Phụ nữ trẻ kiếm tiền giỏi hơn, chi tiêu nhiều hơn

Nhiều phụ nữ Việt đang chi tiêu nhiều hơn bao giờ hết cho hạnh phúc cá nhân và tăng giá trị bản thân nhờ khả năng độc lập về tài chính.

Từ năm 18 tuổi, Hồ Lê Thảo Trinh (34 tuổi, TP. HCM) tự lo các chi phí học hành, ăn uống, đi lại mà không phụ thuộc vào bố mẹ. Cô từng trải qua nhiều vị trí công việc như trưởng đại diện trang tin tức tổng hợp tại miền Nam, đồng sáng lập Hello Weekend Market, kết nối hẹn hò cho người độc thân, kinh doanh nhà cho thuê.

Hiện tại, Trinh có công ty truyền thông marketing và sáng lập nhóm kết nối, hỗ trợ phụ nữ phát triển bản thân.

Việc theo đuổi sự nghiệp giúp Trinh có nhiều thất bại, thành công lẫn trải nghiệm. Ví như cô từng đi du lịch đến 12 quốc gia bằng chính tiền mình làm ra, sở hữu nhà rồi lại bán để kinh doanh, mua đất cùng gia đình. Với cô, xe cộ còn là tiêu sản nên chưa mua ôtô.

“Tất cả khoản nợ tín dụng tôi đều trả sớm nhất có thể để tránh phát sinh lãi. Sau khi tích lũy xong quỹ tiết kiệm dự phòng, tôi đang xây dựng quỹ về hưu và đầu tư gia tăng tài sản vào kinh doanh, chứng khoán, bất động sản”, cô nói với Zing.

 Thảo Trinh độc lập tài chính từ năm 18 tuổi. Ảnh: NVCC.

Thảo Trinh độc lập tài chính từ năm 18 tuổi. Ảnh: NVCC.

Tương tự Trinh, nhiều phụ nữ Việt Nam, đặc biệt là thế hệ Millennials và Gen Z, đang chi tiêu nhiều hơn bao giờ hết cho hạnh phúc cá nhân và tăng giá trị bản thân nhờ khả năng độc lập về tài chính. Với họ, việc mua nhà, tậu xe hay tích lũy nhiều tiền không quan trọng bằng đầu tư vào bản thân để có cuộc sống như mong muốn.

Ông Nguyễn Minh Tuấn, CEO Công ty tài chính AFA Capital, founder ứng dụng đầu tư và quản lý tài chính cá nhân TOPI, nhận định phụ nữ Việt Nam ngày nay đóng vai trò quan trọng trong các doanh nghiệp. Họ tự lập, tự kiếm tiền, đầu tư mạnh vào bản thân, đặt mục tiêu độc lập tài chính đối với gia đình, chồng hoặc người yêu, xa hơn là hướng tới tự do tài chính.

Đầu tư mạnh cho bản thân

Trinh hiện chi tiêu khoảng 20 triệu đồng/tháng cho bản thân. Có những tháng đầu tư học để gia tăng kiến thức, chi phí này sẽ tăng lên 30-40 triệu đồng.

Trinh tin rằng việc đầu tư vào bản thân sẽ không bao giờ lỗ mà mang lại lãi suất cao. Sau khi có kiến thức, cô đầu tư vào phát triển kinh doanh.

“Tôi thích xây dựng giá trị và giải quyết vấn đề. Đã quen với việc ‘trầy da tróc vảy’ nhiều thương vụ, tôi vẫn thấy mình được học hỏi mỗi ngày. Chứng khoán và tiền điện tử là xu hướng thế giới nên tôi trích một phần đầu tư theo dõi, vừa đi học thêm để không lạc hậu với Gen Z”, Trinh cho biết.

Sau khi tốt nghiệp đại học một năm, Naomi Trương (29 tuổi), điều hành doanh nghiệp ở TP.HCM, bắt đầu khởi nghiệp. Hiện tại, cô có 3 công việc kinh doanh về chăm sóc sức khỏe, năng lượng và thể chất cho con người.

 Naomi Trương không tiếc tiền đầu tư cho trí óc, sức khỏe, nhan sắc và các mối quan hệ xung quanh. Ảnh: NVCC.

Naomi Trương không tiếc tiền đầu tư cho trí óc, sức khỏe, nhan sắc và các mối quan hệ xung quanh. Ảnh: NVCC.

Với Naomi, độ tuổi trung bình để một người có thể ổn định cuộc sống như có nhà, xe, dư dả tài chính là từ 35 trở lên. Cô đang trong quá trình tìm hiểu bản thân, xây dựng doanh nghiệp riêng nên chưa có nhà, xe hay sổ tiết kiệm.

