Phúc Heramo - người giặt giày số 1 Việt Nam

Lâu rồi, sau khi Người Đô Thị đăng bài Người chà toa-lét số 1 Việt Nam, có người nhắn: 'Để giới thiệu thêm người giặt giày số 1 Việt Nam'. Hơn hai năm sau, khi dự sinh nhật lần thứ sáu của Heramo - chuỗi giặt ủi 4.0 với hơn 200 nhân viên và gần 20 cửa hàng, tôi phải công nhận Lê Phước Phúc - CEO và là đồng sáng lập Heramo - xứng đáng với tên gọi này.

Chịu khó như người Quảng Trị

Ấn tượng đầu tiên khi gặp Phúc, chàng trai sinh năm 1985, tuổi con trâu, người nhà quê Quảng Trị, là… rất nhiều màu vàng. Tóc của Phúc màu vàng, áo cũng vàng theo logo công ty và anh chàng còn đeo bông tai cũng màu vàng nốt. Phúc vừa đi khảo sát thị trường Manila - Philippines về, với mong muốn sẽ mở một cửa hàng nhượng quyền của Heramo ở xứ người. Anh chàng hào hứng, nên nói rất nhanh, và bắn tiếng Anh ầm ầm.

Tôi hỏi: “Phúc học Bách khoa Sài Gòn xong đi du học ở đâu nữa mà nói tiếng Anh tốt ghê”. Phúc lắc lư người, có vẻ đụng vô một đề tài hơi… nhạy cảm. Nhà nghèo miền Trung, mẹ làm y sĩ, ba đi chiếu phim phục vụ vùng sâu vùng xa, nên cái gì cũng thiếu. Chỉ không thiếu hai thứ: tiếng Anh và sách. Nên khi vào đại học, trong nhóm các sinh viên học khoa học máy tính, thì tiếng Anh của Phúc có vẻ xịn. Nhưng tai hại là học nhà quê, có khi mấy tuần mới được nghe băng cassette một lần, nên phát âm rất tệ. Có lần đi làm thêm, khi phát âm chữ create (sáng tạo - đọc là crì-ết) thì Phúc hồn nhiên đọc là “crít”. Đồng nghiệp cười ngất, Phúc về, thức trắng một tuần, rồi thêm một tuần nữa, luyện nói trước gương, tập phát âm theo từ điển Lạc Việt để đến khi thuyết trình, mọi người ngã ngửa về khả năng phát âm của Phúc.

Tiếng Anh hơi ổn, cộng với nền tảng vững chắc khi học khoa học máy tính, chứ không phải học lập trình hay phần mềm như các trường khác, Phúc thích ứng rất nhanh với các trào lưu công nghệ mới và tiếp cận nhiều cơ hội đi làm việc ở các nơi khác nhau trên thế giới. Và ở đâu, cái sự “chịu thương chịu khó” của cậu học trò chuyên toán miền Trung cũng giúp Phúc mở dần ra những cánh cửa mới. Phúc nghĩ mình là siêu nhân.

Lê Phước Phúc chia sẻ về mô hình nhượng quyền của Heramo. Năm 2021, vượt qua hơn 2.000 dự án, Heramo vào top 3 Start-up Wheel, cuộc thi khởi nghiệp hàng đầu Việt Nam.

Lê Phước Phúc chia sẻ về mô hình nhượng quyền của Heramo. Năm 2021, vượt qua hơn 2.000 dự án, Heramo vào top 3 Start-up Wheel, cuộc thi khởi nghiệp hàng đầu Việt Nam.

Siêu nhân… bể mặt

Siêu nhân thì phải khởi nghiệp để thay đổi thế giới. Mười năm trước, Phúc xắn tay áo, hăm hở khởi nghiệp. Vốn liếng để dành, gọi được một ít đầu tư mạo hiểm, anh chàng sang Singapore mở công ty. Lúc đó, ý tưởng sử dụng trí tuệ nhân tạo trong kinh doanh thời trang online quả là mới mẻ và hấp dẫn. Người dùng mở ứng dụng ra, thích thì quẹt phải, không hợp thì quẹt trái, thế là các thuật toán của Phúc biết người ta thích gì để đưa ra các gợi ý. Bây giờ nghe vẫn còn… ngầu!

