Phức tạp pháp lý trong vụ xe Ferrari bị tai nạn

Trong vụ siêu xe Ferrari 488 bị tai nạn ở Long Biên, liệu có cách nào để xóa bỏ sự nhập nhằng giữa các bên phải chịu trách nhiệm?

Nhiều giả thuyết về việc ai sẽ là người phải chịu trách nhiệm đền bù cho chủ xe Ferrari 488 được đưa ra. Dựa vào những thông tin đã nêu và căn cứ vào bộ luật Dân sự 2015 về bồi thường thiệt hại, luật sư Lê Phước Trung, Đoàn Luật sư TP.HCM, đưa ra 3 giả thuyết như sau.

Bên nào chịu trách nhiệm đền bù cho chủ xe Ferrari

Thứ nhất, trong trường hợp Volvo Hà Nội nhận sửa chữa Ferrari 488, thì trách nhiệm bồi thường thuộc về Volvo Hà Nội. Nghĩa là, nếu Volvo Hà Nội nhận sửa chữa chiếc xe, dù kỹ sư sửa chữa có lỗi hay không, trước tiên Volvo Hà Nội phải bồi thường cho chủ xe. Sau đó, Volvo Hà Nội có quyền yêu cầu kỹ sư hoàn trả lại tiền bồi thường.

Thứ hai, trường hợp kỹ sư của Volvo Hà Nội nhận sửa chữa xe thông qua sự giới thiệu và đề nghị của Ferrari Việt Nam, cần xem xét khi tiến hành công việc, đôi bên có thỏa thuận, giao kèo bằng lời nói (đã ghi âm) hoặc bằng văn bản đã có xác nhận của các bên về việc giải quyết vấn đề khi phát sinh tranh chấp, thiệt hại hay không. Đây sẽ là căn cứ để xác định trách nhiệm bồi thường của các bên.

Trường hợp đôi bên không có thỏa thuận, khi thiệt hại xảy ra, Ferrari Việt Nam là đơn vị phải chịu trách nhiệm. Họ là đơn vị có chuyên môn, nếu thuê người, họ có trách nhiệm phải đảm bảo người được thuê có đầy đủ năng lực và khả năng để sửa chữa, đảm bảo an toàn cho chiếc xe.

Ngoài ra, nếu người gây thiệt hại là người của pháp nhân và thiệt hại xảy ra khi người đó đang thực hiện nhiệm vụ pháp nhân giao cho, pháp nhân có trách nhiệm bồi thường cho người bị thiệt hại. Sau đó, họ có quyền yêu cầu người gây thiệt hại phải hoàn trả một khoản tiền theo quy định của pháp luật.

Thứ ba, trong trường hợp kỹ sư tự nhận sửa chữa bên ngoài, thỏa thuận riêng với chủ xe mà không phải thông qua Ferrari Việt Nam, cũng không báo cáo với Volvo Hà Nội, nghĩa là Volvo Hà Nội và Ferrari Việt Nam không liên quan gì đến giao dịch giữa 2 bên, thì trách nhiệm bồi thường thuộc về kỹ sư sửa chữa.

 Chiếc Ferrari 488 hư hỏng sau khi lao lên vỉa hè ở Long Biên, Hà Nội.

Chiếc Ferrari 488 hư hỏng sau khi lao lên vỉa hè ở Long Biên, Hà Nội.

Theo luật sư Hà Thị Khuyên (Đoàn luật sư Hà Nội), Điều 597 và Điều 600 Bộ luật Dân sự 2015 quy định pháp nhân phải bồi thường thiệt hại do người của mình gây ra trong khi thực hiện nhiệm vụ được pháp nhân giao. Như vậy, nếu có căn cứ xác định nhân viên Volvo Hà Nội đang thực hiện nhiệm vụ bảo trì, bảo dưỡng xe theo chỉ đạo của công ty này, hoặc theo công việc công ty phân công thì trách nhiệm bồi thường thiệt hại cho chủ xe Ferrari thuộc về công ty (pháp nhân) đó.

Còn luật sư Hoàng Tùng (Đoàn luật sư Hà Nội) phân tích nếu vụ việc xảy ra sau khi Ferrari Việt Nam giao cho anh T. sửa xe, tức là kỹ sư đã thực hiện công việc sửa xe được pháp nhân là Ferrari giao. Do đó, trách nhiệm bồi thường thuộc về Ferrari Việt Nam. Sau đó, Ferrari Việt Nam có quyền yêu cầu kỹ sư T. hoàn trả lại số tiền mà pháp nhân đã bồi thường.

Tuy nhiên, luật sư cho rằng anh T. đã ủy quyền cho nhân viên khác chạy thử xe dẫn đến xảy ra tai nạn. Vì vậy, cả anh T. và nhân viên chạy thử xe cùng Ferrari Việt Nam phải liên đới chịu trách nhiệm bồi thường. Trong đó, trách nhiệm bồi thường chính là của nhân viên chạy thử xe, sau đó đến anh T. và cuối cùng là Ferrari Việt Nam.

Tuy nhiên, muốn đi đến kết luận cuối cùng, chúng ta cần có căn cứ cụ thể để xác định rõ vai trò của các bên liên quan, từ đây mới có thể trả lời chắc chắn cho câu hỏi trách nhiệm bồi thường thuộc về bên nào.

Cần làm gì khi giao xe cho garage?

