Phụ nữ tìm kiếm trợ giúp trong 'cuộc khủng hoảng di cư' ở Sudan
Tại làng Jabait, miền Đông Sudan, hàng trăm phụ nữ đang chờ viện trợ ở văn phòng Hiệp hội Phát triển Phụ nữ và Trẻ em (WCDA).
Nỗi đau do xung đột
9 tháng sau khi xung đột nổ ra giữa Lực lượng Vũ trang Sudan (SAF) và Các lực lượng hỗ trợ nhanh (RSF), 10.000 người đã tử vong. Sudan có số lượng người di tản lớn nhất thế giới: Hơn 7,3 triệu người đã phải rời bỏ nhà cửa, trong đó trẻ em chiếm một nửa, khoảng 105.000 phụ nữ đang mang thai.
Hệ thống chăm sóc sức khỏe ở Sudan đang trong tình trạng nguy hiểm: 70%-80% bệnh viện ở các khu vực xung đột không hoạt động, gây ra hậu quả nặng nề cho sức khỏe bà mẹ trẻ em.
Bạo lực tình dục đã trở thành một đại dịch. Theo Tổ chức Y tế Thế giới, hơn 4 triệu phụ nữ và trẻ em gái có nguy cơ bị bạo lực tình dục ở Sudan. Sáng kiến "Chiến lược dành cho Phụ nữ ở vùng Sừng châu Phi" đã ghi lại hàng trăm trường hợp phụ nữ là nạn nhân của RSF, bị cưỡng bức khi cố gắng chạy trốn khỏi cuộc xung đột, bị bắt cóc để đòi tiền chuộc.
Phụ nữ đang phải chịu gánh nặng của cuộc chiến tàn khốc ở Sudan. Manal Adam Yousif (20 tuổi) đến từ thị trấn Nyala, bang Nam Darfur, nói trong nước mắt: "Tôi đã trốn khỏi thị trấn cùng mẹ, chị gái và con trai nhỏ của mình sau khi thị trấn bị RSF tấn công và xảy ra giao tranh. Tôi đã bỏ lại chồng và các em trai. Chúng tôi đi đường bộ trong 2 ngày mới đến được thị trấn El Daein ở Nam Darfur. Tôi cảm thấy rất đau đớn vì tôi vừa mới sinh mổ".
Yousif ở lại El Daein khoảng 3 tháng để hồi phục sức khỏe. Khi cuộc sống ở đó trở nên khó khăn hơn, cô buộc phải di chuyển, đầu tiên là đến thành phố phía Đông Port Sudan, sau đó đến Jabait.
Cô đi cùng đứa con trai mới sinh và tiếp tục cho con bú. Tạm thời an toàn ở Jabait, Yousif vẫn đau đáu về gia đình, bao gồm cả chị gái, người đã quay lại Nyala để thuyết phục anh em cùng di tản.
Yousif nói: "Lần liên lạc cuối cùng của tôi với chị ấy là 2 tháng trước và hiện tôi không biết tin gì về chị hay chồng tôi. Hai người anh em họ của tôi đã thiệt mạng. Nhà của chúng tôi và tất cả những ngôi nhà khác trong khu vực lân cận đều bị cướp. Vì vậy, tôi rất lo cho các thành viên trong gia đình".
Còn Asmaa Hassan Ali chạy trốn khỏi Darfur, đến cảng Sudan cùng với hai con gái. Cô đang ở trong nhà tạm lánh Mohamed Shaybah, nơi tổ chức các dịch vụ do UN Women cung cấp.
"Chúng tôi được tặng bộ dụng cụ vệ sinh và đó là một trong những khoảnh khắc hiếm hoi tôi cảm thấy hạnh phúc. Tôi và các con gái rất cần những vật dụng thiết yếu của phụ nữ. Tuy nhiên, tôi phải vật lộn để các con có được những nhu cầu cá nhân cơ bản", Ali chia sẻ.
Gói hỗ trợ thiết yếu
Một số phụ nữ tại văn phòng Hiệp hội Phát triển Phụ nữ và Trẻ em (WCDA) đến từ Jabait, trong khi những người khác đến từ các vùng khác của Sudan. WCDA và nhóm phụ nữ địa phương đang làm việc ở tuyến đầu để ứng phó với khủng hoảng.
Thông qua hỗ trợ của Cơ quan Liên hợp quốc về bình đẳng giới và trao quyền cho phụ nữ (UN Women), WCDA đã cung cấp cho Yousif, những phụ nữ và trẻ em phải di cư bộ dụng cụ vệ sinh, nước, đồ gia dụng và các hình thức viện trợ nhân đạo khác. Cô Yousif cho biết, viện trợ nhiều ngày qua đã giúp cuộc sống của họ tốt hơn một chút nhưng họ vẫn còn thiếu nhiều nhu yếu phẩm.
"Chúng tôi chỉ chạy trốn với bộ quần áo trên người. Mùa đông lạnh khiến con tôi và nhiều đứa trẻ khác bị ốm. Tôi không có tiền để đưa con đến bệnh viện…Tôi hy vọng chiến tranh sẽ chấm dứt và cuộc sống an toàn, ổn định để chúng tôi có thể trở về nhà đoàn tụ với gia đình", Yousif đau đớn nói.
UN Women đã hợp tác với 5 tổ chức phụ nữ khác thực hiện kế hoạch hỗ trợ nhân đạo khẩn cấp ở Sudan, phối hợp cùng các nhóm phụ nữ địa phương. Từ ngày 15/4 đến ngày 15/11/2023, có 163 đối tác nhân đạo địa phương đã cung cấp hỗ trợ cứu sống cho khoảng 4,9 triệu người Sudan và 5,7 triệu người nhận được hỗ trợ về nông nghiệp và sinh kế.
Samira Muhammad Suleiman, một luật sư tình nguyện của tổ chức "Nâng cao Nhận thức Phụ nữ Awoon", nhóm làm việc với chương trình cấp cứu, cho biết: "1.000 bộ dụng cụ vệ sinh đã được phân phát cho những phụ nữ phải sơ tán trong tháng 12. Phụ nữ đang rất cần những mặt hàng này do tính chất đặc thù của hoàn cảnh".
Mặc dù viện trợ đã lên tới hàng triệu USD nhưng tình hình vẫn rất nghiêm trọng tại Sudan. Mất an ninh, cướp bóc, kết nối điện thoại kém, thiếu tiền mặt và nhân viên hạn chế là một số thách thức ảnh hưởng đến việc cung cấp hỗ trợ nhân đạo.
Tình trạng thiếu nhiên liệu và điện cũng ảnh hưởng đến việc đi lại của các nhân viên hỗ trợ nhân đạo và chuyên chở hàng hóa cứu trợ.
Nguồn: UN Women