Nhưng đời không như là mơ. Cuộc cạnh tranh khốc liệt và hành vi người tiêu dùng không phải là môi trường dễ chịu với một ông kỹ sư bước chân ra giang hồ. “Bể mặt”, đó là từ Phúc dùng để nói về thất bại của lần khởi nghiệp này. Anh đóng cửa, và tự suy ngẫm xem bài học lớn nhất cuộc đời làm ăn của mình là gì. Một danh sách dài: thứ mình làm không phải là thứ quá bức thiết đối với nhu cầu khách hàng; thứ mình làm không phải là điều nằm trong máu của mình vì mình có phải là dân thời trang đâu; thứ mình làm không có khách hàng trả tiền từ ngày đầu tiên vì ai cũng có những lựa chọn khác hơn…

Phúc lụi cụi đi làm thuê trở lại ở Singapore. Và chàng trai học chuyên toán thuở nào quyết định quay về tham gia đội ngũ Chợ Tốt, một ứng dụng đang có nhiều đất dụng võ cho Phúc tại Việt Nam.

Trên ứng dụng Heramo có đa dạng lựa chọn giặt ủi, vệ sinh.

Trên ứng dụng Heramo có đa dạng lựa chọn giặt ủi, vệ sinh.

Đừng dành 6 năm cuộc đời để giặt giũ…

Một buổi chiều, như nhiều buổi chiều cuối tuần khác, Phúc và vợ là Phương - lúc đó đang làm quản lý ở một khách sạn 5 sao, chở nhau đi uống bia. Hai người nhìn thấy một bà mẹ vừa chở con trên xe máy, vừa vật lộn với một cái mền to đùng mới lấy từ tiệm giặt ủi ra. Và cuộc uống bia cuối tuần của vợ chồng Phúc xoay quanh câu chuyện này: nếu mình có thể dùng công nghệ để xử lý vấn đề của người phụ nữ này, và một triệu phụ nữ khác phải vật lộn với việc giặt giũ những món đồ phức tạp bên ngoài như vậy, thì có đáng để hai vợ chồng đầu tư mười năm cuộc đời mình vào không?

Phúc đi cũng nhiều, làm việc cũng nhiều, đau thương cũng nhiều, đủ để hiểu một việc: kỹ sư khoa học máy tính người Việt mình rất xịn, nhưng luôn đụng các điểm nghẽn để có thể leo lên một nấc thang mới trong sự nghiệp..."

Họ không có câu trả lời ngay lập tức. Họ chia nhau ra đi làm khảo sát thị trường. Đi hỏi ý kiến bạn bè, người quen và người không quen. Đi sử dụng tất cả các dịch vụ giặt ủi khác ở khắp nơi trong thành phố. “Ít nhất thì Phúc là một kỹ sư và được học là phải ra quyết định bằng dữ liệu, còn Phương thì học thạc sĩ về khách sạn nên chỉ bị thuyết phục bởi dịch vụ cộng thêm cho khách hàng”, Phúc nhớ lại.

“Người ta thống kê rằng, trung bình một người sẽ phải dành ra tổng cộng 6 năm trong cuộc đời để làm việc nhà, bao gồm lau chùi, giặt giũ… Vậy nếu mình giúp khách hàng tiết kiệm khoảng thời gian quý báu này thì có đủ ý nghĩa để dấn thân chưa?” - câu hỏi này, sau 6 năm vẫn còn nguyên vẹn trong phần chia sẻ của Phúc hôm sinh nhật Công ty.

Quyết định, có lẽ là quan trọng nhất, là Phương nghỉ việc và mở một tiệm giặt ủi để học nghề, cũng để thử nghiệm một triết lý quan trọng của khởi nghiệp: “Sức mạnh công nghệ chỉ thực sự mạnh khi nó tự động hóa, làm tốt hơn, nhanh hơn và rộng hơn một công việc đã thực sự có giá trị trong đời sống”. Và tiệm giặt ủi này, trở thành “nhà cái” của Heramo - Công ty công nghệ giặt ủi ra đời với tên gọi dựa theo vị thần nhà cửa Hera trong thần thoại Hy Lạp.