“Làm ra bao nhiêu tiền, tôi đều đầu tư cho doanh nghiệp. Tôi thấy mình còn trẻ, mua nhà, xe cũng nằm trong kế hoạch nhưng điều tôi hướng đến hiện tại là cân bằng được yếu tố về tài chính, sức khỏe, niềm vui, sự phát triển cá nhân”, cô nói với Zing.

Từ năm 18 tuổi, Naomi vừa học để lấy 2 bằng đại học, vừa đi làm thêm. Số tiền cô tiêu tốn nhiều nhất là cho việc học. Cách đây 7 năm, cô sẵn sàng mua khóa học 3 ngày trị giá 15 triệu đồng - khoản đầu tư khá lớn khi đó.

Trước đây, Naomi từng làm huấn luyện viên thể dục. Cô đầu tư cho sức khỏe từ ăn uống đến tập luyện, học thêm để có thể phục vụ công việc.

Khoản đầu tư tiếp theo của Naomi là nhan sắc. Theo cô, điều này có ảnh hưởng đến góc nhìn của mọi người về khía cạnh năng lượng hơn là thẩm mỹ.

“Nhìn mình tươi tắn, trẻ trung, năng động, gọn gàng, sạch sẽ khiến cho người khác cảm thấy gần gũi”, cô lý giải.

Bên cạnh đó, Naomi cũng đầu tư cho các hoạt động kết nối, mở rộng mối quan hệ. Theo cô, chất lượng mối quan hệ sẽ quyết định mình là ai và ở đâu. Người chơi cùng, gặp gỡ, nói chuyện sẽ quyết định tầm nhận thức và tư duy của mình.

“Tôi tham gia vào các cộng đồng, hội, nhóm năng động và tích cực với nhiều hoạt động xã hội, dự án cộng đồng cho phụ nữ. Điều này vừa làm tăng sự đa dạng cho trải nghiệm, vừa giúp tôi gặp gỡ, tiếp xúc với nhiều người có cùng điểm nhìn và tư duy với mình. Từ đó, tôi có thêm bạn đồng hành trong công việc hoặc đối tác làm ăn. Chất lượng mối quan hệ quan trọng hơn số lượng. Đầu tư vào đó giống như đầu tư cho công việc”.

 Phụ nữ trẻ đang chi tiêu nhiều hơn bao giờ hết cho hạnh phúc cá nhân và tăng giá trị bản thân. Ảnh minh họa: Phương Lâm.

Phụ nữ trẻ đang chi tiêu nhiều hơn bao giờ hết cho hạnh phúc cá nhân và tăng giá trị bản thân. Ảnh minh họa: Phương Lâm.

Tự lập, tự kiếm tiền, tiêu xài thông minh

Thảo Trinh cho rằng độc lập về tài chính đang là xu hướng và phong cách sống. Cô từng gặp nhiều phụ nữ có phong cách này đều toát lên sức hút, tự tin và chủ động trao đi giá trị trong cuộc sống.

“Xu hướng này giúp gia tăng chỉ số tương tác với xã hội vì phụ nữ sẽ không bó buộc trong căn bếp nữa. Với một số có phong cách sống hiện đại, thường sẽ không có rào cản gì quá lớn. Họ có tài chính, biết quản lý tiền, xài tiền thông minh, tinh thần hướng về bên trong để khi nào cũng cảm thấy đủ đầy. Những người theo hướng truyền thống sẽ có chút rào cản đến việc lập gia đình, tìm người đồng điệu, sinh con”, cô nhận định.

Nhìn rộng hơn, Trinh cho rằng phụ nữ sẽ có sức ảnh hưởng tích cực, mạnh mẽ hơn khi tham gia các lĩnh vực tài chính, kinh tế.

“Tôi nghĩ đàn ông sẽ khó kết nối với các chị em hơn nếu không phát triển bản thân mỗi ngày. Các anh sẽ ‘ế’ nhiều hơn khi các chị em độc lập, tự do, hạnh phúc ngày càng đông”.

 Phụ nữ được tin rằng sẽ có sức ảnh hưởng tích cực, mạnh mẽ hơn khi tham gia các lĩnh vực tài chính, kinh tế. Ảnh minh họa: Phương Lâm.

Phụ nữ được tin rằng sẽ có sức ảnh hưởng tích cực, mạnh mẽ hơn khi tham gia các lĩnh vực tài chính, kinh tế. Ảnh minh họa: Phương Lâm.

Bên cạnh đó, Trinh cho rằng khi phụ nữ độc lập tài chính, áp lực từ phía gia đình về chuyện lập gia đình sẽ giảm bớt. Bởi lẽ bố mẹ thấy con gái vui vẻ, nhà cửa, công việc vững vàng thì có phần yên tâm hơn.

