Phụ nữ trung niên vượt qua rung động trong phút chốc

Chỉ cần ánh mắt quan tâm, lời hỏi han chân tình, cũng khiến người phụ nữ tuổi trung niên như tôi lạc nhịp…

 Ảnh minh họa: Shutterstock

Ảnh minh họa: Shutterstock

Không biết từ khi nào tôi trở nên lặng lẽ. Có thể từ lúc con cái lớn hơn, không cần tôi lo lắng từng chút. Cũng có thể từ khi chồng tôi thôi quan tâm đến những điều nho nhỏ. Anh vẫn đi làm đều, thỉnh thoảng vẫn đưa đón tôi nhưng không còn ánh mắt ấm áp, không còn câu hỏi: "Em vui chuyện gì thế?", "Có gì làm em buồn à?"…

Tôi vẫn đang làm tròn vai trò người mẹ, người vợ trong gia đình nhưng ngày qua ngày, cảm giác trống rỗng. Muốn thoát khỏi cảm giác bức bối ấy, tôi chọn tham gia câu lạc bộ tập thể dục thể thao ở khu mình đang sinh sống, nơi mà có nhiều người tuổi trung niên như tôi cũng tham gia. Mỗi sáng sớm hoặc chiều tối, sân tập lại rộn ràng tiếng cười nói, tiếng cổ vũ. Người đánh cầu lông, người tập nhảy, người chơi bóng chuyền hơi… Ở đó, tôi thấy nhẹ nhõm, ít nhất là trong một, hai giờ đồng hồ mỗi ngày.

Cũng ở đó, tôi gặp anh, người đàn ông hơn tôi vài tuổi. Anh không quá đặc biệt: ăn mặc giản dị, nói chuyện nhẹ nhàng, hay cười. Nhưng tôi nhớ như in buổi đầu tiên, khi tôi hụt hơi tập theo nhóm, anh đưa chai nước tới và nói: "Em mệt rồi, ngồi nghỉ chút đi. Những buổi đầu đừng cố quá". Câu nói đơn giản ấy lại khiến tôi vui suốt buổi tập. Bao lâu rồi không có ai nhận ra tôi mệt và quan tâm tôi bằng một câu nói đơn giản như thế? Từ hôm ấy, anh thường theo dõi tôi trên sân. Những hôm tôi nghỉ tập, anh nhắn hỏi qua một người bạn: "Em ấy khỏe không mà không thấy ra sân?". Những lời hỏi han, để ý, sự kiên nhẫn khi hướng dẫn tôi từng động tác… tất cả khiến tôi có cảm giác "được nhìn thấy".

Tôi bắt đầu chờ đến giờ tập mỗi ngày, chờ được ra sân, được cười, được gặp người đàn ông ấy. Không có tin nhắn riêng, không cuộc hẹn bên ngoài, không điều gì vượt quá giới hạn nhưng trong lòng, tôi biết trái tim mình đã lạc nhịp. Ban đầu tôi định coi như đó là phần cảm xúc được "bù đắp". Nhưng rồi tôi nhận ra, tôi không phản bội chồng mà đang phản bội chính mình vì phải che giấu cảm xúc thật. Tôi chủ động hỏi chuyện chồng mình nhiều hơn, kể cả những điều nhỏ nhặt, rủ anh đi bộ buổi tối, tâm sự chuyện xưa, chuyện nay. Lúc đầu, chồng tôi tỏ ra ngạc nhiên, đôi khi còn hờ hững. Nhưng tôi nhận thấy anh cũng đang cố thay đổi từng chút. Tôi hiểu hôn nhân cũng như sân tập, có lúc hào hứng, có lúc mệt mỏi nhưng điều quan trọng nhất là không bỏ cuộc khi biết:

Nhận diện sớm cảm xúc của mình: Cảm xúc không có lỗi nhưng nếu tôi thấy mình bắt đầu chờ đợi ánh mắt, nụ cười của một người khác không phải chồng mình, tôi tự hỏi: "Mình đang thiếu điều gì? Điều đó có thể tìm lại từ người bạn đời của mình không?".

Không im lặng trong cô đơn: Tôi học cách lên tiếng. Nói với chồng, nhẹ nhàng nhưng chân thật, về những điều tôi thấy trống vắng. Đôi khi, họ không vô tâm, chỉ là không biết tôi đang cần gì.

Chủ động khơi lại tình cảm: Không chờ đợi được quan tâm, tôi trở thành người bắt đầu. Cái bóp vai, lời cảm ơn đúng lúc… có thể làm nên điều khác biệt.

Giữ khoảng cách đúng mực: Không cần cắt đứt hoàn toàn với người mang lại cảm xúc tích cực cho mình nhưng tôi xác lập ranh giới rõ ràng. Không cho phép mình "chờ đợi" ai khác, chính là cách tôi bảo vệ cuộc hôn nhân của mình.

Chăm sóc bản thân: Khi tôi vui vẻ, yêu đời, tự tin, tôi thấy mình ít cảm thấy cần người khác lấp đầy cảm xúc. Tôi học cách sống yêu bản thân nhiều hơn trước.

Quan trọng nhất, điều tôi chọn gìn giữ là gia đình. Vì ở đó, không phải lúc nào cũng toàn lời yêu nhưng luôn là nơi để trở về.

Kim Anh

Nguồn Phụ Nữ VN: https://phunuvietnam.vn/phu-nu-trung-nien-vuot-qua-rung-dong-trong-phut-choc-20250411141831303.htm