Vấn đề thợ làm hư, chủ phải chịu là điều hiển nhiên. Sự nhập nhằng và khó giải quyết trong trường hợp này có lẽ đến từ việc cả chủ xe và bên sửa chữa không có những thỏa thuận rõ ràng từ ban đầu. Đó chính là lý do mà Hợp đồng sửa chữa ôtô nên được soạn thảo khi chủ Ferrari 488 giao xe cho garage bảo dưỡng hay sửa chữa.

Bản chất của Hợp đồng sửa chữa là thể hiện thỏa thuận giữa các bên mang tính chất định hướng hành vi của các bên trong quá trình thực hiện sửa chữa thiết bị, vật tư, nhà ở... Mẫu hợp đồng này được xây dựng dựa trên Bộ luật Dân sự 2015, luật Thương mại 2005 và luật Doanh nghiệp 2020. Mục đích của hợp đồng là để đảm bảo lợi ích hợp pháp của các bên và đảm bảo các bên hoàn thành nghĩa vụ của mình.

Với những ai sở hữu xe hơi, việc xe trục trặc và cần sửa chữa là điều bình thường. Tuy nhiên, chi phí cho việc sửa và bảo dưỡng xe hơi không hề rẻ, chưa kể đến các linh kiện máy móc trong xe có thể bị đánh tráo. Trong trường hợp chiếc Ferrari 488, nếu lúc đem xe đến bãi đậu Volvo để sửa chữa, chủ xe đề nghị soạn thảo Hợp đồng sửa chữa ôtô, cả hai bên sẽ phải cung cấp thông tin chính xác của nhau. Từ đây, có thể biết người kỹ sư làm việc dưới sự ủy thác của bên nào và vai trò cụ thể của các bên liên quan sẽ được xác định dễ dàng.

Nếu xe hơi có bảo hiểm, công ty bảo hiểm sẽ chịu trách nhiệm xử lý các hợp đồng và giao dịch với bên garage. Tuy nhiên, dựa vào thông tin mà anh H. (chủ xe Ferrari cung cấp), xe của anh không có bảo hiểm và khi bị trục trặc giữa đường thì anh liền gọi cho Ferrari Việt Nam để hỗ trợ sửa chữa. Ferrari Việt Nam đã nhờ kỹ sư T. đưa xe về bãi của Volvo Hà Nội để chờ nhân viên tới xử lý. Sau đó, Ferrari Việt Nam nhờ anh T. trực tiếp sửa chiếc Ferrari. Mọi thủ tục và chi phí đều được Ferrari Việt Nam và chủ xe trao đổi qua tin nhắn. Không hề có sự đảm bảo về chính sách bảo hành nếu xe sửa xong vẫn trục trặc hay thỏa thuận về thời hạn giao trả xe.

Những thiếu sót này tưởng chừng như rất nhỏ, nhưng lại có thể gây ra bất lợi lớn cho chủ xe nếu sự cố ngoài ý muốn xảy ra. Do đó, tài sản càng cao, thì chúng ta càng phải cẩn thận khi giao phó cho người khác. Một bản Hợp đồng sửa chữa xe hơi không chỉ giúp chủ xe dễ dàng tố cáo khi xảy ra tranh chấp, mà còn bảo vệ quyền lợi hợp pháp cho cả hai bên. Cụ thể, khi có hợp đồng quy định cụ thể về hạn thanh toán hay hạn giao xe, thì cả chủ xe lẫn chủ garage phải có ý thức thực hiện cao hơn, tránh vi phạm hợp đồng nếu không sẽ phải đền bù cho bên còn lại.

Chiếc Ferrari 488 của anh H. trị giá 23 tỷ đồng. Trước thái độ của Ferrari Việt Nam và Volvo Hà Nội trong vụ việc này, chủ xe khi khi bàn giao phương tiện để sửa chữa, thay thế phụ tùng cần thiết lập hợp đồng hoặc các giấy tờ khác để quyền lợi khi xảy ra sự cố ngoài ý muốn.

Sáng 21/7, ôtô Ferrari 488 GTB di chuyển trên tuyến đường ở quận Long Biên thì mất lái, lao lên vỉa hè rồi tông gãy đổ 2 cây xanh. Va chạm không gây thiệt hại về người, nhưng khiến chiếc ôtô nát đầu. Phương tiện trên hiện có giá sau thuế khoảng 15-20 tỷ đồng tùy phiên bản. Chủ xe cho rằng chi phí để sửa chữa ước tính hơn 6 tỷ đồng.

Trước đó, khi xe gặp sự cố ngày 9/7, anh H. (chủ xe) báo với Ferrari Việt Nam. Phía Ferrari Việt Nam đã nhờ anh T. (nhân viên Volvo Hà Nội) đưa xe về bãi của đơn vị để chờ nhân viên tới xử lý. Sau đó, Ferrari Việt Nam nhờ anh T. trực tiếp sửa chiếc Ferrari. Sau khi sửa xong, do không có bằng lái nên anh T. nhờ nhân viên khác tên là D. chạy thử trước khi bàn giao thì xảy ra tai nạn.

Kỹ sư T. cho biết trước khi nhận sửa xe đã không báo cáo với lãnh đạo Volvo Hà Nội. Việc sửa chữa cho Ferrari Việt Nam là thỏa thuận riêng của cá nhân kỹ sư này. Sáng 23/7, Volvo Hà Nội đã tạm đình chỉ công việc 2 người liên quan.

Thùy Dung

Nguồn Znews: https://zingnews.vn/phuc-tap-phap-ly-trong-vu-xe-ferrari-bi-tai-nan-post1339173.html