Phúc Sơn lập lại kỷ cương quản lý đất đai, trật tự xây dựng
Ngày 11-7, xã Phúc Sơn (Hà Nội) ra quân xử lý công trình vi phạm đất đai, trật tự xây dựng với quan điểm không có ngoại lệ, vùng cấm, tạo nền tảng ổn định an ninh chính trị ngay từ đầu nhiệm kỳ chính quyền địa phương hai cấp.
Từ buông lỏng đến kỳ vọng kỷ cương

Phó Chủ tịch UBND xã Phúc Sơn Nguyễn Đình Nguyên tuyên truyền, vận động người dân thôn Trù tự giác tháo dỡ công trình, di chuyển vật liệu xây dựng ra khỏi diện tích sản xuất nông nghiệp. Ảnh: Kim Nhuệ
Đến xã Phúc Sơn trong những ngày đầu thành lập, phóng viên Báo Hànôịmới cảm nhận sự chuyển biến tích cực của địa phương từ cảnh quan nông thôn đến thái độ, tinh thần trách nhiệm của đội ngũ cán bộ, công chức trong tiếp dân, giải quyết thủ tục hành chính.
Chia sẻ với phóng viên, nhiều cán bộ, đảng viên, người dân địa phương bày tỏ kỳ vọng: Tên xã mới, quy mô lớn hơn, tiềm năng phát triển nhiều hơn, càng cần một bộ máy kỷ cương, tư duy đổi mới, hành động quyết liệt, trước hết là từ công tác quản lý đất đai, trật tự xây dựng. Không thể để những biểu hiện buông lỏng, dễ dãi trong quá khứ tiếp tục tồn tại, dẫn đến nguy cơ hình thành điểm nóng, thậm chí “bỏng rát” như từng xảy ra tại xã Đồng Tâm trước đây - một trong năm xã cũ được sáp nhập thành xã Phúc Sơn hôm nay.

Sáng 11-7, cán bộ xã Phúc Sơn tiếp tục tuyên truyền, vận động các hộ dân khu vực Tuy Lai tự giác tháo dỡ công trình, di chuyển đất ra khỏi diện tích sản xuất nông nghiệp. Ảnh: Kim Nhuệ
Quan sát thực tế tại các thôn: Trù, Thượng, Trê…, phóng viên Báo Hànôịmới nhận thấy ý kiến của người dân, đảng viên là có cơ sở. Nhiều diện tích đất sản xuất nông nghiệp, hành lang giao thông, thủy lợi bị đổ đất, tôn cao nền, dựng khung sắt, xây tường, lợp mái…
Chia sẻ với phóng viên Báo Hànôịmới, bà Bùi Thị Thắm ở thôn Trù cho biết: “Trước khi xây, tôi có xin cán bộ xã cũ cho phép dựng nhà tạm để bán hàng, nhưng không được đồng ý. Tranh thủ lúc sắp xếp bộ máy, tôi liều dựng để kinh doanh. Nay, thấy xã làm quyết liệt, tôi đã chấp hành tháo dỡ”.
Trò chuyện với phóng viên Báo Hànôịmới, ông Nguyễn Văn Bảy, người dân địa phương cho rằng: “Nhận sai, nhiều hộ dân đã tự giác tháo dỡ công trình vi phạm sau khi được địa phương tuyên truyền vận động, đối thoại. Nhưng những trường hợp còn lại thì sao? Trách nhiệm của cán bộ đến đâu? Câu hỏi này không thể không được trả lời, nếu xã Phúc Sơn muốn lập lại kỷ cương một cách thực chất”.
Nói không với vi phạm - Từ chỉ đạo đến hành động

Gia đình bà Bạch Thị Thơm ở thôn Trê (xã Phúc Sơn) tự giác tháo dỡ công trình, di chuyển vật liệu xây dựng ra khỏi diện tích đất vi phạm. Ảnh: Kim Nhuệ
Từ những băn khoăn, trăn trở của người dân về tình trạng buông lỏng quản lý đất đai, trật tự xây dựng trong giai đoạn chuyển giao, xã Phúc Sơn đã sớm xác định, đây là một trong những nhiệm vụ đột phá cần tập trung chỉ đạo ngay từ đầu nhiệm kỳ.
Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch HĐND xã Phúc Sơn Phan Văn Sự nhấn mạnh: “Sự việc ở xã Đồng Tâm trước đây để lại cho địa phương nhiều bài học thấm thía. Rút kinh nghiệm từ thực tiễn đó, Đảng ủy xã xác định, cần lập lại kỷ cương trong công tác quản lý đất đai, trật tự xây dựng để ổn định an ninh chính trị và củng cố niềm tin của nhân dân. Quan điểm của Đảng ủy xã là xử lý dứt điểm, không có trường hợp ngoại lệ, không có vùng cấm. Vi phạm ở đâu, sai đến đâu, sẽ xử lý đến đó - kể cả với cán bộ buông lỏng, thiếu trách nhiệm”.
Chủ tịch UBND xã Phúc Sơn Trần Xuân Hải cho biết, UBND xã đã thành lập Ban Chỉ đạo, xây dựng kế hoạch xử lý, tháo dỡ các công trình vi phạm về đất đai, trật tự xây dựng, hành lang giao thông, thủy lợi trên địa bàn, với nhiều phương án cụ thể, phù hợp từng khu vực. Lực lượng công an, dân quân, cán bộ chuyên môn được huy động đồng bộ để tổ chức thực hiện nghiêm túc, dứt điểm từng trường hợp - bảo đảm “làm đến đâu, gọn đến đó”.

Xã Phúc Sơn khẳng định xử lý dứt điểm những trường hợp đổ đất, xây dựng công trình trên đất nông nghiệp, hành lang giao thông, thủy lợi. Ảnh: Kim Nhuệ
Triển khai kế hoạch, bắt đầu từ sáng 11-7, xã Phúc Sơn ra quân tháo dỡ các công trình vi phạm trật tự xây dựng, tự ý chuyển mục đích sử dụng trên đất nông nghiệp, đất công, đất công ích, hành lang giao thông, thủy lợi, bắt đầu từ các trục đường đi qua khu vực Tuy Lai - Thượng Lâm - Đồng Tâm - Mỹ Xuyên. Việc ra quân diễn ra đúng phương án, kế hoạch đề ra, có sự tham gia của các lực lượng liên ngành và giám sát chặt chẽ của chính quyền, đoàn thể địa phương. Đáng ghi nhận là nhiều hộ dân thuộc các thôn: Trù, Thượng, Trê… đã hợp tác với chính quyền địa phương hoặc tự giác tháo dỡ công trình vi phạm.
Lập lại kỷ cương trong quản lý đất đai, trật tự xây dựng không chỉ là biện pháp hành chính, mà còn là thước đo bản lĩnh chính trị, tinh thần trách nhiệm của chính quyền mới. Xã Phúc Sơn đang hành động để khẳng định: Nói không với vi phạm, không có vùng cấm, không còn chỗ cho sự dễ dãi, buông lỏng.