Phục dựng Văn miếu Mao Điền sống động như xưa
Trải qua bao năm tháng thăng trầm của lịch sử song Văn miếu Mao Điền (Cẩm Giàng, Hải Dương) vẫn luôn là biểu tượng tôn vinh đạo học, trọng hiền tài của người xứ Đông.

"Chiếu trà sĩ tử" thu hút học sinh đến trải nghiệm để hiểu thêm về không gian học tập, sinh hoạt của sĩ tử xưa kia
Không gian trường thi Hương xưa
Hơn 20 năm gắn bó với Văn miếu Mao Điền và là người phụ trách đội tế thánh, lễ chữ, nhưng chưa bao giờ ông Lê Văn Thanh ở thôn Mậu Tài, xã Cẩm Phúc chứng kiến lễ hội được nâng tầm, phục dựng lại nhiều hoạt động truyền thống như năm nay. Lượng du khách và học sinh ở các nơi về trảy hội đông hơn nhiều những năm trước. Vì lẽ đó, bài tế thánh của ông càng trở nên nổi tiếng, lan tỏa.
Ông Thanh kể, gốc gác trường thi Hương bắt đầu từ một giai thoại. Năm ấy, khoa thi Hương có tới 2.000 sĩ tử tham gia và chỉ lấy 6 người đỗ nhưng có 3 người làng Mộ Trạch với 2 người họ Vũ. Do nghi ngờ có gian lận, triều đình đã cử một đội điều tra đuổi theo đoàn vinh quy bái tổ, đuổi kịp ở đâu sẽ tổ chức thi lại để kiểm tra kết quả ở đó. Lần thi lại đó tại đất Mao Điền đã minh chứng rõ sức học vượt trội của đất học xứ Đông, của làng tiến sĩ Mộ Trạch. Cũng từ đó, Mao Điền chính thức được chọn lập trường thi Hương cho đất xứ Đông.
Năm nay, bên cạnh những hoạt động truyền thống như tế thánh, dâng chữ, dâng hương tưởng niệm thì điểm nhấn của lễ hội chính là phục dựng lại kỳ thi Hương. Màn rước quan Trạng "vinh quy bái tổ" và không gian "Làng sĩ tử" xưa là những nét mới thu hút đông đảo du khách và học sinh tham quan trải nghiệm.

Việc phục dựng nhiều hoạt động của Văn miếu Mao Điền xưa tạo sức hấp dẫn cho du khách
Lễ hội Văn miếu Mao Điền năm 2025 đã phục dựng tương đối đầy đủ về tầm vóc của Văn miếu Mao Điền xưa. Lễ hội không chỉ mang tính nghi thức mà còn mang đến những trải nghiệm thực tế giúp thế hệ trẻ hiểu hơn về di sản.
"Chiếu trà sĩ tử" là nơi kết hợp văn hóa trà Việt với những câu chuyện về đạo học. Trưng bày và trải nghiệm in tranh mộc bản giúp công chúng tiếp cận với tư liệu giáo dục cổ, đều là những sáng kiến quan trọng để đưa di sản trở thành một phần trong đời sống hiện đại.
Không gian "Làng sĩ tử" là nơi tái hiện không gian thi cử phong kiến. Khi bước vào "Làng sĩ tử", du khách sẽ được hóa thân thành các sĩ tử thực thụ để tham gia các hoạt động thi cử truyền thống như viết chữ Nho trên giấy dó; thi đối đáp văn chương; thưởng thức bữa cơm thanh đạm, tượng trưng cho cuộc sống kham khổ nhưng đầy quyết tâm của các sĩ tử khi đi thi...
Chị Nguyễn Thị Hải Yến, thành viên Câu lạc bộ Di sản và Văn hóa Á Đông (Hà Nội) chia sẻ: "Câu lạc bộ góp mặt ở hầu hết các lễ hội truyền thống. Tuy nhiên, tại Văn miếu Mao Điền, chúng tôi mới cảm nhận hết được không gian của một trường thi Hương xưa. Đây là mô hình kết hợp giữa bảo tồn di sản, giáo dục và trải nghiệm thực tế, giúp khách tham quan không chỉ quan sát mà còn thực sự hòa mình vào lịch sử".
Kết hợp giáo dục truyền thống và du lịch trải nghiệm

Tổ chức các hoạt động giáo dục kết hợp với du lịch trải nghiệm là hướng đi mới để Văn miếu Mao Điền gìn giữ, phát huy giá trị. Trong ảnh: Các học sinh thi "Trạng nguyên nhỏ tuổi" tại Văn miếu Mao Điền
Văn miếu Mao Điền là nơi tổ chức các kỳ thi Hương. Các sĩ tử từ khắp nơi tụ hội để tranh tài. Chính vì vậy, di sản này không chỉ là một biểu tượng giáo dục mà còn phản ánh khát vọng của hàng vạn sĩ tử Việt Nam qua các triều đại.
Lễ hội Văn miếu Mao Điền năm 2025 là sự kết hợp giữa tái hiện lịch sử, giáo dục và trải nghiệm thực tế. Thay vì chỉ là một điểm tham quan, nơi đây đã trở thành một không gian học tập thực tế cho học sinh, sinh viên.
Theo Ban Quản lý di tích huyện Cẩm Giàng, đây là lần đầu tiên lễ hội được phục dựng một cách quy mô và bài bản. Việc tạo không gian trải nghiệm của những sĩ tử xưa kia đã tạo thêm chiều sâu cho trải nghiệm của du khách. Chỉ tính riêng trong 3 ngày lễ hội từ 15-17/3, Văn miếu Mao Điền đã đón hơn 150.000 lượt khách, tăng 40% so với cùng kỳ năm trước. Đa số du khách đánh giá cao các hoạt động trải nghiệm mới tại Văn miếu Mao Điền.
"Giữ gìn di sản không chỉ là bảo tồn những viên gạch cũ, mà còn làm sống lại tinh thần của cha ông trong thời đại mới. Chúng tôi mong muốn nơi đây tiếp tục là không gian giáo dục sống động, nơi thế hệ trẻ có thể tiếp cận và cảm nhận giá trị của truyền thống hiếu học", bà Lê Thị Thoa, Phó Trưởng Ban Quản lý di tích huyện Cẩm Giàng chia sẻ.
Theo sử sách ghi lại, Văn miếu Mao Điền được khởi dựng vào thời Lê sơ (thế kỷ XV) tại xã Vĩnh lại, huyện Đường An (nay là huyện Bình Giang, Hải Dương). Đến thời Tây Sơn, văn miếu được chuyển về Mao Điền, hợp nhất với trường thi Hương trấn Hải Dương. Nơi đây thường tổ chức các kỳ thi Hương để tuyển chọn nhân tài ở trấn Hải Dương và vùng phía đông thành Thăng Long.
Nguồn Hải Dương: https://baohaiduong.vn/phuc-dung-van-mieu-mao-dien-song-dong-nhu-xua-408272.html