Phụ nữ - Mảnh ghép còn thiếu trong lĩnh vực công nghệ?
Từ trước đến nay, nhiều người vẫn giữ định kiến rằng công nghệ và phụ nữ là hai thái cực... không liên quan đến nhau. Liệu đây có phải là sự thật? Phụ nữ có thể làm việc và thành công trong lĩnh vực công nghệ?
Là một trong những tập đoàn đa quốc gia lớn nhất về kiểm toán, KPMG rất chú trọng vấn đề bình đẳng giới trong doanh nghiệp và cộng đồng. Theo thống kê, tại KPMG Việt Nam nói chung và văn phòng KPMG Hà Nội nói riêng, tỷ lệ nữ giới luôn chiếm trên 50% trong lực lượng nhân viên. Kết quả ấn tượng đó chắc chắn đến từ một văn hóa doanh nghiệp tôn trọng và khuyến khích bình đẳng giới lâu đời.
Hưởng ứng chủ đề DigitALL – “Công nghệ cho tất cả mọi người” của Liên hợp quốc năm nay, ngày 7/3/2023 văn phòng KPMG Hà Nội đã tổ chức Hội thảo “Linh hồn của ngành công nghệ Kỹ thuật số trong tương lai. Phụ nữ có phải là mảnh ghép còn thiếu?” với những chia sẻ của các khách mời trong và ngoài KPMG về vai trò của phụ nữ với công nghệ trong thời đại mới.
Công nghệ và phụ nữ
Từ trước đến nay, nhiều người vẫn nghĩ rằng công nghệ không phải là công việc dành cho phụ nữ, tuy nhiên, lịch sử loài người đã ghi dấu không ít những phụ nữ có thành tích vượt trội trong lĩnh vực công nghệ máy tính.
Trên thế giới có thể kể đến bà Grace Hopper (1906 – 1992), nhà thiết kế và kỹ sư chính của IBM’s Mark I - máy tính quy mô lớn đầu tiên được sử dụng trong chiến tranh, hay bà Margaret Hamilton - kỹ sư phần mềm đã góp phần to lớn vào việc hạ cánh con tàu Apollo của NASA lên bề mặt của mặt trăng trong những năm 1960 và 1970.
Còn tại Việt Nam, theo Tổ chức Lao động Quốc tế (ILO), trong năm 2022, lao động nữ chiếm khoảng 37% lực lượng lao động trong lĩnh vực công nghệ tại Việt Nam, cao hơn so với thế giới (25%). Mặc dù chưa cân bằng so với nam giới, tỷ lệ này đã thể hiện rằng phụ nữ hoàn toàn có thể tham gia và đóng vai trò tích cực trong lĩnh vực công nghệ - lĩnh vực tưởng chừng nam giới nắm giữ vị trí độc quyền.
Mặc dù một số nghiên cứu đã chứng minh rằng những vấn đề có tính kỹ thuật không phải là lĩnh vực phụ nữ có thế mạnh và dành sự quan tâm. Tuy nhiên, những nghiên cứu khác cũng chỉ ra rằng phụ nữ hoàn toàn có thể làm việc và thành công trong lĩnh vực công nghệ, bởi để một doanh nghiệp công nghệ vận hành tốt không chỉ cần có những sản phẩm tốt mà cần những yếu tố liên quan đến con người như sale, marketing, văn hóa doanh nghiệp – những lĩnh vực mà phụ nữ rất có thế mạnh.
Theo bà Đỗ Hà, Trưởng phòng ESG (Môi trường - Xã hội - Quản trị), Trưởng phòng IGH (Cơ sở hạ tầng, Chính phủ & Y tế) tại KPMG Việt Nam, hoạt động trong lĩnh vực công nghệ không chỉ có lập trình viên hay kỹ sư phần mềm, mà còn có những hoạt động liên quan đến làm kinh doanh, văn hóa và con người. Và mặc dù có rất nhiều người lao động (trong đó có cả các nhân viên nữ) không có nền tảng kĩ thuật, nhưng lại có thể đạt được những thành công rất lớn trong những công ty về công nghệ bởi họ được phụ trách đúng những mảng mà họ có thế mạnh.
Nhấn mạnh điều này, bà Hà cho biết thêm: “Hiện tại, tỷ lệ nữ giới đang làm việc tại KPMG là rất cao, trừ bộ phận ITA (Bộ phận công nghệ thông tin). Trong bộ phận này, những người thực hiện đa phần là nam, vì đó là những phần liên quan đến kỹ thuật và họ có thế mạnh hơn. Nhưng thật thú vị, đội ngũ leader của bộ phận ITA lại có rất nhiều nữ, chiếm ít nhất là 50%”.
Đồng quan điểm, ông Xuân Lâm, Phó Tổng giám đốc KPMG Hà Nội, cho rằng làm việc trong lĩnh vực công nghệ còn có ý nghĩa rộng hơn là sử dụng phần mềm, ứng dụng công nghệ một cách thành thạo và hiệu quả.
Trước đây, xã hội thường cho rằng con gái không phù hợp với máy móc, lập trình, IT mà nên học về mỹ thuật, sư phạm, kinh tế… Tuy nhiên, sự thay đổi về công nghệ nói chung đã khiến cho những ngành nghề này thay đổi. Trong hội họa, các họa sĩ đã và đang sử dụng các phần mềm để tạo ra những tác phẩm đẹp hơn. Giáo viên cũng sử dụng công nghệ để cập nhật kiến thức và xây dựng cách dạy để bài giảng trở nên sinh động hơn. Hay trong kiểm toán, các nhân viên của KPMG cũng sử dụng các phần mềm kiểm toán để làm cho những hồ sơ kiểm toán trở nên hoàn thiện hơn.