Và 1.001 khổ nạn khởi nghiệp

Phúc vẫn là kỹ sư thiết kế sản phẩm. Và Phúc chọn nhiệm vụ cho mình là mỗi tuần sẽ để Heramo giải quyết được một “nỗi đau nho nhỏ” nào đó của khách hàng. Mỗi ngày, anh xách xe máy đi nhận các món đồ khách cần giặt hoặc đi giao hàng. Mỗi ngày lại bị… chửi một cách khác nhau. “Tới giao đồ, gọi điện cho khách đang ở lầu 6 chung cư, khách bảo xuống ngay và cúp máy. Khách xuống thì phát hiện là không có biên nhận. Trời ơi sao không nhắc. Dạ đâu có kịp nhắc thì chị cúp máy rồi…”, Phúc kể. Vậy là biên nhận điện tử ra đời.

Heramo tiên phong ứng dụng công nghệ barcode trên từng đôi giày, giúp khách hàng nhận diện chính xác giày của mình.

Heramo tiên phong ứng dụng công nghệ barcode trên từng đôi giày, giúp khách hàng nhận diện chính xác giày của mình.

Biên nhận điện tử thì tiện, rất tiện là khác, vì Heramo là công ty giặt ủi đầu tiên có vị trí chăm sóc trải nghiệm khách hàng. Vậy nên lần đó, khách giặt ba đôi giày siêu đắt tiền, đắt tới gần một trăm triệu đồng lận. Khách cần giao gấp ra sân bay đúng thời điểm Công ty không có người giao hàng. Khách hàng trên hết mà, nên thấy có biên nhận điện tử thì cứ nhờ dịch vụ công cộng giao hàng ra thôi. Giao xong thì mới biết… đã bị lừa. Khách hàng đến thẳng văn phòng, ngồi vây quanh Phúc. Và hơn một trăm triệu tiền dành dụm trôi đi… Nhờ vậy, những đơn hàng lớn sau này có thêm tiết mục OTP báo mã giao nhận vào điện thoại để đảm bảo “chính chủ”.

Hơn một nửa đơn hàng trong số 200.000 đơn hàng của Heramo là giặt giày, đặc biệt là giày siêu xịn. Và bí quyết của Heramo là không tự làm những thứ mình không rành, mà đóng vai trò kết nối ở giữa, mang giày đến những người thợ lành nghề nhất. Và chỉ có công nghệ mới đảm bảo từng khâu đều được quản trị theo dõi cẩn thận, đỡ được các gánh nặng của bộ máy khó nhọc truyền thống.

Nhưng nó lại xuất hiện một “nỗi đau” khác: những món đồ cần đi giặt là đồ mắc tiền, nên khách chọn trực tiếp theo tới một cửa hàng hữu hình cho yên tâm chứ không phải ai cũng dám giao cho “một cái app”. Vậy là vật vã thêm một năm tìm kiếm mô hình nhượng quyền, đi học từ Nam tới Bắc, từ mô hình Tây Ban Nha tới Campuchia, để cuối cùng mở bán được gói nhượng quyền thương hiệu đầu tiên của mình, khởi động cho giấc mơ “80 cửa hàng giặt ủi Heramo tiết kiệm thời gian cho khách trước năm 2025”.

Chọn làm người truyền lửa

Phúc ngồi đó, trong quán bia quen thuộc của vợ chồng anh. Và nói về một giấc mơ khác của mình: “Phúc đi cũng nhiều, làm việc cũng nhiều, đau thương cũng nhiều, đủ để hiểu một việc: kỹ sư khoa học máy tính người Việt mình rất xịn, nhưng luôn đụng các điểm nghẽn để có thể leo lên một nấc thang mới trong sự nghiệp. Và Phúc muốn đem mình ra, trình làng hết những vết sẹo cuộc đời, để các bạn thấy mà không vấp phải những vết xe đổ của mình”.
Tôi bèn sửa lại tên của Phúc trong danh bạ điện thoại của mình, không phải là người giặt giày số 1 Việt Nam nữa, mà là “Chàng kỹ sư lãng mạn dưới mặt đất”.

Bài: Bung Trần - Ảnh: TLNV

Nguồn Người Đô Thị: https://nguoidothi.net.vn/phuc-heramo-nguoi-giat-giay-so-1-viet-nam-41218.html