Phụ nữ khởi nghiệp: Hành trình gian nan và quả ngọt

Trên hành trình khởi nghiệp gian nan, phụ nữ ngày càng khẳng định được vị thế của mình trong gia đình và xã hội.

Bà Hà Thị Nga, Chủ tịch Hội LHPN Việt Nam thăm gian hàng trưng bày sản phẩm yến viên baby tròn - yến sào chất lượng dành cho người có thu nhập thấp do chị Tô Thị Mỹ Phượng sản xuất. Ảnh: THÁI HÀ

Bà Hà Thị Nga, Chủ tịch Hội LHPN Việt Nam thăm gian hàng trưng bày sản phẩm yến viên baby tròn - yến sào chất lượng dành cho người có thu nhập thấp do chị Tô Thị Mỹ Phượng sản xuất. Ảnh: THÁI HÀ

Năm 2023 ghi lại dấu ấn đậm nét trong phong trào phụ nữ khởi nghiệp Phú Yên khi các chị đã không ngừng nỗ lực, sáng tạo và mang về nhiều giải thưởng uy tín.

Giải thưởng ghi nhận sự nỗ lực

Đến nhà chị Nguyễn Thị Ánh Hồng, Chủ tịch Hội LHPN xã Bình Ngọc (TP Tuy Hòa), đâu đâu cũng nhìn thấy vỏ cam, vỏ bưởi, nước rửa chén đang ủ, sản phẩm đã hoàn thiện. Chị Hồng vui vẻ cho biết chị đang tập trung sản xuất để đủ hàng cung cấp trong dịp tết cổ tuyền.

Nhớ lại thời gian đầu sản xuất, chị Hồng cho biết đã có lúc người trong xóm thắc mắc không biết chị làm gì mà chiều nào xong việc cơ quan cũng tất tả đến tối mới về, còn mang vỏ cam, vỏ bưởi về chất khắp nhà.

Chị Nguyễn Thị Ánh Hồng trong niềm vui đạt giải thưởng với dự án Sản xuất sản phẩm nước rửa chén sinh học Bình Ngọc phát triển từ mô hình “Phụ nữ tái chế chất thải hữu cơ thành nước tẩy rửa sinh học”. Ảnh: THÁI HÀ

Chị Nguyễn Thị Ánh Hồng trong niềm vui đạt giải thưởng với dự án Sản xuất sản phẩm nước rửa chén sinh học Bình Ngọc phát triển từ mô hình “Phụ nữ tái chế chất thải hữu cơ thành nước tẩy rửa sinh học”. Ảnh: THÁI HÀ

Chỉ có chị Hồng vẫn cần mẫn làm theo quy trình: Gom nguyên liệu, thực hiện các khâu sản xuất, hoàn thiện sản phẩm. Từ những nỗ lực của chị, sản phẩm nước rửa chén sinh học ngày càng chất lượng, được nhiều khách hàng trong và ngoài tỉnh biết đến. Mới đây, dự án này đạt giải khuyến khích cuộc thi Phụ nữ khởi nghiệp cấp quốc gia với chủ đề “Phụ nữ khởi nghiệp, phát huy tài nguyên bản địa”. Đây là niềm tự hào, ghi nhận những nỗ lực của chị Hồng khi đã theo đuổi công việc không hề dễ dàng.

Cũng trên con đường khởi nghiệp, nhưng hành trình của chị Lê Thị Kim Gấm (xã Hòa Hội, huyện Phú Hòa) gian nan hơn khi chị chỉ là một nông dân chăm chỉ, cần cù, chịu khó nhưng loay hoay mãi không tìm được hướng phát triển.

Dù vậy, bằng sự nhiệt huyết, không ngừng học hỏi mà mùa xuân này, trên vùng đất Hòa Hội, vườn sinh thái với tên gọi Vườn Ông Kịp - kết quả dự án: “Nông nghiệp kết hợp du lịch trải nghiệm” của gia đình chị Gấm đã đi vào hoạt động.

Với dự án “Nông nghiệp kết hợp du lịch trải nghiệm”, chị Gấm đạt giải nhất cuộc thi và lần đầu tiên chị đặt chân đến thủ đô Hà Nội để được tôn vinh tại chương trình Phụ nữ Việt tự tin làm kinh tế năm 2023. Tết này, du khách khi đến thăm Vườn Ông Kịp sẽ được hòa mình vào thiên nhiên trong lành và thưởng thức ẩm thực mang đậm hương vị địa phương.