Trong khi đó, bà Jen Vũ Hường, Giám đốc phát triển Chương trình và Cộng đồng BK Holdings, cho biết: “Dù tốt nghiệp Bách khoa, nhưng phải thú nhận rằng trong hoạt động làm việc nhóm ngày xưa mình không phải là người lập trình giỏi nhất. Thay vì đó, mình giỏi việc thuyết trình. Sau này, mặc dù có nền tảng, nhưng mình không làm kỹ thuật, mà lại theo đuổi khía cạnh khác về con người trong lĩnh vực chuyển giao công nghệ và đổi mới sáng tạo – khía cạnh mà mình tạo được giá trị và rất đam mê”.
Tại sao phụ nữ vẫn chưa tham gia nhiều vào lĩnh vực công nghệ?
Có rất nhiều lí do khiến cho phụ nữ vẫn chưa tham gia nhiều vào lĩnh vực công nghệ. Tuy nhiên, theo anh Xuân Lâm, tại Việt Nam, thực trạng này chủ yếu đến từ hai lí do.
Thứ nhất là những định kiến về giới. Tại những quốc gia châu Á, nữ giới vẫn phải chịu nhiều định kiến từ phía gia đình và xã hội. Những định kiến này khiến cho trẻ em gái ít có cơ hội được tiếp xúc và nuôi dưỡng niềm đam mê từ sớm giống như các bé trai, phụ nữ bị ngăn cản không cho theo đuổi những ngành nghề liên quan đến công nghệ so với nam giới.
Với những định kiến về trách nhiệm giới tính như phụ nữ là những người chịu trách nhiệm xây dựng và gìn giữ gia đình, đàn ông là những người có trách nhiệm gánh vác tài chính và sự nghiệp, phụ nữ thường là những người ít dành thời gian và sự tập trung cho sự nghiệp hơn so với nam giới. Vì vậy, khả năng tham gia sâu và trở thành lãnh đạo trong lĩnh vực công nghệ của phụ nữ cũng thấp hơn.
Thứ hai, với những định kiến, tiêu chuẩn áp đặt từ nhỏ, nhiều phụ nữ đã và đang chấp nhận những định kiến đó, không thể thoát ra hoặc không tự vươn lên để có thể thực hiện được những điều mình mong mỏi, đam mê.
Thay đổi từ bên trong
Để phụ nữ có thể tham gia ngày càng nhiều, càng sâu vào lĩnh vực công nghệ, cần có sự kết hợp của nhà nước, doanh nghiệp, gia đình, xã hội và mỗi cá nhân.
Về mặt tư nhân, các cấp lãnh đạo trong doanh nghiệp cần có sự nhận thức về bình đẳng giới trong doanh nghiệp và có sự khuyến khích nhất định với nhân viên nữ. Đây chính là gốc rễ, tạo ra một văn hóa doanh nghiệp bình đẳng và bền vững.
Bà Jen Vũ Hường cho biết: “Từ kinh nghiệm quản lý đội ngũ và doanh nghiệp của mình, tôi nhận thấy người lãnh đạo nên là người đầu tiên buông xuống những cặp kính râm về giới, tránh đưa nhân viên của mình vào một cái lồng, cái khung; từ đó giúp họ phát triển theo năng lực và nhu cầu ”.
Thêm vào đó là sự thay đổi từ mỗi gia đình, từ mối quan hệ giữa cha mẹ với con cái, giữa vợ với chồng. Giữa các cặp vợ chồng nên có sự thảo luận và phân công công việc một cách hợp lý để người phụ nữ có thể dành nhiều thời gian hơn cho công việc, được tiếp cận công nghệ và sử dụng công nghệ một cách hiệu quả hơn. Trong mối quan hệ với con cái, bố mẹ cũng cần tôn trọng, để con được phát triển tự nhiên thay vì can thiệp đến những quyết định mang tính định hướng giới.
Và cuối cùng, sự thay đổi từ cá nhân của mỗi con người đóng một vai trò cực kỳ quan trọng trong tiến trình bình đẳng giới.
Theo bà Jen, con người nói chung nên phá bỏ những nhãn mác trong vấn đề bình đẳng giới. Thay vì nghĩ rằng do giới tính của bản thân nên chỉ được làm một số điều; hay bởi giới tính của bản thân nên bị đối xử bất công và cần được ưu tiên trong những công việc nhất định, mỗi người hãy đơn thuần coi mình là một con người để có thể trải nghiệm, đối mặt với những thách thức và phát triển hơn nữa trong cuộc sống.
“Ngay cả trong việc suy nghĩ về bình đẳng giới, hầu hết mọi người đều nghĩ đến việc thực hiện quyền bình đẳng đối với phụ nữ. Trong khi đó, trên thực tế, những định kiến về giới cũng khiến cho đàn ông gặp phải những bất công và áp lực vô hình nhất định, nhưng lại chưa được quan tâm. Bản thân mỗi chúng ta là một con người, hãy đừng khoác lên những "chiếc áo" đàn ông, phụ nữ để tạo ra những áp lực, những rào cản cho chính mình và những người xung quanh”, bà Jen bày tỏ.