Phú Yên hoàn thành tháo gỡ 'điểm nghẽn' trong thực hiện Đề án 06

Một năm qua, tỉnh Phú Yên đã huy động nhiều nguồn lực triển khai thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ về tháo gỡ 'điểm nghẽn' khi thực hiện Đề án 06. Bằng nhiều nỗ lực tích cực của các sở, ngành có liên quan, đến đầu tháng 7/2024, nhiệm vụ cuối cùng trong 3 nhiệm vụ tồn tại cần tháo gỡ cũng đã hoàn thành.

Theo UBND tỉnh Phú Yên, nhận diện rõ 5 nhóm vấn đề cần tập trung giải quyết (bao gồm pháp lý; hạ tầng công nghệ thông tin; dữ liệu; an ninh an toàn bảo mật và nguồn lực), phục vụ tốt công tác cải cách hành chính, góp phần phát triển kinh tế - xã hội ở địa phương, thời gian qua, tỉnh đã tập trung chỉ đạo các sở, ngành, địa phương triển khai thực hiện nhiều biện pháp, giải pháp.

Cán bộ Công an tỉnh Phú Yên tiếp nhận hồ sơ cấp căn cước cho công dân.

Cán bộ Công an tỉnh Phú Yên tiếp nhận hồ sơ cấp căn cước cho công dân.

Đến nay Phú Yên đã công bố danh mục 1.547 dịch vụ công trực tuyến toàn trình và dịch vụ công trực tuyến một phần trên hệ thống thông tin giải quyết thủ tục hành chính của tỉnh; điều chỉnh 3 quyết định với 47 thủ tục liên quan đến việc nộp, xuất trình sổ hộ khẩu, sổ tạm trú giấy khi thực hiện thủ tục hành chính (TTHC), cung cấp dịch vụ công theo Nghị định số 104/2022/NĐ-CP của Chính phủ; HĐND tỉnh Phú Yên ban hành 5 Nghị quyết quy định mức thu và quản lý lệ phí đối với 5 lĩnh vực, trong đó có miễn giảm 50% lệ phí khi người dân giải quyết TTHC trên cổng dịch vụ công trực tuyến... Hệ thống thông tin giải quyết TTHC của tỉnh đảm bảo hạ tầng kỹ thuật đáp ứng các tiêu chí theo yêu cầu của Bộ Thông tin và Truyền thông (TT&TT) hướng dẫn kỹ thuật triển khai Đề án 06. Hệ thống này đã kết nối, sử dụng tài khoản định danh và xác thực điện tử trên cổng dịch vụ công quốc gia (DVCQG) kết nối với hệ thống cơ sở dữ liệu quốc gia (DLQG) về dân cư, đáp ứng số hóa hồ sơ, kết quả giải quyết TTHC tại bộ phận tiếp nhận và trả kết quả.

Công tác triển khai dịch vụ công trực tuyến trên nền tảng cơ sở DLQG về dân cư ở Phú Yên đã được đẩy mạnh, tạo chuyển biến rõ nét, tỷ lệ nộp hồ sơ trực tuyến của tỉnh đạt 32,2%, xếp 39/63 tỉnh, thành phố, hơn 28 triệu hồ sơ đồng bộ trên cổng dịch vụ công quốc gia, đạt 42,38%. Bộ chỉ số chỉ đạo, điều hành và đánh giá chất lượng phục vụ người dân, doanh nghiệp trong thực hiện TTHC ở Phú Yên đạt 76,5 điểm, thuộc nhóm khá và được xếp vị thứ 13/63 tỉnh, thành phố.

Bên cạnh đó, hoạt động kết nối, chia sẻ giữa cơ sở DLQG về dân cư phục vụ giải quyết các TTHC và dịch vụ công đã được hoàn thành từ giữa tháng 3/2023, góp phần giảm thiểu thời gian, chi phí của người dân và doanh nghiệp. Qua đó, đã có 29.960 lượt kết nối đến hệ thống cơ sở DLQG về dân cư, khai thác sử dụng 20 thông tin trên hệ thống phục vụ giải quyết các TTHC và dịch vụ công, nền tảng tích hợp, chia sẻ dữ liệu do tỉnh triển khai, đáp ứng yêu cầu đặt ra. Đến nay đã kết nối và vận hành hơn 18 hệ thống và cơ sở DLQG từng bước được đưa vào khai thác.

