Phúc Tân khởi sắc
Nhờ khai thác hiệu quả tiềm năng, lợi thế của địa phương, những năm gần đây, diện mạo xã Phúc Tân (TP. Phổ Yên) có nhiều khởi sắc, chất lượng cuộc sống của người dân được cải thiện đáng kể.
Trở lại xã Phúc Tân những ngày cuối tháng 10, chúng tôi không khỏi ngỡ ngàng trước sự thay đổi của vùng đất này. Nhiều tuyến đường giao thông nhỏ hẹp, xuống cấp đã được mở rộng giúp việc đi lại, giao thương của nhân dân thuận lợi lợi hơn. Những khu đất trống, đồi trọc xưa kia đã được phủ xanh bởi những đồi chè, rừng keo bạt ngàn.
Đồng chí Ngô Văn Dưỡng, Bí thư Đảng ủy xã Phúc Tân, thông tin: Xã có diện tích trên 34km2, 958 hộ dân với trên 3.600 nhân khẩu. So với mặt bằng chung của TP. Phổ Yên, Phúc Tân là địa phương còn nhiều khó khăn, bởi nằm cách xa trung tâm thành phố, dân cư thưa thớt; thu nhập của người dân chủ yếu dựa vào nông - lâm nghiệp, hạ tầng giao thông còn nhiều hạn chế. Tuy nhiên, nhờ thực hiện Chương trình xây dựng nông thôn mới, nhận thức của bà con được nâng lên, kinh tế - xã hội đã có những thay đổi.
Xác định lợi thế lớn nhất là đất lâm nghiệp, xã khuyến khích, vận động nhân dân tập trung phát triển kinh tế rừng và trồng chè. Xã cũng triển khai nhiều giải pháp hỗ trợ nông dân thoát nghèo bền vững như: Phối hợp đào tạo nghề gắn với giới thiệu việc làm, tạo điều kiện để người dân tiếp cận các nguồn vốn vay ưu đãi phát triển kinh tế gia đình…
Do nằm giáp với dãy núi Tam Đảo, cùng nguồn nước từ hồ Núi Cốc, nên Phúc Tân có nhiều điều kiện thuận lợi để phát triển cây chè. Toàn xã hiện có trên 200ha chè kinh doanh, trong đó 70% diện tích là chè lai LDP1, TRI777, Long Vân…, năng suất chè búp tươi bình quân đạt 120 tạ/ha.
Để cây chè mang lại hiệu quả, bà con chủ động áp dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất, chế biến nhằm nâng cao năng suất, giảm thiểu sức lao động. Đặc biệt, sản xuất chè theo tiêu chuẩn VietGAP, an toàn, hữu cơ đã và đang được xã nhân rộng, mang lại hiệu quả kinh tế. Đến nay, xã có 1 tổ hợp tác sản xuất chè VietGAP xóm 4 và xóm 6 với quy mô 5ha…
Bà Phạm Thị Hồng Sinh ở xóm 1 cho biết: Sản xuất chè theo hướng an toàn đòi hỏi người trồng tuân thủ những điều kiện khắt khe ở công đoạn chăm sóc cũng như thu hái, song năng suất và chất lượng được nâng lên rõ rệt, lợi nhuận cao hơn 20%-30%. Cụ thể, nếu trước đây mỗi kg chè tươi người dân chỉ bán được với giá 20.000-25.000 nghìn đồng, thì chè an toàn bán được 40.000-45.000 đồng/kg, thậm chí 60.000-70.000 đồng/kg nếu chè chất lượng tốt.
Cùng với cây chè, trồng rừng cũng là lợi thế được xã Phúc Tân tập trung phát triển. Theo đó, rừng được trồng chủ yếu ở các xóm 7,8,9 với diện tích khoảng 1.300ha; diện tích rừng trồng mới hằng năm đạt 25-30ha.
Anh Trần Văn Cương ở xóm 7 cho hay: Trước đây, đường sá khó khăn nên việc khai thác, tiêu thụ gỗ của bà con không thuận lợi. Đến nay, hệ thống giao thông được đầu tư mở rộng nên việc phát triển rừng sản xuất đã mang lại hiệu quả kinh tế. Sau 1 chu kỳ 6-7 năm trồng, 1ha rừng có thể cho thu nhập 80-90 triệu đồng.
Không chỉ tập trung phát triển kinh tế, thời gian qua, xã Phúc Tân cũng đã khai thác hiệu quả các nguồn lực để đầu tư hạ tầng giao thông, thủy lợi, y tế, giáo dục, văn hóa, điện, điện chiếu sáng, viễn thông.
Nhờ đó, đến nay 100% đường trục xã, đường trục xóm được nhựa hóa, bê tông hóa; 3 trường học đạt chuẩn quốc gia; các chương trình xóa đói, giảm nghèo, đảm bảo an sinh xã hội được chú trọng triển khai; tình hình an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội trên địa bàn được đảm bảo...
Với những định hướng đúng đắn, giải pháp phù hợp, hiệu quả của Đảng bộ, chính quyền cùng sự nỗ lực, đồng thuận của nhân dân, từ một vùng quê nghèo khó, Phúc Tân nay đã “khoác áo mới” với nhiều màu sắc. Hiện, thu nhập bình quân đầu người trên địa bàn xã đạt gần 50 triệu đồng/năm (tăng gần 5 triệu đồng so với năm 2021); số hộ nghèo còn 5%; đời sống văn hóa, tinh thần của nhân dân được cải thiện rõ rệt...
Đồng chí Bí thư Đảng ủy xã Phúc Tân Ngô Văn Dưỡng cho biết thêm: Những năm tới, xã có nhiều hơn cơ hội để phát triển kinh tế - xã hội khi các tuyến đường giao thông trong khu vực đang tiếp tục được kết nối và mở rộng. Xã sẽ tập trung huy động mọi nguồn lực để đầu tư cơ sở hạ tầng, nâng cao chất lượng các tiêu chí nông thôn mới.
Nguồn Thái Nguyên: https://baothainguyen.vn/kinh-te/202311/phuc-tan-khoi-sac-47a0f8b/