Phụ nữ và nỗi ám ảnh ung thư cổ tử cung - Bài cuối: Tạo an sinh bền vững cho phụ nữ bằng chính sách bảo hiểm y tế

Ung thư cổ tử cung (UTCTC) là căn bệnh phổ biến, không chỉ ảnh hưởng trực tiếp tới sức khỏe của phụ nữ mà còn làm suy giảm lực lượng lao động rất cần thiết cho sự phát triển kinh tế - xã hội của đất nước. Bởi vậy, giảm gánh nặng trong phòng và điều trị UTCTC cho phụ nữ thông qua nguồn từ bảo hiểm y tế (BHYT) có ý nghĩa xã hội rộng lớn.

 Đại biểu Quốc hội Trần Thị Vân, Phó trưởng đoàn ĐBQH tỉnh Bắc Ninh, phát biểu tại một hội thảo đề xuất chính sách về khám sàng lọc UTCTC

Đại biểu Quốc hội Trần Thị Vân, Phó trưởng đoàn ĐBQH tỉnh Bắc Ninh, phát biểu tại một hội thảo đề xuất chính sách về khám sàng lọc UTCTC

Nỗi lo chi phí

Chị Trần Thị Hương (Khu đô thị Phú Lãm, Q.Hà Đông, Hà Nội) cho biết: Hằng năm, công ty có tổ chức khám định kỳ cho công nhân, người lao động nhưng trong danh mục khám chủ yếu các loại bệnh thông thường.

Nhiều chị em có nhu cầu khám các bệnh phụ khoa cũng như soi cổ tử cung, sàng lọc ung thư thì phải tự bỏ thêm tiền để khám thêm. Với những chị em công nhân thu nhập thấp, đời sống khó khăn, việc bỏ ra số tiền để khám cũng là một gánh nặng.

Chị Hương chia sẻ, với lương công nhân vốn đã không cao, chi phí cho sinh hoạt tối thiểu, cho con cái học hành gần như không còn tiền để tích lũy. Lương tháng nào tiêu hết tháng đó nên buộc lòng chị em phải cắt giảm những chi tiêu cho chính bản thân mình.

Thậm chí, với những thứ thiết thân như khám sức khỏe cho bản thân cũng "lược bớt". "Chi phí cho mỗi lần khám sàng lọc UTCTC lên tới hàng trăm ngàn đồng. Nếu được Quỹ BHYT chi trả khoản này, chính là sự tháo gỡ, giảm áp lực rất lớn cho đời sống chị em phụ nữ công nhân hiện nay", chị Hương nói.

GS.TS.BS Vương Tiến Hòa, Ủy viên Ban chấp hành TƯ Hội phụ sản Việt Nam, cho biết: Đặt ra vấn đề Quỹ BHYT hỗ trợ khám sàng lọc UTCTC cho phụ nữ là việc rất quan trọng, có ý nghĩa xã hội rộng lớn, bởi phụ nữ vẫn là đối tượng "bị động", ít điều kiện kinh tế để tiếp cận các dịch vụ y tế.

Việc sàng lọc, phát hiện sớm UTCTC làm giảm áp lực về mặt tài chính cho gia đình cũng như khó khăn trong quá trình điều trị hơn rất nhiều so với giai đoạn cần phải điều trị, xạ trị.

Phó Chủ tịch Hội LHPN Việt Nam Nguyễn Thị Minh Hương (giữa) chủ trì Hội thảo đề xuất chính sách đưa chi phí khám sàng lọc UTCTC vào danh mục được BHYT chi trả, do TƯ Hội LHPN Việt Nam tổ chức tháng 7/2024

Phó Chủ tịch Hội LHPN Việt Nam Nguyễn Thị Minh Hương (giữa) chủ trì Hội thảo đề xuất chính sách đưa chi phí khám sàng lọc UTCTC vào danh mục được BHYT chi trả, do TƯ Hội LHPN Việt Nam tổ chức tháng 7/2024

Theo GS Vương Tiến Hòa, nhóm độ tuổi cần tập trung hỗ trợ đầu tiên là nhóm phụ nữ trong độ tuổi sinh sản. Tuy nhiên, thực tế cho thấy, có 2 vấn đề đang đặt ra:

Thứ nhất, phần lớn phụ nữ bị UTCTC hay ung thư vú đều phát hiện bệnh trong tình trạng đã quá muộn.

