Phụ nữ thông minh hãy nổi bật một cách khôn khéo

Nếu bạn là người nổi bật giữa đám đông, chắc chắn sẽ nhận được nhiều cái nhìn dò xét và ghen tỵ. Đây là lúc bạn cần thể hiện rõ sự thân thiện bằng cách chủ động giúp đỡ mọi người.

 Một cô gái thân thiện, hòa đồng sẽ có được thiện cảm tốt những người xung quanh. Ảnh: S.N.

Một cô gái thân thiện, hòa đồng sẽ có được thiện cảm tốt những người xung quanh. Ảnh: S.N.

Tôi quen Yến Tử trong một cuộc thi hùng biện. Khi tôi học đại học, nhà trường thường xuyên tổ chức các cuộc thi hùng biện. Các đề tài đem ra tranh luận đều khá cũ, chẳng hạn như: Lợi ích và tác hại của Internet đối với sinh viên; Vận mệnh của mỗi người có nằm trong tay chính họ?... Song, dù sao cũng để vui vẻ, đề tài nào mà chẳng như nhau.

Thế nên, dù biết rõ là vô vị, tôi vẫn hăm hở đến xem hết lần này đến lần khác. Trong quãng thời gian ấy, tôi quen với Yến Tử. Khi ấy, các cuộc thi hùng biện thường tổ chức vào buổi tối. Tôi là khán giả, còn Yến Tử là thí sinh tham gia tranh tài. Hội trường của trường đại học không lớn, nhưng hôm ấy lại có rất đông người. Tôi chọn ngồi ở một góc gần cửa, chờ đợi phần mở màn.

Về tổng thể, phần thi hùng biện rất đặc sắc. Nhưng tôi hoàn toàn không nhớ các thí sinh đã nói gì, chủ đề hùng biện của ngày hôm ấy tôi cũng đã quên sạch. Tôi chỉ nhớ như in bóng hình hao gầy của một cô gái trên sân khấu. Giỏi giang, sắc bén, nhanh nhẹn.

Tôi biết cô gái ấy là đàn chị khóa trên tên là Yến Tử. Tôi muốn làm quen với chị ấy, vì vậy đã đăng kí tham gia hội sinh viên, bước bước chân đầu tiên vào vòng tròn cuộc sống của chị ấy.

Người ta thường nói khoảng cách sinh ra cái đẹp. Tôi không tin, cũng muốn chứng minh câu nói này đã sai. Tôi nỗ lực đến gần Yến Tử, kéo gần khoảng cách với chị ấy. Tuy nhiên, tôi ngậm ngùi nhận ra rằng, khoảng cách ngày càng gần thì cái đẹp cũng biến mất không thấy tung tích đâu.

Một lần, tôi tán gẫu cùng các bạn trong kí túc xá. Nói đông nói tây một hồi, chúng tôi nhắc đến hiện tượng đồng âm trong ngôn ngữ. Chúng tôi mỗi người một câu, nhao nhao nói về những hiểu lầm do vấn đề đồng âm liên quan đến con số gây ra.

Cuối cùng, chị cả của phòng chốt lại bằng một câu: “Nếu nói về các con số thì chẳng phải có số bốn đồng âm với ‘tử’, nghe đã thấy chẳng mang lại điều gì may mắn. Hay có ba số bảy, tám, chín đồng âm với ‘hôn’, ‘ôm’, ‘vĩnh cửu’ vẫn được bọn con trai mang đi tán gái đấy thôi.”

Mọi người phá lên cười rồi giải tán, ai làm chuyện người nấy. Nhưng Yến Tử ngồi bên cạnh tôi lại đột nhiên đứng phắt dậy, mái tóc đuôi ngựa của chị ấy “soạt” một tiếng, quét vào mặt tôi đau rát.

Tôi cảm thấy khó hiểu, tại sao một chủ đề rất bình thường như vậy lại có thể khơi dậy phản ứng mãnh liệt như thế ở Yến Tử. Chị ấy cao giọng nói lớn: “Mọi người đợi đã, ai nói chỉ có mấy con số đó. Các cậu nói cho tôi xem cái này đọc thế nào.”

Vừa dứt lời, Yến Tử liền giơ thẳng cánh tay lên tạo thành con số “một”.

