Phụ nữ giúp nhau xây dựng nhà tiêu hợp vệ sinh

Hỗ trợ hội viên phụ nữ xây nhà vệ sinh là một trong những chương trình lớn của Hội Liên hiệp Phụ nữ (LHPN) tỉnh nhằm nâng cao chất lượng cuộc sống cộng đồng, góp phần giữ gìn vệ sinh môi trường. Mô hình thiết thực này đã được nhân rộng với hàng ngàn nhà vệ sinh được xây trong năm 2018 và đang tiếp tục triển khai trong năm 2019.

 Giới thiệu một số mô hình nhà tiêu hợp vệ sinh, giá rẻ cho các hộ gia đình người đồng bào dân tộc thiểu số

Giới thiệu một số mô hình nhà tiêu hợp vệ sinh, giá rẻ cho các hộ gia đình người đồng bào dân tộc thiểu số

Những năm trước, gia đình chị Hồ Thị Lớp, ở xã A Ngo, huyện Đakrông không nghĩ đến việc làm và sử dụng nhà vệ sinh do điều kiện kinh tế khó khăn và do tập quán sinh hoạt từ lâu đời. Điều này gây ảnh hưởng không nhỏ đến môi trường sống và sức khỏe của mọi người trong gia đình. Năm 2018, chị Lớp nhận được sự hỗ trợ từ chương trình “Đồng hành cùng phụ nữ biên cương” để xây nhà vệ sinh đạt chuẩn. Đến nay, nhà vệ sinh của gia đình chị đã được xây xong và đưa vào sử dụng, vừa đảm bảo vệ sinh môi trường, vừa an toàn cho sức khỏe gia đình. Chủ tịch Hội LHPN xã A Ngo Hồ Thị Niềm chia sẻ: “Để vận động chị em phụ nữ thay đổi thói quen sinh hoạt lâu nay đòi hỏi sự nỗ lực rất lớn của người làm công tác tuyên truyền. Chúng tôi phải tuyên truyền rất nhiều về tác hại của việc không sử dụng nhà tiêu hợp vệ sinh như gây ảnh hưởng đến môi trường, sức khỏe gia đình và cộng đồng. Hơn nữa, xây nhà vệ sinh còn là cách phòng ngừa những mối nguy về xâm hại trẻ em ở nông thôn... Điều đáng mừng là bên cạnh những công trình nhà tiêu được sự hỗ trợ, giúp đỡ từ các chương trình, dự án, nhiều chị em cũng đã mạnh dạn đăng kí vay vốn thông qua các hình thức vận động nguồn lực như tiết kiệm quay vòng, cho nhau vay không lấy lãi hoặc lãi suất thấp, tiết kiệm tín dụng, tiết kiệm vốn vay thôn bản, vận động thêm ngày công từ người thân để làm. Đến thời điểm này, trên địa bàn xã đã có 283 hộ có nhà tiêu hợp vệ sinh. Trong đó, riêng 6 tháng đầu năm 2019 đã xây dựng hoàn thành 19 nhà tiêu hợp vệ sinh để đưa vào sử dụng”.

Hiện nay, trên địa bàn toàn tỉnh, tỉ lệ hộ dân sử dụng nhà tiêu hợp vệ sinh đạt 81,62 %, trong đó tỉ lệ hộ có nhà tiêu hợp vệ sinh trên địa bàn huyện Hướng Hóa là 51,34 %, huyện Đakrông là 43,5%. Nguyên nhân một phần do nhiều hộ dân điều kiện kinh tế còn khó khăn, một phần do không ít người dân vẫn coi nhẹ việc xây dựng nhà tiêu, quan niệm rằng nhà tiêu chỉ là công trình phụ nên ít quan tâm. Điều này không chỉ ảnh hưởng đến đời sống của chính họ mà còn gây trở ngại trong công tác đảm bảo vệ sinh môi trường nông thôn và công tác phòng, chống các dịch bệnh truyền nhiễm ở người. Xác định việc giữ gìn vệ sinh môi trường, trong đó thực hiện làm nhà tiêu hợp vệ sinh là một trong những nhiệm vụ quan trọng nhằm thực hiện có hiệu quả tiêu chí “3 sạch” của cuộc vận động xây dựng gia đình “5 không, 3 sạch”, góp phần thực hiện tốt tiêu chí môi trường trong chương trình xây dựng nông thôn mới, Hội LHPN các cấp đã tích cực triển khai thực hiện bằng nhiều việc làm cụ thể, tranh thủ mọi nguồn lực hỗ trợ của nhà nước, sự tài trợ giúp đỡ của Chương trình mục tiêu quốc gia nước sạch và vệ sinh môi trường, Tổ chức Plan và các chương trình y tế. Theo anh Đặng Bá Lộc, cán bộ Plan Quảng Trị, năm 2014, khi bắt đầu thực hiện dự án làm nhà tiêu hợp vệ sinh tại 16 xã vùng dự án thuộc 2 huyện Hướng Hóa và Đakrông thì tỉ lệ các hộ nghèo có nhà tiêu hợp vệ sinh chỉ dưới 5 %. Nhờ tích cực tổ chức truyền thông, kích hoạt “Vệ sinh tổng thể do cộng đồng quản lí”, đào tạo tổ thợ xây địa phương, hỗ trợ vật liệu, giám sát, tư vấn kĩ thuật…, đến tháng 6/2019, tỉ lệ các hộ nghèo có nhà tiêu hợp vệ sinh trên địa bàn huyện Đakrông đạt 43,13 %, huyện Hướng Hóa đạt 19,64 %.