Thứ 2 là chính sách hỗ trợ, Quỹ BHYT chưa chi trả chi phí khám sàng lọc trong khi với phần lớn chị em vùng sâu, vùng xa, hoàn cảnh gia đình khó khăn, lo tiền đi khám sức khỏe thông thường đã khó khăn thì sàng lọc ung thư, tiêm vaccine HPV lên tới cả triệu đồng, càng thêm khó.

Vì vậy, theo ông Vương Tiến Hòa, sàng lọc, phát hiện sớm UTCTC liên quan trực tiếp tới sinh mạng, là vấn đề cấp thiết với phụ nữ, rất cần sớm được đưa vào danh mục được Quỹ BHYT chi trả.

Theo TS.BS Ong Thế Duệ, Phó trưởng Khoa Tài chính y tế và Đánh giá công nghệ y tế (Viện Chiến lược và Chính sách Y tế), UTCTC hoàn toàn có thể phòng ngừa và điều trị hiệu quả nếu được phát hiện sớm thông qua các chương trình sàng lọc.

Mặc dù vậy, theo Nghiên cứu của Bộ Y tế và UNFPA năm 2021, tỷ lệ tiêm vaccine HPV để phòng ngừa và tỷ lệ khám sàng lọc UTCTC còn thấp, chỉ 12% phụ nữ và trẻ em gái trong độ tuổi 15-29 được tiêm vaccine HPV và chỉ có 28% phụ nữ trong độ tuổi 30-49 được khám sàng lọc loại bệnh này.

Vụ Sức khỏe Bà mẹ - Trẻ em nhất trí với đề xuất của Hội LHPN Việt Nam về việc mở rộng quyền lợi để người tham gia BHYT có thể được hưởng các dịch vụ sàng lọc, phát hiện sớm UTCTC nhằm đạt mục tiêu 90% trẻ em gái được tiêm vaccine sớm, 70% phụ nữ từ 45-65 tuổi được sàng lọc UTCTC, 90% các tổn thương của ung thư được chẩn đoán và điều trị kịp thời, tiến tới loại trừ căn bệnh UTCTC tại Việt Nam”.

ThS.BS. Đinh Anh Tuấn, Vụ trưởng Vụ Sức khỏe Bà mẹ - Trẻ em (Bộ Y tế)

Hiện nay, vaccine HPV chưa được đưa vào chương trình tiêm chủng mở rộng cũng như khám sàng lọc chưa được BHYT chi trả. Trong khi đó, chi phí khám sàng lọc và tiêm ngừa cao, dao động 850 nghìn đồng đến 2,5 triệu đồng cho 1 mũi tiêm và một người cần tiêm 2 hoặc 3 mũi.

Rõ ràng, đây là mức chi trả khá cao với đại bộ phận phụ nữ, cũng là nguyên nhân chính khiến cho tỷ lệ sàng lọc và tiêm vaccine phòng ngừa UTCTC còn rất thấp ở nước ta hiện nay.

Giảm gánh nặng kinh tế cho phụ nữ cũng là giảm chi phí xã hội

UTCTC là loại ung thư phổ biến thứ tư ở phụ nữ Việt Nam, chiếm khoảng 12% tất cả các ung thư ở nữ giới và là nguyên nhân gây tử vong thứ 2 sau ung thư vú. Chi phí điều trị UTCTC rất tốn kém nhưng bệnh hoàn toàn có thể dự phòng hoặc được loại trừ khi sử dụng vaccine HPV, thực hiện sàng lọc định kỳ nhằm phát hiện, điều trị sớm các dấu hiệu tiền ung thư.

Tuy nhiên, tại Việt Nam, tỷ lệ tiếp cận các biện pháp phòng và tầm soát UTCTC của phụ nữ còn thấp. Một trong những nguyên nhân là do vaccine HPV có chi phí khá cao so với thu nhập chung, chưa được đưa vào chương trình tiêm chủng mở rộng; khám sàng lọc ung thư cổ tử cung chưa được BHYT chi trả.

Ths.Bs. Đinh Anh Tuấn - Vụ trưởng Vụ Sức khỏe Bà mẹ - Trẻ em (Bộ Y tế) cho biết, đối tượng mắc UTCTC chủ yếu là phụ nữ trong độ tuổi sinh đẻ nên bệnh không chỉ ảnh hưởng đối với sức khỏe, tính mạng của người bệnh mà còn ảnh hưởng đến các thành viên khác trong gia đình.

