Phú Thọ: Trang nghiêm lễ hội truyền thống đền làng Hữu Bổ hạ
tưởng nhớ và tri ân công đức của Đức thánh Đinh Công Tuấn, từ ngày 09 - 11/02/2025 (tức ngày 12 đến 14 tháng Giêng năm Ất Tỵ), Ban tổ chức lễ hội Khu dân cư số 5 xã Phùng Nguyên, huyện Lâm Thao, tỉnh Phú Thọ tổ chức lễ hội truyền thống đền Hữu Bổ hạ với nhiều hoạt động trang nghiêm như rước kiệu, tế lễ… và các trò chơi hấp dẫn, thu hút sự quan tâm của người dân và du khách thập phương.
![Đông đảo người dân tham dự lễ hội truyền thống đền làng Hữu Bổ hạ. (Ảnh: Ngọc Hà)](https://photo-baomoi.bmcdn.me/w700_r1/2025_02_13_56_51465356/a45fe07ad034396a6025.jpg)
Đông đảo người dân tham dự lễ hội truyền thống đền làng Hữu Bổ hạ. (Ảnh: Ngọc Hà)
Khu 5 hay còn gọi là làng Hữu Bổ hạ, có tên nôm là Kẻ Giỏ, một vùng đất cổ kính với bề dày lịch sử và văn hóa đặc sắc. Theo truyền thuyết, ông Đinh Công Tuấn sinh ra tại làng Hữu Bổ. Trong thời kỳ Thục An Dương Vương, ông đã lập đồn lũy phòng thủ tại quê hương để chống lại giặc Triệu, góp phần bảo vệ đất nước. Khi ông qua đời, dân làng đã lập miếu thờ để tưởng nhớ công lao của ông, sau này xây dựng thành đền Hữu Bổ hạ. Ngoài ra, đền còn thờ tứ phối đại thần và Đức Thánh Lê Minh Xuân.
![Đền Hữu Bổ hạ còn lưu giữ nhiều cổ vật, di vật có giá trị về lịch sử, mỹ thuật… (Ảnh: Ngọc Hà)](https://photo-baomoi.bmcdn.me/w700_r1/2025_02_13_56_51465356/38d571f041bea8e0f1af.jpg)
Đền Hữu Bổ hạ còn lưu giữ nhiều cổ vật, di vật có giá trị về lịch sử, mỹ thuật… (Ảnh: Ngọc Hà)
Đền Hữu Bổ hạ tọa lạc trên một khu đất rộng, bằng phẳng, thoáng đãng, cách biệt với khu dân cư bằng những mảnh vườn, rộng, ao làng. Đây là một địa thế đẹp về cảnh quan thiên nhiên và nổi tiếng là đất thiêng.
Đền quay hướng Tây Nam, được làm theo kiểu chữ Nhị, gồm 2 tòa là tiền tế và hậu cung. Qua dấu vết kiến trúc tại di tích, tư liệu chữ Hán và các cổ vật cho thấy đền Hữu Bổ hạ có thể được xây dựng vào khoảng đầu thế kỷ XVIII. Sau nhiều lần tu sửa, đền có kiến trúc như hiện nay.
![Toàn cảnh ngôi đền Hữu Bổ hạ. (Ảnh: Ngọc Hà)](https://photo-baomoi.bmcdn.me/w700_r1/2025_02_13_56_51465356/296f644a5404bd5ae415.jpg)
Toàn cảnh ngôi đền Hữu Bổ hạ. (Ảnh: Ngọc Hà)
Đền còn lưu giữ nhiều cổ vật, di vật có giá trị về lịch sử, mỹ thuật như: Ngai thờ, kiệu, đài, mâm bồng, đài quả, bát hương… Các tài liệu chữ Hán như: Ngọc phả; các đạo sắc và một số tư liệu chữ Hán hết sức quý giá ghi chép sự tích của đền, của thần, các nghi lễ thờ cúng cầu hèm, các bài văn sắc, văn cúng, các sinh hoạt diễn ra xung quanh di tích như tục lệ làng xã...