Để thực hiện có hiệu quả chương trình hỗ trợ phụ nữ xây dựng nhà tiêu hợp vệ sinh, Hội LHPN tỉnh đã giao chỉ tiêu cho Hội LHPN các huyện, thị xã, thành phố cụ thể như: Năm 2018 mỗi đơn vị huyện, thị xã xây dựng ít nhất 1 mô hình “Tiết kiệm, hỗ trợ gia đình hội viên phụ nữ có hoàn cảnh khó khăn xây dựng nhà tiêu hợp vệ sinh” ở vùng khó, miền núi, vùng biển, xã chuẩn bị về đích nông thôn mới; năm 2019 mỗi huyện, thị xã, thành phố có 50% cơ sở hội thực hiện mô hình tiết kiệm, hỗ trợ gia đình hội viên phụ nữ có hoàn cảnh khó khăn xây dựng nhà tiêu hợp vệ sinh; riêng 2 huyện Hướng Hóa và Đakrông đạt 30% cơ sở hội. Đa dạng các hình thức tuyên truyền như nói chuyện chuyên đề, hội thi hái hoa dân chủ; lồng ghép tuyên truyền thông qua các buổi họp thôn, sinh hoạt hội viên, tổ, nhóm tiết kiệm tín dụng, vốn vay thôn bản, sinh hoạt các loại hình câu lạc bộ; phát tờ rơi, thăm hộ gia đình vận động hội viên phụ nữ xây dựng, sử dụng, bảo quản nhà tiêu hợp vệ sinh gắn với bảo vệ sinh môi trường nhằm đảm bảo sức khỏe cho người dân… Đặc biệt, thông qua mô hình “Tiết kiệm xây dựng nhà tiêu hợp vệ sinh”, từ năm 2018 đến nay, các cấp hội phụ nữ trên toàn tỉnh đã hỗ trợ xây dựng được 1.017 nhà tiêu hợp vệ sinh với kinh phí trên 5 tỉ đồng, trong đó Hội LHPN huyện Hướng Hóa xây dựng được 60 cái, Hội LHPN huyện Đakrông xây dựng được 381 cái với tổng số tiền trên 1 tỉ đồng.

Bên cạnh những kết quả đạt được, quá trình triển khai thực hiện vẫn gặp một số khó khăn như kĩ năng tuyên truyền, vận động của một số cán bộ hội còn hạn chế, nhà ở tạm bợ, thiếu nước sinh hoạt... đã tác động đến việc làm nhà tiêu hợp vệ sinh của người dân. Mặt khác, đối với các địa phương vùng sâu, vùng xa, tỉ lệ hộ gia đình nông thôn sử dụng nhà tiêu hợp vệ sinh còn rất thấp. Ngoài nguyên nhân do điều kiện kinh tế còn khó khăn thì thói quen lạc hậu trong hành vi vệ sinh cá nhân, vệ sinh môi trường của người dân cũng là một rào cản. Thậm chí một số hộ vùng đồng bào dân tộc thiểu số dù đã tiếp cận với các phương tiện sinh hoạt hiện đại như điện thoại di động, ti vi, xe máy… nhưng lại “bỏ quên” việc tiếp cận nhà vệ sinh hợp chuẩn do hạn chế về nhận thức và thói quen, tập tục từ lâu đời.

Trong thời gian tới, Hội LHPN tỉnh sẽ tiếp tục phối hợp với các ban, ngành địa phương đẩy mạnh truyền thông nâng cao nhận thức, thay đổi hành vi cho người dân, phụ nữ về xây dựng nhà tiêu hợp vệ sinh trong gia đình; đồng thời vận động hội viên, phụ nữ chủ động tiết kiệm kinh tế gia đình, hỗ trợ chị em tiếp cận các nguồn vốn vay từ Ngân hàng Chính sách xã hội, vận động nguồn lực xã hội từ các tổ chức, chương trình dự án, đặc biệt là từ chương trình “Đồng hành cùng phụ nữ biên cương”, Tổ chức Plan... để xây dựng nhà vệ sinh, góp phần thiết thực giữ gìn vệ sinh môi trường, nâng cao chất lượng cuộc sống phụ nữ nói riêng và cộng đồng nói chung, làm thay đổi nhận thức của người dân, hạn chế dịch bệnh, bảo đảm nguồn nước sạch, giữ gìn sức khỏe cho gia đình và cộng đồng, góp phần cùng địa phương xây dựng nông thôn mới.

Thu Hạ

Nguồn Quảng Trị: http://www.baoquangtri.vn/default.aspx?tabid=73&modid=420&itemid=141924