Phụ nữ Khmer ở ấp nghèo… không còn nghèo

Ấp 6, xã Vĩnh Hòa Hưng Nam, huyện Gò Quao (Kiên Giang) từng là ấp nghèo nhất xã, nhất huyện. Trong đó, rất nhiều phụ nữ Khmer cũng thuộc diện nghèo khất, nhưng nay đã vươn lên có cuộc sống ổn định. Thành quả này đến từ sự kiên trì vận động chi em vào tổ chức của cán bộ hội phụ nữ, sự giúp sức hỗ trợ vốn, tạo việc làm của chính quyển...

TRỢ LỰC PHỤ NỮ VƯỢT KHÓ

Trời chạng vạng tối cũng là lúc chị Thị Thuộc - Chi hội trưởng Chi hội Phụ nữ ấp 6, xã Vĩnh Hòa Hưng Nam đi thăm phụ nữ trong ấp.

Theo chị Thuộc, nhiều phụ nữ làm công nhân cho các công ty hoặc buôn bán nhỏ, tiểu thủ công nghiệp, nông nghiệp, vì vậy, ban ngày các chị bận việc. Tranh thủ ban đêm, chị Thuộc vừa đến thăm hỏi vừa thông tin cho các chị về công tác hội, chủ trương của địa phương.

Hàng ngày, chị Danh Thị Bích Ngọc, ngụ ấp 6 bán bánh mì và bánh cam, sau khi trừ chi phí chị lời từ 100.000-200.000 đồng; chồng chị Ngọc làm phụ hồ được 200.000 đồng/ngày. “Với mức thu nhập này, cuộc sống gia đình tôi tạm ổn, đủ lo cho con gái út học lớp 6. Hai con gái lớn của tôi đi làm công nhân, mỗi tháng tích lũy được chút ít, từ đó cuộc sống gia đình tôi không còn khó khăn như trước”, chị Ngọc chia sẻ.

Hơn chục năm trước, gia đình chị Ngọc thuộc hộ nghèo, sống trong căn chòi lá nằm giữa ruộng. Gia đình chị có 2 công đất trồng lúa mỗi năm 2 vụ nhưng phải nuôi 3 con nên làm không đủ ăn.

Thấy hoàn cảnh gia đình chị Ngọc khó khăn, Chi hội Phụ nữ ấp 6 đề xuất cấp trên xem xét hỗ trợ nguồn vốn ưu đãi hơn 20 triệu đồng để chị mua trâu nuôi. Vùng nông thôn xã Vĩnh Hòa Hưng Nam có nhiều cỏ, do đó chỉ cần bỏ công đi cắt là đủ thức ăn cho trâu. Khi trâu lớn đến kỳ sinh sản, chị Ngọc bán trâu được 15 triệu đồng, còn nuôi thành trâu thịt bán giá 40-50 triệu đồng/con…

Chi hội Phụ nữ ấp 6 còn tranh thủ các nguồn vốn để giúp chị Ngọc mua bán nhỏ; đồng thời động viên anh Trịnh Điều - chồng chị Ngọc đi làm phụ hồ để tăng thu nhập. Hôm nào chị Ngọc bán bánh về sớm thì chị đi làm cỏ thuê, bón phân… được gần 200.000 đồng. Chính sự quan tâm của ngành chức năng giúp vợ chồng chị Ngọc thay đổi nhận thức, chí thú làm ăn, thoát nghèo, xây nhà.

Trước đây, gia đình chị Huỳnh Thị Sáu và anh Danh Bọt, ngụ ấp 6 thuộc diện nghèo bởi nhiều nguyên nhân. Tham gia Chi hội Phụ nữ ấp 6, chị Sáu được nhiều người giúp đỡ, hỗ trợ vốn chăn nuôi heo. Các ngành chức năng còn hỗ trợ gia đình chị kỹ thuật để chuyển đổi 5 công đất sang trồng lúa chất lượng cao.

Kiên trì vượt khó, khi sản xuất có lợi nhuận, chị Sáu trả nợ cũ và đầu tư mở rộng sản xuất… Đến năm 2016, gia đình chị trả sổ nghèo. Sau đó, tiếp tục được địa phương giao hàng trăm mét đất bỏ hoang nằm ven con đường lớn để phát hoang, trồng rau cải các loại, hàng tháng thu nhập hơn 3 triệu đồng.

“Năm 2020, vợ chồng tôi xây nhà tường khang trang kinh phí khoảng 350 triệu đồng. Gia đình tôi được như ngày nay là nhờ các ngành chức năng giúp đỡ thay đổi về cách nghĩ, cách làm, biết tính toán thời vụ sản xuất hợp lý, nhất là được hỗ trợ nguồn vốn để làm ăn, vươn lên. Vợ chồng tôi vui khi 2 con học đại học nay có việc làm, thu nhập ổn định”, chị Sáu nói.