“Tôi mong muốn dự án của mình sẽ truyền năng lượng tích cực cho những phụ nữ khác. Và tin rằng, cứ sống và làm việc bằng đam mê, nhiệt huyết thì sẽ đến ngày thu được quả ngọt”, chị Gấm chia sẻ.

Tạo bệ phóng từ phiên chợ xanh

Phiên chợ xanh - Phụ nữ khởi nghiệp do Hội LHPN tỉnh tổ chức hằng năm thường quy tụ khoảng 200 sản phẩm. Đây đều là tâm huyết của chị em khi không ngừng trăn trở, tìm kiếm nguyên liệu từ địa phương để khai thác, chế biến thành sản phẩm phục vụ cho cuộc sống và phát triển kinh tế gia đình.

Chị Lê Thị Kim Gấm (thứ 6 từ trái sang) với dự án Nông nghiệp kết hợp du lịch trải nghiệm đạt giải nhất tại chương trình Phụ nữ Việt tự tin làm kinh tế năm 2023. Ảnh: CTV

Chị Lê Thị Kim Gấm (thứ 6 từ trái sang) với dự án Nông nghiệp kết hợp du lịch trải nghiệm đạt giải nhất tại chương trình Phụ nữ Việt tự tin làm kinh tế năm 2023. Ảnh: CTV

Năm 2023, phiên chợ xanh lần đầu tiên có sự góp mặt của chị Tô Thị Mỹ Phượng (TP Tuy Hòa) với sản phẩm yến viên baby tròn - yến sào chất lượng dành cho người có thu nhập thấp. Chia sẻ về dự án của mình, chị Phượng cho biết, yến viên baby là loại yến vụn, sợi không dài và to như sợi tổ. Dù vậy set yến này có giá rẻ hơn, rất tiện lợi khi chế biến, dễ bảo quản và dinh dưỡng không đổi.

“Với việc sản xuất các sản phẩm liên quan đến yến sào, tôi mong muốn đồng hành cùng địa phương xây dựng thương hiệu yến sào Phú Yên và riêng với sản phẩm yến viên baby, mang đến cho người có thu nhập thấp món quà sức khỏe với giá cả hợp lý”, chị Phượng cho biết.

Hội LHPN các huyện, thị xã, thành phố cũng mang đến phiên chợ nhiều sản phẩm độc đáo. Hội LHPN TX Sông Cầu giới thiệu đường đen nấu theo cách truyền thống nhưng có cải tiến mẫu mã, chất lượng vượt trội. Hội LHPN huyện Sơn Hòa giới thiệu các sản phẩm bò một nắng, muối kiến vàng, muối é, rượu cần.

Huyện Sông Hinh mang đến các sản phẩm thổ cẩm dệt thủ công. Các địa phương khác mang đến thủy hải sản chế biến, bánh tráng, tinh bột nghệ, các sản phẩm được đan bằng tre độc đáo... Tại phiên chợ, các chị tự tin thuyết trình về sản phẩm cũng như bày tỏ mong muốn kết nối với khách hàng để tăng sức tiêu thụ và mở rộng thị trường.

Nhiều ý tưởng, những ấp ủ khởi nghiệp của phụ nữ đã được các cấp hội quan tâm, hỗ trợ nâng cao kiến thức, tiếp cận các nguồn vốn vay, phối hợp các ngành hướng dẫn chuyển giao khoa học kỹ thuật, chuyển đổi cơ cấu sản xuất, cách thức kinh doanh.

Trong đó, từ bệ phóng phiên chợ xanh, nhiều chị mở rộng quy mô sản xuất, chế biến, tạo ra nhiều sản phẩm có giá trị kinh tế cao. Kỳ vọng rằng, những năm sau sẽ có thêm nhiều gương mặt mới cùng tham gia phiên chợ.

Hoạt động khởi nghiệp giúp thắp lên khát vọng khởi nghiệp, khơi dậy tiềm năng, sức sáng tạo của phụ nữ, qua đó tiếp sức cho các chị thay đổi nhận thức, mạnh dạn đổi mới, vượt qua thách thức, vươn lên làm chủ cuộc sống.

Bà Lê Đào An Xuân, Chủ tịch Hội LHPN tỉnh

THÁI HÀ

Nguồn Phú Yên: https://baophuyen.vn/141/312750/phu-nu-khoi-nghiep--hanh-trinh-gian-nan-va-qua-ngot.html