Phụ nữ Thanh Hóa tham gia xây dựng Đảng, chính quyền
Nhận thức sâu sắc tham gia xây dựng Đảng, chính quyền là một trong những nhiệm vụ trọng tâm, Hội LHPN tỉnh đã chỉ đạo các cấp hội trong tỉnh đẩy mạnh tuyên truyền đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, của tỉnh và Điều lệ, quy định của hội cho hội viên, phụ nữ bằng nhiều hình thức, như: tổ chức hội nghị, hội thi, phiên tòa giả định, phiên chợ truyền thông, rung chuông vàng...; thông qua mạng xã hội, zalo, facebook, trang thông tin điện tử tổng hợp.
Hội đã chủ động đổi mới, nâng cao chất lượng công tác giáo dục chính trị tư tưởng; phát huy vai trò, trách nhiệm của phụ nữ tham gia thảo luận, đóng góp ý kiến vào dự thảo các văn bản luật, văn kiện đại hội đảng bộ các cấp, tờ trình, nghị quyết của HĐND, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội của địa phương...
Cùng với đó, công tác tiếp công dân, giải quyết khiếu nại được các cấp hội và người đứng đầu thực hiện nghiêm túc. Trong nửa nhiệm kỳ 2021-2026, các cấp hội đã tiếp nhận và giải quyết 82 đơn thư; tham gia giải quyết 48 vụ việc liên quan đến quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của phụ nữ và trẻ em; hòa giải thành công 335 vụ mâu thuẫn, góp phần giữ gìn trật tự xã hội. Các cấp hội chủ động tham mưu, phối hợp tổ chức hơn 600 hội nghị đối thoại giữa người đứng đầu cấp ủy, chính quyền với hội viên, phụ nữ để nắm bắt và giải quyết kịp thời các bức xúc, kiến nghị chính đáng của hội viên, phụ nữ, tạo sự đồng thuận trong xã hội, góp phần bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng. Hội đã giới thiệu quần chúng nữ ưu tú cho Đảng xem xét, kết nạp và đã có hơn 1.300 quần chúng ưu tú được kết nạp Đảng (vượt chỉ tiêu). Nhiều cán bộ hội được đề bạt, điều động, luân chuyển giữ chức vụ ở các cơ quan Đảng, chính quyền, đoàn thể, ban, ngành đã phát huy tốt vai trò, trách nhiệm, tham gia xây dựng Đảng, chính quyền vững mạnh.
Công tác giám sát của các cấp hội trong tỉnh đã đi vào nền nếp và ngày càng thực chất. Trong nửa nhiệm kỳ, cấp tỉnh chủ trì giám sát 6 nội dung/chính sách; cấp huyện, xã giám sát hơn 1.162 lượt chính sách (vượt chỉ tiêu). Sau giám sát đã kịp thời phát hiện, đề xuất cơ quan chức năng giải quyết theo thẩm quyền. Công tác phản biện xã hội đối với các dự thảo chính sách, pháp luật ngày càng có chất lượng. Các cấp hội tham gia đóng góp ý kiến 1.837 văn bản dự thảo luật, dự thảo chương trình, nghị quyết phát triển kinh tế - xã hội tại địa phương. Trong đó, Hội LHPN từ tỉnh đến cơ sở tổ chức góp ý tham gia xây dựng Dự thảo Luật đất đai (sửa đổi), Luật Bảo hiểm xã hội (sửa đổi).
Thực hiện chủ trương của Đảng về XDNTM, các cấp hội đã phát huy tốt vai trò nòng cốt trong vận động hội viên, phụ nữ tham gia hoạt động bảo vệ môi trường gắn thực hiện cuộc vận động “Xây dựng gia đình 5 không, 3 sạch”, phong trào “5 có, 3 sạch”, “Nhà sạch, vườn mẫu”... Toàn tỉnh có hàng nghìn công trình/phần việc trong XDNTM, đô thị văn minh do phụ nữ đảm nhận.
Việc cải cách hành chính, ứng dụng công nghệ thông tin trong nắm bắt, chỉ đạo, điều hành công việc, quản lý cán bộ, hội viên được tăng cường. Công tác phối hợp với các ban, sở, ngành, tổ chức được thực hiện nhịp nhàng, rõ việc, rõ hiệu quả. Thông qua khai thác nguồn lực thực hiện các Đề án 938, Đề án 939, Dự án 8, Chương trình Mục tiêu quốc gia XDNTM, “Đồng hành cùng phụ nữ biên cương”, “Mẹ đỡ đầu, chăm sóc nuôi dưỡng trẻ mồ côi”, “Triệu phần quà san sẻ yêu thương”, “Từ thu gom phế liệu đến triệu phần quà”..., các cấp hội đã chăm lo, giải quyết nhiều vấn đề thiết thân của phụ nữ và trẻ em. Từ năm 2017 đến nay, các cấp hội đã hỗ trợ trên 15.800 chị khởi nghiệp và khởi sự kinh doanh; hỗ trợ thành lập 365 mô hình kinh tế tập thể do phụ nữ tham gia quản lý, trong đó có 100 mô hình HTX, 109 tổ hợp tác, 156 tổ liên kết...
Bằng những việc làm thiết thực, hội LHPN các cấp trong tỉnh đã và đang khẳng định vị thế, vai trò trong hệ thống chính trị và đời sống xã hội. Đặc biệt, là cánh tay đắc lực của cấp ủy đảng, chính quyền các cấp, góp phần thực hiện thắng lợi nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội của địa phương; tích cực tham gia xây dựng Đảng và hệ thống chính trị vững mạnh.