![](https://photo-baomoi.bmcdn.me/w700_r1/2025_02_13_56_51465356/844ad56fe5210c7f5530.jpg)
![](https://photo-baomoi.bmcdn.me/w700_r1/2025_02_13_56_51465356/267e735b4315aa4bf304.jpg)
![Người dân tham gia Lễ rước kiệu về đền Làng. (Ảnh: Ngọc Hà)](https://photo-baomoi.bmcdn.me/w700_r1/2025_02_13_56_51465356/4a8312a622e8cbb692f9.jpg)
Người dân tham gia Lễ rước kiệu về đền Làng. (Ảnh: Ngọc Hà)
Làng Hữu Bổ không chỉ nổi tiếng với lịch sử hào hùng mà còn là cái nôi của nhiều loại hình nghệ thuật dân gian đặc sắc. Câu lạc bộ hát Xoan và dân ca Phú Thọ của làng thường xuyên tổ chức các buổi biểu diễn và hội nghị nhằm bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa truyền thống. Hát Xoan, một di sản văn hóa phi vật thể của nhân loại, được người dân nơi đây gìn giữ và truyền lại cho các thế hệ sau.
![Phần Tế lễ diễn ra trang nghiêm. (Ảnh: Ngọc Hà)](https://photo-baomoi.bmcdn.me/w700_r1/2025_02_13_56_51465356/788122a412eafbb4a2fb.jpg)
Phần Tế lễ diễn ra trang nghiêm. (Ảnh: Ngọc Hà)
Lễ hội truyền thống đền Hữu Bổ hạ được tổ chức với nhiều hoạt động như rước kiệu, vật thờ, tế lễ. Ở phần hội có các hoạt động diễn ra trong không khí vui tươi, phấn khởi như thi đấu bóng chuyền hơi, bóng bàn, cầu lông, cờ tướng...
![](https://photo-baomoi.bmcdn.me/w700_r1/2025_02_13_56_51465356/d4fb8fdebf9056ce0f81.jpg)
![Việc tổ chức lễ hội truyền thống đền làng Hữu Bổ hạ có ý nghĩa vô cùng quan trọng, góp phần bảo tồn, phát huy các nét văn hóa đặc trưng của quê hương, giáo dục truyền thống “Uống nước nhớ nguồn”. (Ảnh: Ngọc Hà)](https://photo-baomoi.bmcdn.me/w700_r1/2025_02_13_56_51465356/b87de458d4163d486407.jpg)
Việc tổ chức lễ hội truyền thống đền làng Hữu Bổ hạ có ý nghĩa vô cùng quan trọng, góp phần bảo tồn, phát huy các nét văn hóa đặc trưng của quê hương, giáo dục truyền thống “Uống nước nhớ nguồn”. (Ảnh: Ngọc Hà)
Việc tổ chức lễ hội truyền thống đền làng Hữu Bổ hạ có ý nghĩa vô cùng quan trọng nhằm bảo tồn, phát huy các nét văn hóa đặc trưng của quê hương, giáo dục truyền thống “Uống nước nhớ nguồn; Ăn quả nhớ người trồng cây” của các thế hệ con cháu trong làng. Đồng thời tạo sự phấn khởi, thu hút đông đảo các tầng lớp nhân dân tham gia, góp phần tạo nên một không gian văn hóa vui tươi, lành mạnh.
Ông Phan Tuấn Hòa, đại diện Ban tổ chức đền làng Hữu Bổ hạ cho biết, nhị vị Đức Thánh và các tướng tài là biểu tượng, để con cháu đời đời hương khói phụng thờ, bày tỏ lòng biết ơn đối với các anh hùng dân tộc cứu dân, cứu nước. Mỗi người con dân làng Hữu Bổ dù làm gì, đi đâu, ở đâu nhưng vẫn nhớ ngày hội làng để trở về thắp nén hương tưởng nhớ đến công lao của cha ông đã tạo dựng nên giang sơn gấm vóc của dân tộc Việt Nam chúng ta như ngày hôm nay.
Hiện nay, toàn xã Phùng Nguyên có 17 di tích được xếp hạng, trong đó có 12 di tích được xếp hạng di tích lịch sử văn hóa; 6 di tích lịch sử - văn hóa cấp quốc gia; 6 di tích lịch sử văn hóa cấp tỉnh. Với giá trị tiêu biểu về lịch sử và kiến trúc, đền Hữu Bố hạ được công nhận là di tích lịch sử - văn hóa cấp quốc gia.