Phú Thọ: Kinh nghiệm hay từ Tổ Truyền thông cộng đồng khu Lương Đẩu

Khi mới thành lập, Tổ truyền thông cộng đồng khu Lương Đẩu, xã Đồng Thịnh, huyện Yên Lập, tỉnh Phú Thọ đã gặp rất nhiều khó khăn. Tuy nhiên, sau một thời gian dài học hỏi và đúc kết kinh nghiệm, những thành viên cốt cán của Tổ đã có những cách làm hay, hiệu quả...

Với số lượng thành viên ít ỏi, các hoạt động của Tổ Truyền thông cộng đồng khu Lương Đẩu trong thời gian đầu hầu như không để lại dấu ấn trong lòng những dân cư tại khu, xã. Khi ấy, các thành viên trong Tổ cũng chưa thực sự nhiệt huyết và thời gian dành cho việc vận hành Tổ truyền thông vẫn còn khá hạn chế.

Anh Đinh Công Lâm - Bí thư Chi bộ khu Lương Đẩu - Tổ trưởng Tổ Truyền thông cộng đồng khu Lương Đẩu

Anh Đinh Công Lâm - Bí thư Chi bộ khu Lương Đẩu - Tổ trưởng Tổ Truyền thông cộng đồng khu Lương Đẩu

Mặt khác, đặc thù về mặt địa lý cũng làm hạn chế số lượng người dân mà các buổi truyền thông tại khu tiếp cận như địa bàn rộng, dân cư rải rác. Ngoài ra, do cơ chế thị trường đoàn viên, hội viên trẻ đều đi làm xa nhà, gần như không thể tham gia hoạt động của Tổ. Đối với bộ phận người dân còn lại, trình độ dân trí còn hạn chế dẫn đến chất lượng của các buổi truyền thông không cao.

Đối mặt với vô vàn thách thức như vậy, Tổ Truyền thông cộng đồng khu Lương Đẩu đã có những kế hoạch hết sức hợp lý để cải thiện tính hiệu quả của Tổ.

Bắt đầu từ vấn đề về nhân sự và ban cán bộ, anh Đinh Công Lâm - Bí thư Chi bộ khu Lương Đẩu - Tổ trưởng Tổ Truyền thông cộng đồng khu Lương Đẩu cho biết: "Để duy trì tốt hoạt động của Tổ trước hết, người Tổ trưởng phải giữ vững vai trò là một đầu tàu gương mẫu và chuẩn mực. Vì vậy, tôi luôn tự nhắc nhở bản thân mình phải có một tinh thần trách nhiệm, xây dựng kế hoạch tuyên truyền và sinh hoạt tổ chi tiết và đúng quy chế để các thành viên có thể hiểu việc mình cần làm và mục tiêu Tổ đang hướng tới".

Hình thức tuyên truyền cũng cần đa dạng hơn, ví dụ như lồng ghép trong các kỳ sinh hoạt của các hội đoàn thể, khu dân cư

Hình thức tuyên truyền cũng cần đa dạng hơn, ví dụ như lồng ghép trong các kỳ sinh hoạt của các hội đoàn thể, khu dân cư

Đồng thời, qua các dự án được tổ chức, các thành viên của Tổ sẽ dành thời gian để cùng làm việc, tạo sự gắn bó và đoàn kết trong tập thể. Các thành viên đã hoạt động trong khoảng thời gian đáng kể và giữ vững nề nếp, tự trang bị thêm các kỹ năng mềm và kinh nghiệm về truyền thông.

Các cán bộ thôn kiêm nhiệm vẫn nỗ lực duy trì các hoạt động tại Tổ sau khi dự án được hoàn thành. Nếu đến giai đoạn không có kinh phí hoạt động thì tổ vẫn sẽ duy trì các hoạt động theo nề nếp, nâng cao các phương pháp tuyên truyền.

Một vấn đề khác không kém phần quan trọng, ảnh hưởng đến sự hiệu quả trong hoạt động tuyên truyền tại Tổ đó chính là ý thức và dân trí của người dân xã. Theo anh Đinh Công Lâm, để một buổi tuyên truyền có thể tiếp cận được mọi tầng lớp người dân tại khu vực, cần thay đổi một số điều cần thiết.

Các thành viên trong một buổi họp Tổ

Các thành viên trong một buổi họp Tổ

Đầu tiên, về mặt nội dung, thông điệp truyền tải cần ngắn gọn, súc tích, phù hợp với phong tục tập quán và quan trọng là nắm được vấn đề mà người dân đang quan tâm. Hình thức tuyên truyền cũng cần đa dạng hơn, ví dụ như lồng ghép trong các kỳ sinh hoạt của các hội đoàn thể, khu dân cư. Tuyên truyền trên hệ thống loa truyền thanh của khu. Sân khấu hóa nội dung tuyên truyền bằng các trò chơi cộng đồng, nhạc kịch, tiểu phẩm hay giao lưu văn nghệ… với các chủ đề về luật hôn nhân, bình đẳng giới và các vấn đề bức thiết khác.

"Trước đây khi chưa có Tổ, các hộ gia đình khi có mâu thuẫn dễ xảy ra bạo lực. Khi đó chỉ có thể dùng đến cách giải quyết là hòa giải, nếu không được thì sẽ chuyển sự việc lên công an. Từ khi Tổ Truyền thông cộng đồng được thành lập, dường như nhận thức của người dân đã được nâng cao đáng kể. Nhờ các công tác truyền thông bài bản, ưu tiên các vấn đề mà người dân đang bức xúc, đặc biệt là về bạo lực gia đình, điều luật hôn nhân… Người dân được cung cấp đầy đủ thông tin và kiến thức về những vấn đề nổi cộm này nên các tệ nạn xảy ra trong khu vực đều đã được giảm thiểu", anh Đinh Công Lâm cho hay.

Tổ đã có sự cải thiện trong cách vận hành và hơn hết là đến lại nhiều sự thay đổi tích cực cho khu vực

Tổ đã có sự cải thiện trong cách vận hành và hơn hết là đến lại nhiều sự thay đổi tích cực cho khu vực

Sau một thời gian hoạt động, Tổ Truyền thông cộng đồng khu Lương Đẩu đã phát huy hiệu quả và làm tốt công tác tuyên truyền, giúp nâng cao hiểu biết của người dân. Các vấn đề bình đẳng giới, công tác bảo vệ và chăm sóc phụ nữ và trẻ em cũng được người dân chú trọng hơn.

Nhờ việc đào sâu các vấn đề cốt lõi, Tổ đã có sự cải thiện trong cách vận hành và hơn hết là để lại nhiều sự thay đổi tích cực cho khu vực. Ban cán bộ Tổ Truyền thông cộng đồng khu Lương Đẩu hy vọng những kinh nghiệm có được trong thời gian qua có thể giúp các Tổ khác đang gặp khó khăn có thể sớm cải thiện và hoạt động hiệu quả nhất.

Cuối cùng, để có thể tiếp tục hoạt động bền vững và hiệu quả hơn, Tổ hy vọng có thể được hỗ trợ thêm kinh phí cho việc trang bị các sản phẩm truyền thông như loa phóng thanh, máy chiếu… để có thể tuyên truyền đến nhiều người dân hơn.

An Khê

Nguồn Phụ Nữ VN: https://phunuvietnam.vn/phu-tho-kinh-nghiem-hay-tu-to-truyen-thong-cong-dong-khu-luong-dau-20240721222100395.htm