Theo Đại tá Nguyễn Thái Hoàng, Phó Giám đốc Công an tỉnh Phú Yên, trong hoạt động tạo lập những nền tảng, cơ sở quan trọng để hình thành hệ sinh thái công dân số, thúc đẩy phát triển kinh tế số, xã hội số, đến giữa tháng 6/2023, Công an tỉnh Phú Yên đã cấp 100% CCCD gắn chip cho công dân có đủ điều kiện, rút ngắn hơn 40 ngày so với chỉ tiêu, đồng thời thu nhận 536.284 tài khoản định danh mức 1,2 và kích hoạt 324.741 tài khoản.

Hiện, Công an tỉnh Phú Yên vẫn đang quyết liệt chỉ đạo các đơn vị, địa phương tiếp tục đẩy mạnh việc thu nhận, hướng dẫn người dân, kích hoạt, sử dụng ứng dụng VNeID, đồng thời phối hợp các sở, ngành, địa phương làm sạch dữ liệu, đảm bảo dữ liệu dân cư "đúng, đủ, sạch, sống". Ngoài ra, đã xác thực 801.615 thông tin nhân khẩu có trong cơ sở DLQG về bảo hiểm với cơ sở DLQG về dân cư, 99,02%; đến cuối năm 2023 đã hoàn thành số hóa dữ liệu hộ tịch trên địa bàn tỉnh, thực hiện chuyển đổi số trong chi trả an sinh xã hội không dùng tiền mặt cho đối tượng bảo trợ xã hội và người có công với cách mạng trên địa bàn tỉnh, mở tài khoản 52.656 cho đối tượng, đạt 87,22%.

Bên cạnh việc bảo đảm an ninh, an toàn hệ thống thông tin, cơ sở dữ liệu, bảo vệ dữ liệu cá nhân; trong thời gian qua tỉnh Phú Yên tập trung chỉ đạo các sở, ngành, địa phương trong tỉnh rà soát, báo cáo nhu cầu tuyển dụng công chức, viên chức, lực lượng vũ trang có trình độ công nghệ thông tin để phục vụ Đề án 06. Mặt khác đã phối hợp Cục Cảnh sát Quản lý hành chính về trật tự xã hội (Bộ Công an), Trường Đại học Bách khoa Hà Nội tập huấn nâng cao nhận thức, trình độ cho 2.079 cán bộ, công chức, viên chức theo mô hình đào tạo trực tuyến MOOC để triển khai Đề án 06.

Trao đổi với PV Báo CAND, bà Đào Phạm Hoàng Quyên, Giám đốc Sở TT&TT tỉnh Phú Yên cho biết, sơ kết 1 năm thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ về tháo gỡ "điểm nghẽn" trong triển khai thực hiện Đề án 06, tỉnh Phú Yên còn 3 nhiệm vụ chậm muộn. Với sự chỉ đạo quyết liệt của UBND tỉnh Phú Yên và những nỗ lực tích cực của các sở, ngành liên quan, sau 1 tháng đã tập trung khắc phục 3 nhiệm vụ tồn tại, trong đó nhiệm vụ cuối cùng là đã đưa vào sử dụng phiên bản 2.0 kết nối kho quản lý dữ liệu điện tử của tổ chức, cá nhân trên hệ thống thông tin giải quyết TTHC của tỉnh với kho quản lý dữ liệu điện tử của tổ chức, cá nhân trên cổng DVCQG phục vụ giải quyết TTHC, cung cấp dịch vụ công trên địa bàn tỉnh từ ngày 1/7 vừa qua.

"Dù đã hoàn thành nhưng Sở TT&TT vẫn phối hợp với Viettel Phú Yên - đơn vị cung cấp dịch vụ công trực tuyến kiểm tra, rà soát hiệu quả vận hành phiên bản 2.0 để kịp thời hỗ trợ các địa phương kết nối kho quản lý dữ liệu điện tử của tổ chức, cá nhân trên hệ thống thông tin giải quyết TTHC của tỉnh với kho quản lý dữ liệu điện tử của tổ chức, cá nhân trên cổng DVCQG phục vụ giải quyết TTHC, cung cấp dịch vụ công đảm bảo chất lượng, hiệu quả", bà Đào Phạm Hoàng Quyên cho biết thêm.

Hữu Toàn

Nguồn CAND: https://cand.com.vn/hoat-dong-ll-cand/phu-yen-hoan-thanh-thao-go-diem-nghen-trong-thuc-hien-de-an-06-i737250/