Phú Quý: Chú trọng đào tạo nghề tại doanh nghiệp, hợp tác xã
Để tạo thêm việc làm cho lao động nông thôn (LĐNT), huyện Phú Quý xác định đào tạo nghề là bước quan trọng giúp bảo đảm được năng suất, chất lượng sản phẩm. Thời gian tới, huyện sẽ chú trọng đến vai trò của các hợp tác xã trong đào tạo, nâng cao tay nghề cho LĐNT, từ đó thúc đẩy kinh tế huyện phát triển theo hướng bền vững.
Phú Quý
Đại diện lãnh đạo huyện Phú Quý cho biết: Sau khi có Quyết định 1956 về đào tạo nghề cho LĐNT, huyện Phú Quý đã xây dựng kế hoạch và tổ chức khảo sát nhu cầu học nghề của người lao động trên toàn huyện. Theo đó, huyện chỉ đạo các ngành chức năng thường xuyên phổ biến các chủ trương của Đảng, chính sách của Nhà nước về đào tạo nghề cho LĐNT bằng nhiều hình thức phong phú. Nhờ đó, công tác tuyển sinh, đào tạo nghề cho LĐNT ở huyện Phú Quý đạt nhiều kết quả tích cực.
Hàng năm, kết quả đào tạo nghề LĐNT của huyện đều đạt và vượt chỉ tiêu, kế hoạch tỉnh phân bổ. Hơn 10 năm qua, huyện tổ chức 55 lớp với gần 1.700 LĐNT được đào tạo nghề. Trong đó, ngành nghề đào tạo nông nghiệp thu hút hơn 1.000 học viên chủ yếu là ngư dân, lao động nữ. Số lao động có việc làm sau khi học nghề là 1.500 người, đạt tỷ lệ 92%. Sau khi học nghề người lao động được tư vấn lựa chọn mô hình sản xuất kinh doanh nhằm tạo việc làm cho bản thân và tăng thu nhập cho gia đình như: mô hình trồng rau sạch, chăn nuôi, dinh dưỡng và kỹ thuật nấu ăn, pha chế thức uống, lễ tân khách sạn...
Tuy nhiên, theo đánh giá của đại diện lãnh đạo huyện Phú Quý, chất lượng đào tạo nghề cho LĐNT chưa cao, các nghề đào tạo chưa đa dạng, chưa thực sự góp phần tạo được nhiều việc làm, tăng thu nhập cho nhân dân. Bên cạnh đó, đa số phụ nữ trong độ tuổi lao động chủ yếu là làm nội trợ, số còn lại là chăn nuôi tại gia đình với quy mô nhỏ. Các cơ sở sản xuất, kinh doanh, chế biến thủy sản… trên huyện còn nhỏ, lẻ chưa đủ đáp ứng nhu cầu giải quyết việc làm cho người lao động nhất là lao động nữ. Từ đó làm ảnh hưởng không ít đến nhận thức của người dân trong việc học nghề. Mặt khác, đội ngũ giáo viên dạy nghề của Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp – Giáo dục thường xuyên huyện không có, tất cả giáo viên giảng dạy là hợp đồng thỉnh giảng từ các cơ sở dạy nghề khác trong và ngoài tỉnh. Do đó, việc mở lớp, nâng cao chất lượng đào tạo nghề gặp không ít khó khăn.
Thời gian tới, Phú Quý sẽ tiếp tục phát triển mạnh mẽ giáo dục nghề nghiệp, đào tạo nghề theo nhu cầu của thị trường lao động, theo doanh nghiệp, hợp tác xã, cơ sở sản xuất kinh doanh và nhu cầu của người học. Cùng với đó, đẩy mạnh công tác đào tạo các nghề về du lịch theo tiêu chuẩn của quốc gia và quốc tế nhằm đáp ứng nguồn nhân lực phục vụ cho việc phát triển du lịch tại các khu du lịch trên địa bàn huyện Phú Quý. Đồng thời, đa dạng hóa công tác tuyên truyền, tư vấn, tuyển sinh, bằng nhiều hình thức phong phú, đa dạng và thường xuyên, đặc biệt là đưa các thông tin trực tiếp đến các đối tượng có nhu cầu học nghề.
Ngoài ra, huyện chú trọng phát triển đội ngũ cộng tác viên thực hiện công tác tuyển sinh tại các xã để thực hiện việc tư vấn, tuyển sinh trực tiếp tại cơ sở, nhất là các cán bộ chi hội, đoàn thể tại thôn. Chú trọng đào tạo nghề tại cơ sở sản xuất kinh doanh, vùng chuyên canh, vùng dự án. Đây là giải pháp quan trọng để nâng cao hiệu quả tuyển sinh, chất lượng đào tạo nghề gắn với việc làm. Bên cạnh đó, tiếp tục mở rộng các hoạt động liên kết đào tạo nghề, đào tạo theo nhu cầu của người học, nhằm phát huy cơ sở vật chất, trang thiết bị và nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp – Giáo dục thường xuyên…
KIM ANH