Ngoài ra, bệnh sẽ làm suy giảm lực lượng lao động rất cần thiết cho sự phát triển kinh tế - xã hội của đất nước.

Trong các hội thảo góp ý vào dự thảo Luật BHYT (sửa đổi), đại diện Trung ương Hội LHPN Việt Nam luôn đề nghị đưa chi phí khám sáng lọc UTCTC vào danh mục được bảo hiểm y tế chi trả.

Phát biểu tại "Hội thảo vận động chính sách đưa chính sách đưa chi phí khám sàng lọc ung thư cổ tử cung vào danh mục được bảo hiểm y tế chi trả" (tháng 7/2024), Phó Chủ tịch Hội LHPN Việt Nam Nguyễn Thị Minh Hương cho rằng: Hiện nay, UTCTC là vấn đề sức khỏe cộng đồng đáng quan ngại vì căn bệnh này ảnh hưởng nhiều đến phúc lợi, sức khỏe và đời sống tinh thần của phụ nữ và toàn bộ dân số.

Việc tăng cường khả năng tiếp cận của phụ nữ tới các dịch vụ sàng lọc, khám, chẩn đoán sớm bệnh UTCTC là cần thiết, phù hợp với nguyên tắc "phòng bệnh hơn chữa bệnh" của công tác chăm sóc sức khỏe nhân dân, giúp giảm gánh nặng về kinh tế cho phụ nữ và chính gia đình của họ cũng như giảm chi phí xã hội do điều trị UTCTC.

Những năm qua, bên cạnh các hoạt động đã triển khai nhằm vận động chính sách liên quan đến nội dung đưa UTCTC vào danh mục được Quỹ BHYT chi trả, Hội LHPN Việt Nam tiếp tục đề nghị Bộ Y tế - cơ quan tham mưu dự thảo Luật - làm rõ hơn ý về "sàng lọc" trong nội dung

"Chính phủ quy định cụ thể phạm vi được hưởng BHYT đối với dịch vụ khám, chẩn đoán đánh giá nguy cơ và điều trị ngăn ngừa sự tiến triển của một số bệnh có tỷ lệ mắc cao, gánh nặng bệnh tật lớn và đạt hiệu quả khi điều trị can thiệp sớm" tại mục 8, Điều 1 về Sửa đổi, bổ sung một số điểm, khoản của Điều 21 Dự thảo Luật Sửa đổi bổ sung một số điều của Luật BHYT.

Ngày 22/8/2024, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã tán thành bổ sung dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật BHYT vào Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2024. Theo đó, dự án luật sẽ được trình Quốc hội cho ý kiến và thông qua tại Kỳ họp thứ 8 (tháng 10/2024) theo quy trình tại một kỳ họp.

Đại biểu Quốc hội Trần Thị Vân, Phó trưởng đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Bắc Ninh, bày tỏ tin tưởng, việc đưa khám sàng lọc UTCTC vào danh mục BHYT chi trả, với 50% dân số là phụ nữ - những người hưởng lợi trực tiếp và 50% dân số còn lại sẽ hưởng lợi gián tiếp, thì tin chắc rằng, các đại biểu Quốc hội sẽ ủng hộ.

Bên cạnh đó, các phương án để truyền thông vận động chính sách này rất quan trọng, tạo sự tác động mạnh mẽ trong dư luận, cũng như trên nghị trường.

Đại biểu Trần Thị Vân cho rằng, các cấp Hội LHPN cần phát huy vai trò của mình trong mỗi cuộc tiếp xúc cử tri của các đại biểu Quốc hội, ở địa phương nào cũng có cử tri đề xuất, nêu lên nguyện vọng về vấn đề sàng lọc UTCTC thì Đoàn đại biểu Quốc hội nào cũng sẽ có tiếng nói phản ánh kiến nghị của cử tri trước nghị trường.

Trong việc chăm sóc sức khỏe nhân dân có 3 trụ cột: "dự phòng, sàng lọc, chữa trị". Quan tâm, hỗ trợ chi phí khám sàng lọc UTCTC cho phụ nữ là rất cần thiết trong trụ cột "dự phòng và sàng lọc".

PVH

Nguồn Phụ Nữ VN: https://phunuvietnam.vn/phu-nu-va-noi-am-anh-ung-thu-co-tu-cung-bai-cuoi-tao-an-sinh-ben-vung-cho-phu-nu-bang-chinh-sach-bao-hiem-y-te-20241026102702228.htm