần 1.000 công trình, phần việc, tập trung vào các tiêu chí về giảm nghèo, nhà ở, môi trường và giao thông.
Cùng với đó, hội viên phụ nữ trong tỉnh còn đóng góp tích cực vào việc sản xuất, tiêu dùng thực phẩm an toàn. Như tại xã Quảng Hiệp, huyện Cư Mgar, Hội phụ nữ đã vận động các cơ sở sản xuất, chế biến thực phẩm ký cam kết đảm bảo an toàn thực phẩm và duy trì mô hình vườn rau hạnh phúc.
Bà Võ Thị Trang, Chủ tịch Hội phụ nữ xã Quảng Hiệp cho biết, cách làm này vừa phát huy hiệu quả cải thiện sức khỏe cộng đồng, vừa góp phần phát triển sản xuất thực phẩm sạch tại địa phương: “Chúng tôi tổ chức cho 22 cơ sở sản xuất, cung cấp, chế biến thực phẩm ký cam kết thực hiện về an toàn thực phẩm, duy trì thực hiện 200 mô hình vườn rau hạnh phúc, qua đó vận động hội viên, phụ nữ sản xuất thực phẩm an toàn. Duy trì mô hình thu gom phế liệu nhằm gây Quỹ hỗ trợ phụ nữ nghèo và trẻ em tại Chi hội thôn Hiệp Hưng”.
Bên cạnh những mô hình cụ thể, phong trào "3 sạch" còn được Hội Liên hiệp phụ nữ các cấp tỉnh Đắk Lắk triển khai rộng khắp thông qua các chiến dịch truyền thông, vận động người dân cải tạo và xây dựng môi trường sống lành mạnh.
Theo bà Lê Thị Thu Hiền, Chủ tịch Hội Liên hiệp phụ nữ huyện Cư Mgar, với đặc thù là địa bàn nhiều thành phần dân tộc, trình độ dân trí không đồng đều, hội phụ nữ các cấp huyện Cư Mgar đã áp dụng hình thức tuyên truyền trực quan, vận dụng cách làm trực tiếp để hội viên phụ nữ dễ thực hiện: “Chúng tôi xây dựng kế hoạch, phát động chiến dịch truyền thông đến từng hộ gia đình. Vào tận nhà của hội viên, phụ nữ, nếu nhà cửa của họ chưa sạch sẽ, chưa gọn gàng thì chúng tôi phải vào hướng dẫn, cùng làm với họ, hướng dẫn cho họ cụ thể chứ cũng không chỉ đi tuyên truyền không".
Bà Võ Thị Ngọc, Phó Chủ tịch Hội Liên hiệp phụ nữ tỉnh Đắk Lắk cho biết, hiện nay, mô hình “3 sạch” đã được đưa vào tiêu chí 17.8 trong chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới, cụ thể hóa thành các tiêu chí thành phần về tỷ lệ hộ gia đình có nhà tắm, nhà tiêu, thiết bị chứa nước sinh hoạt hợp vệ sinh và đảm bảo 3 sạch. Thông qua thực hiện các mô hình, trong 3 năm qua tại Đắk Lắk đã có hơn 5.000 hộ gia đình phụ nữ đạt các tiêu chí. Đây là cơ sở để phụ nữ đẩy mạnh phối hợp với các cấp chính quyền triển khai các dự án và duy trì các mô hình mới, góp phần làm thay đổi diện mạo nông thôn.
Thông qua việc cụ thể hóa mô hình “3 sạch”, phụ nữ Đắk Lắk đã và đang có những đóng góp tích cực vào phong trào xây dựng nông thôn mới ở địa phương. Những hành động cụ thể từ việc giữ gìn vệ sinh môi trường đến phát triển kinh tế bền vững, không chỉ cải thiện đời sống mà còn góp phần xây dựng một cộng đồng vững mạnh, giàu bản sắc.