Phú Quốc kiến nghị gỡ vướng trong vận hành chính quyền địa phương hai cấp và cải thiện dịch vụ hành chính công
Ngày 7-7, ông Trần Minh Khoa, Chủ tịch UBND đặc khu Phú Quốc đã ký văn bản gửi UBND tỉnh An Giang, báo cáo tình hình tổ chức, vận hành chính quyền địa phương hai cấp, hoạt động của Trung tâm Phục vụ Hành chính công và tiến độ triển khai các dự án hạ tầng phục vụ Hội nghị APEC 2027.

Trụ sở UBND đặc khu Phú Quốc, tỉnh An Giang
Theo báo cáo, bộ máy chính quyền đặc khu đã cơ bản ổn định với 155 công chức và 7 lao động hợp đồng theo Nghị định 111/2022/NĐ-CP. Các phòng chuyên môn và Trung tâm Phục vụ Hành chính công đã ban hành đầy đủ quy chế làm việc, phân công nhiệm vụ rõ ràng, phù hợp với năng lực từng cán bộ, công chức. Công tác quản lý hồ sơ, dữ liệu hành chính từ các đơn vị tiền thân được thực hiện bài bản, giúp đảm bảo tính liên tục và hiệu quả hoạt động công vụ.
Trung tâm Phục vụ Hành chính công chính thức đi vào hoạt động từ ngày 1-7-2025, đặt tại số 03 đường Mai Thị Hồng Hạnh (đặc khu Phú Quốc). Trung tâm bố trí 17 quầy tiếp nhận hồ sơ, đầy đủ thiết bị hỗ trợ người dân giao dịch. Trong 4 ngày đầu hoạt động, trung tâm đã tiếp nhận 2.804 lượt công dân đến giao dịch và xử lý hơn 1.200 hồ sơ mới. Đáng chú ý, có tới 71,8% hồ sơ được nộp trực tuyến qua Cổng dịch vụ công quốc gia.
Tuy nhiên, UBND đặc khu phản ánh nhiều bất cập về cơ sở vật chất và hạ tầng kỹ thuật của trung tâm. Một số thiết bị như máy lấy số, máy tra cứu, máy scan còn hạn chế, cấu hình thấp, thường xuyên gây chậm trễ trong xử lý hồ sơ. Khu vực hỗ trợ người dân nộp hồ sơ trực tuyến bị quá tải khi cả 8 xã, phường cùng dồn về một điểm. Đặc biệt, phần mềm VNeID thường xuyên gặp tình trạng nghẽn vào giờ cao điểm, khiến người dân không thể nộp hồ sơ trực tuyến trong một số lĩnh vực như bảo trợ xã hội, chính sách người có công.
UBND đặc khu đề xuất tỉnh sớm tổ chức tập huấn định kỳ cho đội ngũ cán bộ tiếp nhận hồ sơ về các thủ tục hành chính mới, đồng thời công bố các quyết định kèm nội dung cụ thể để các ngành dễ tiếp cận và triển khai. Cùng với đó, kiến nghị Sở Khoa học và Công nghệ sớm nâng cấp hệ thống tiếp nhận và giải quyết thủ tục hành chính, đảm bảo đồng bộ với hệ thống quốc gia. UBND đặc khu cũng đề nghị Văn phòng UBND tỉnh sớm ban hành quyết định công bố các thủ tục hành chính cấp xã trên cơ sở bộ thủ tục đã được chuẩn hóa.
Về tiến độ triển khai các dự án hạ tầng phục vụ Hội nghị APEC 2027, Phú Quốc đang tập trung thực hiện 4 dự án tái định cư lớn gồm: Suối Lớn, An Thới, Cửa Cạn và Hàm Ninh, với tổng diện tích hơn 250 ha, dự kiến tạo ra khoảng 9.400 nền tái định cư. Các dự án đều được triển khai theo cơ chế công trình khẩn cấp, phấn đấu hoàn thành trước tháng 8-2026. Hiện công tác quy hoạch chi tiết, khảo sát địa hình, lựa chọn nhà thầu và giải phóng mặt bằng đang được triển khai đồng loạt để đảm bảo tiến độ.
Cùng với đó, công tác chỉnh trang đô thị cũng được đẩy mạnh. Trong 6 tháng đầu năm 2025, UBND đặc khu đã tổ chức hơn 1.300 cuộc kiểm tra, xử lý 92 trường hợp vi phạm, tháo dỡ nhiều công trình lấn chiếm vỉa hè, lòng đường. Các tuyến phố trung tâm như Ngô Quyền, Nguyễn Trung Trực, Hùng Vương và đường 30/4 đã được lập lại trật tự, cải thiện đáng kể diện mạo đô thị.
UBND đặc khu Phú Quốc cũng kiến nghị HĐND tỉnh An Giang sớm ban hành cơ chế phân cấp, ủy quyền rõ ràng cho công chức phụ trách địa bàn trong việc tiếp nhận và xử lý công việc tại cơ sở. Thực tế hiện nay cho thấy, nhiều nội dung phát sinh trong quá trình giải quyết công việc cho doanh nghiệp và người dân không nằm trong bộ thủ tục hành chính công, đòi hỏi sự chủ động, linh hoạt và xử lý tại chỗ của cán bộ địa phương.