THÀNH CÔNG NHỜ KIÊN TRÌ VẬN ĐỘNG

Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ xã Vĩnh Hòa Hưng Nam Trương Mụi Tua cho biết, ngoài vợ chồng chị Bích, chị Sáu…, ở ấp 6 còn nhiều phụ nữ Khmer thoát nghèo thành công, trong đó có nhiều chị em tham gia hội phụ nữ và các hoạt động xã hội tích cực.

Xung quanh quá trình làm thay đổi từ nhận thức đến hành động của nhiều phụ nữ Khmer nghèo ấp 6 trước đây, đồng chí Trương Mụi Tua cho biết, ấp có khoảng 390 hộ, trong đó đồng bào Khmer chiếm 78%.

Những năm 1990, tỷ lệ hộ nghèo của ấp cao và là ấp khó khăn nhất của xã. Nguyên nhân do nhiều phụ nữ không có nghề nghiệp, trong khi sản xuất nông nghiệp kém hiệu quả bởi hiểu biết về khoa học, kỹ thuật hạn chế; có chị không rành tiếng Việt khiến việc vận động rất khó khăn. Lợi dụng những hạn chế này, một số phần tử xấu cho tiền, quà, dụ dỗ, lôi kéo một số hộ Khmer làm trái chủ trương của Nhà nước.

Một buổi sinh hoạt của phụ nữ ở xã Vĩnh Hòa Hưng Nam.

Một buổi sinh hoạt của phụ nữ ở xã Vĩnh Hòa Hưng Nam.

“Lúc đó, gia đình tôi còn khó khăn, nhưng tôi có uy tín trong cộng đồng, từ đó lãnh đạo xã và Hội Liên hiệp Phụ nữ xã Vĩnh Hòa Hưng Nam đến nhà khuyên tôi tham gia Chi hội Phụ nữ ấp 6 nhằm vận động phụ nữ Khmer vào tổ chức hội. Lãnh đạo xã giải thích, cán bộ làm công tác tuyên truyền ở ấp mà không hiểu tập quán, phong tục của phụ nữ người dân tộc thì ảnh hưởng đến khả năng tiếp thu chủ trương, chính sách, pháp luật của Nhà nước dẫn đến ý thức tham gia tổ chức hội của phụ nữ chưa cao, vì vậy phải xây dựng lực lượng hội viên nòng cốt trong đồng bào dân tộc. Tôi nghe hợp lý nên tình nguyện tham gia chi hội”, chị Thị Thuộc chia sẻ.

Khi có được lực lượng nòng cốt là những người có uy tín, Hội Liên hiệp Phụ nữ xã Vĩnh Hòa Hưng Nam phối hợp tuyên truyền, từng bước làm thay đổi nhận thức trong phụ nữ Khmer nghèo, khuyến khích các chị tránh xa tệ nạn xã hội; tham mưu ngành chức năng hỗ trợ vốn để phụ nữ chăn nuôi, buôn bán nhỏ, làm nghề tiểu thủ công nghiệp, chuyển đổi sản xuất nông nghiệp hiệu quả hơn; quan tâm việc lo cho con học lên đại học.

Năm 2011 trở đi, khi một số doanh nghiệp may mặc, may da giày, chế biến thủy sản về địa phương mở công ty, Hội Liên hiệp Phụ nữ xã Vĩnh Hòa Hưng Nam liên hệ các đơn vị nhằm đào tạo nghề cho phụ nữ Khmer ấp 6, sau đó giới thiệu các chị làm cho các công ty với mức thu nhập khoảng 4-7 triệu đồng/người/tháng. Đến nay, ấp còn 26 hộ nghèo, chủ yếu do lớn tuổi, neo đơn, bệnh tật.

Ấp có 1 mô hình hũ gạo tình thương hỗ trợ phụ nữ neo đơn, có hoàn cảnh khó khăn; có câu lạc bộ bình đẳng giới; 3 tổ góp vốn xoay vòng với 42 thành viên, số tiền góp được 8,4 triệu/tháng. Cán bộ hội phụ nữ vận động 39 hội viên tham gia các mô hình kinh tế như nuôi vịt, nuôi trâu, nuôi heo; qua đó giúp hội viên vươn lên thoát nghèo, tăng tình đoàn kết.

Lãnh đạo Hội Liên hiệp Phụ nữ tỉnh Kiên Giang đánh giá cao các mô hình hoạt động của phụ nữ Khmer ấp 6. Nhờ các mô hình trên việc chấp hành chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước trong đồng bào Khmer ngày càng cao. Nhiều hội viên tham gia tốt phong trào xây dựng gia đình “5 không, 3 sạch”, phân loại rác thải tại nguồn, đào hố chôn rác, đổi rác thải nhựa lấy nhu yếu phẩm; đóng góp tích cực vào xây dựng nông thôn mới... Đặc biệt, nhiều phụ nữ Khmer tích cực phát triển kinh tế hộ, xây dựng gia đình hạnh phúc và tham gia công tác xã hội tại địa phương.

Bài và ảnh: HUỲNH LỢI

Nguồn Kiên Giang: http://baokiengiang.vn//xa-hoi/phu-nu-khmer-o-ap-ngheo-khong-con-ngheo-11430.html