“‘Con cá tự câu bao giờ cũng ngon hơn con cá đi mua’. Hành trình độc lập tài chính của phụ nữ luôn nỗ lực và thích chinh phục có nhiều cột mốc thú vị. Quan trọng là tận hưởng được niềm vui và học hỏi từ hành trình đó. Phụ nữ được quyền yếu đuối, độc lập tự chủ và nương tựa chính mình”.

Hiện tại, với tư cách người sáng lập và điều hành một nhóm kết nối phụ nữ, Trinh tổ chức các hoạt động online và offline mỗi tháng. Cô hướng đến việc giúp phụ nữ độc lập, thành công, truyền cảm hứng, có sức ảnh hưởng đến cộng đồng. Các nội dung cô đã và đang tiếp tục triển khai gồm quản lý tài chính cá nhân, đầu tư chứng khoán, kết nối tình yêu, tìm tiếng nói nội tâm, phụ nữ khởi nghiệp.

Naomi Trương cũng đồng tình rằng ngày càng nhiều bạn trẻ độc lập về tài chính, không phụ thuộc gia đình. Đây là xu thế tốt, giúp phụ nữ độc lập hơn.

“Trước đây, tôi từng nghĩ phụ nữ quá độc lập về tài chính là rào cản trong tình yêu. Tuy nhiên, giờ tôi thấy đó là bộ lọc. Những người không phù hợp, không đủ bản lĩnh mà nói rằng ‘Em giỏi quá, thông minh quá, bớt kiềm tiền lại đi, đừng kiếm tiền nữa’ thì tôi loại trừ ngay lập tức'”, cô nói.

 Độc lập về tài chính đang là xu hướng và phong cách sống ở nhiều phụ nữ trẻ hiện đại. Ảnh minh họa: Hồng Chang.

Độc lập về tài chính đang là xu hướng và phong cách sống ở nhiều phụ nữ trẻ hiện đại. Ảnh minh họa: Hồng Chang.

Theo định nghĩa của Cộng đồng Cố vấn tài chính Việt Nam, một người đạt tự do tài chính là khi thu nhập từ tài sản đầu tư vượt mức sinh hoạt hàng năm của họ. Ông Nguyễn Minh Tuấn cho rằng hiện nay, có nhiều phụ nữ nắm rất rõ phương pháp đầu tư, đồng thời kiểm soát tốt chi phí. Kết quả dễ hiểu là họ nhanh chóng đạt được mục tiêu tự do tài chính.

Báo cáo Chỉ số Nữ doanh nhân Mastercard (MIWE) năm 2021 cho thấy số doanh nghiệp do phụ nữ làm chủ tại Việt Nam ở mức 26,5%, xếp thứ 9 trên 58 nền kinh tế được nghiên cứu về số lượng phụ nữ trong vai trò lãnh đạo.

Theo số liệu được công bố vào ngày 4/3 của Hãng tư vấn doanh nghiệp Grant Thornton, tại Việt Nam, phụ nữ thường đảm nhận vai trò cấp quản lý với vị trí hàng đầu là Giám đốc nguồn nhân lực (68%) và CFO (Giám đốc tài chính) (47%).

Với khả năng độc lập về tài chính nhiều hơn so với thế hệ cha mẹ và ông bà, phụ nữ trẻ đóng vai trò rõ ràng hơn bao giờ hết trên thị trường tiêu dùng, góp phần xây dựng “nền kinh tế nữ giới” đang phát triển xoay quanh người tiêu dùng nữ.

Với riêng Naomi Trương, ngày trước, cô không có kế hoạch về tài chính. Hai năm trở lại đây, cô lên kế hoạch, sắp xếp bài bản hơn.

“Nếu 10 năm trước, một giờ làm việc của tôi trị giá 50.000 đồng thì mỗi năm qua đi, giá trị đó phải tăng lên nhiều lần. Tôi đặt mục tiêu không phải đầu tư nhiều giờ làm việc mà vẫn có mức thu nhập như mình mong muốn và thời gian đầu tư cho bản thân”. cô nói.

“Ngày xưa, phụ nữ chọn hy sinh, lùi về phía sau để người đàn ông của mình được tỏa sáng. Giờ tư duy đó không hề đúng. Khi có tài chính, vui vẻ, hạnh phúc, phụ nữ tự do quyết định hạnh phúc của mình. Ngoài chăm lo cho gia đình, họ đóng góp giá trị cho doanh nghiệp, nơi công tác. Phụ nữ hạnh phúc là thế giới hạnh phúc”, Naomi Trương kết luận.

Thiên Nhi

Nguồn Znews: https://zingnews.vn/phu-nu-tre-kiem-tien-gioi-hon-chi-tieu-nhieu-hon-post1305320.html