Chúng tôi đều ngẩn người, cảm thấy cần gì phải tính toán kĩ như vậy, chỉ là nhắc thiếu một con số mà thôi. Nhưng cho dù đã vậy thì sao, đây cũng đâu phải là đề tài gì nghiêm trọng và chúng tôi cũng không phải là các thí sinh đang tham gia thi hùng biện.

Sau đó mọi người cười hì hì, xua tay cho qua chuyện, quay người muốn trở về giường mình. Nhưng Yến Tử lại chạy ra đóng cửa rồi bắt đầu thao thao bất tuyệt về số “một”. Chị ấy nói tới nói lui để chứng minh mình đúng, còn tư duy của chúng tôi có thiếu sót trong vấn đề này.

Tôi hiểu rồi, sự kích động của Yến Tử không liên quan đến chủ đề của cuộc trò chuyện ngày hôm nay, đó chỉ là tâm lí hiếu thắng của chị ấy.

Đối với những người coi trọng chuyện thắng thua, họ sẵn sàng làm mọi việc để giành được lợi thế cuối cùng.

Hôm ấy, nhìn Yến Tử trong bộ dạng cảm xúc trào dâng, khua tay múa chân liên tục, tôi đột nhiên cảm thấy chị ấy thật xa lạ, không còn là anh tài hùng biện tỏa sáng trong lòng tôi nữa.

Tôi luôn tôn trọng những người lí tính, biết làm chủ cảm xúc của bản thân. Đến lúc này, tôi buộc phải thừa nhận câu nói “khoảng cách sinh cái đẹp” là đúng.

Nghe nói sau đó không chỉ có tôi, mà những người có mặt trong phòng kí túc xá hôm ấy đều tránh xa Yến Tử.

Muốn tranh hạng nhất, muốn dẫn đầu không phải là điều gì xấu. Trái lại, đây còn là biểu hiện của sự cầu tiến, theo đuổi sự tiến bộ.

Tuy nhiên, đối với bất kì chuyện gì, trong bất kì hoàn cảnh nào cũng muốn chiếm thế thượng phong, muốn đàn áp đối phương, lại cho thấy bạn là người thiếu khôn khéo.

Chỉ số thông minh cảm xúc thấp sẽ khiến người ta cảm thấy không thể kết giao với bạn. Còn chỉ số cảm xúc thấp lại khiến người ta cảm thấy bạn không xứng để kết giao.

Khoa học công nghệ khiến cuộc sống của con người trở nên đơn giản hơn. Đồng thời, nó cũng khiến chúng ta trở nên lười biếng hơn. Khi robot hút bụi thay chúng ta hoàn thành công việc nhà, máy photocopy giúp chúng ta hoàn thành công việc ghi chép, cánh tay robot thay chúng ta hoàn thành các thao tác tinh vi, chúng ta rảnh rỗi hơn nhiều.

Mà rảnh rỗi dễ sinh nông nổi, cứ tính toán thiệt hơn, khơi mào tranh đấu. Nhưng tiền đề để thực hiện điều này là đối phương phải thừa nhận bạn là đối thủ của họ.

Vậy làm thế nào để trở thành đối thủ của người khác? Bên cạnh việc có chỉ số thông minh cao, bạn còn phải chú ý đến chỉ số cảm xúc. Nếu chưa chính thức tranh tài mà đối phương đã nhìn thấu bạn thì chuyện ai thắng ai thua chẳng phải đã rõ ràng rồi hay sao?

Người giỏi có cách chơi thông minh hơn. Nếu chuyện gì cũng muốn chiếm lợi thế, người chưa biết làm chủ cảm xúc là bạn sẽ sớm bị loại trừ. Như vậy thì còn cần gì đấu trí đấu dũng nữa.

Quay trở lại với Yến Tử, tôi nghe nói sau khi tốt nghiệp rồi đi làm, Yến Tử phải va vấp nhiều hơn, chị ấy cũng dần khôn khéo hơn, biết mài bớt tâm lí hiếu thắng và hòa đồng với mọi người xung quanh.

Muốn trở nên nổi bật, hãy làm những người xung quanh cũng trở nên nổi bật. Nếu cứ khăng khăng muốn hơn người khác, không chịu cải thiện bản thân, sẽ không ai muốn kết giao với với bạn.

Liêu Trí Phong/ Bách Việt Books & NXB Công thương

Nguồn Znews: https://znews.vn/phu-nu-thong-minh-hay-noi-bat-mot-cach-khon-kheo-post1532946.html