Phúc thẩm vụ án 'Giấy hợp tác làm ăn hay hợp đồng chuyển nhượng quyền sử dụng đất?'
Phía nguyên đơn cho rằng đây hai bên ký giấy cam kết hợp tác kinh tế làm cây cao su, hoàn toàn không có nội dung chuyển nhượng đất... nên đề nghị hủy bản án sơ thẩm.
Chiều nay (14-5), TAND tỉnh Đắk Lắk đưa ra xét xử phúc thẩm vụ tranh chấp hợp đồng giao khoán, hợp đồng chuyển nhượng quyền sử dụng đất (QSDĐ) giữa nguyên đơn ông Đinh Văn Hoành với bị đơn là ông T (cùng ngụ tại TP Buôn Ma Thuột, tỉnh Đắk Lắk).
Nguyên đơn đề nghị hủy án
Tại tòa, đại diện của ông Hoành giữ nguyên yêu cầu kháng cáo, đề nghị hủy toàn bộ bản án sơ thẩm của TAND huyện huyện Cư M’gar, tỉnh Đắk Lắk.
Theo vị đại diện, bản án sơ thẩm lần 2 có nhiều vi phạm nghiêm trọng về tố tụng và nội dung.
Về nội dung, hai bên ký giấy cam kết hợp tác kinh tế, ghi rõ là hợp tác kinh tế làm cao su trên cơ sở ông Hoành có hợp đồng kinh tế trồng và chăm sóc cây cao su với công ty cao su, hoàn toàn không có nội dung chuyển nhượng đất. Ông Hoành giao khoán cho ông T để chăm sóc và đầu tư thêm vào phần công ty cao su cấp vốn, cũng như nhận được lợi ích từ hiệu quả kinh tế của vườn cây.
Giấy cam kết ghi rõ 5 chỉ vàng là tiền ông T gửi lại một nửa tiền đầu tư cho ông Hoành nhưng tòa lại cho rằng 5 chỉ vàng là tiền chuyển nhượng đất dù không có câu nào trong giấy cam kết nói đây là tiền mua đất. Nếu chuyển nhượng đất thì tại sao không có bàn giao đất dứt điểm, giá chuyển nhượng không phù hợp với thị trường (vì thời điểm đó 4,9 ha đất có giá khoảng 8 cây vàng)?
Cũng theo phía nguyên đơn, Tòa án sơ thẩm đã không thực hiện khảo sát giá đất năm 1994 đối với thửa đất của ông Hoành là bao nhiêu để xem xét tính phù hợp...

Ông Đinh Văn Hoành không đồng tình với bản án sơ thẩm lần 2. Ảnh: YC
Cạnh đó, việc hợp tác làm ăn là hợp tác thật. Bằng chứng là ông Hoành đã ký hợp tác với công ty cao su vào các năm 1993, 1996, 2003, có sự thỏa thuận phương án đầu tư, chia lợi nhuận, phân công công việc… với ông T và ông V.
Về tố tụng, theo phía ông Hoàng, đại diện của vợ chồng ông V (em ông T- người liên quan trong vụ án) bổ sung yêu cầu độc lập đề nghị hủy giấy cam kết làm ăn là không đúng, vì theo quy định vợ chồng ông V phải tự mình yêu cầu mà không phải thông qua người khác. Tòa án cấp sơ thẩm tuyên giấy cam kết hợp tác làm cao su vô hiệu nhưng không giải quyết hậu quả pháp lý của hợp đồng vô hiệu là không đúng...
Tại tòa, trả lời câu hỏi các câu hỏi của nguyên đơn và HĐXX, đại diện công ty cao su tỉnh Đắk Lắk (công ty cao su) cho rằng giữa ông Hoành và công ty cao su có ký hợp đồng liên kết trồng cây cao su. Hai bên có thỏa thuận nếu ông Hoành bán đất thì phải được sự đồng ý của công ty cao su.
Công ty cũng xác nhận công ty và ông Hoành đã thỏa thuận hợp tác trồng cây cao su với tỷ lệ vốn góp là ông Hoành 30%, công ty 70%. Người thực hiện quyền và nghĩa vụ với công ty cao su là ông Hoành, về vốn ông Hoành đã thực hiện xong còn về tỷ lệ chia (ông Hoành 75%, công ty cao su 25% giá trị cây cao su) thì chưa thực hiện do tranh chấp. Ông Hoành trực tiếp nhận và chăm sóc cây cao su.

Anh Đinh Văn Vương (con ông Hoành) cho biết gia đình sẽ làm đơn đề nghị cấp có thẩm quyền kháng nghị giám đốc thẩm. Ảnh: YC
Phía ông V thì cho rằng ông Hoành đã bán lại cho ông T 50% diện tích đất trồng cây cao su. Do không có điều kiện làm nên ông T đã chuyển giao lại cho vợ chồng ông V. Tuy nhiên, do sổ hồng đang thế chấp nên hai bên chỉ lập giấy cam kết hợp kinh tế làm cao su, giá chuyển nhượng là 5 chỉ vàng, số tiền 60 triệu đồng là chi phí làm giấy tờ (nếu thiếu sẽ đưa thêm)…
Trong khi đó, nguyên đơn cho rằng số tiền 60 triệu đồng xuất phát từ việc ông Hoành thấy vợ chồng ông V có hoàn cảnh khó khăn nên ông Hoành nói sau này sẽ vừa bán vừa cho vợ chồng ông V khoảng 1 ha đất với giá 60 triệu đồng...
Giấy hợp tác làm ăn hay hợp đồng chuyển nhượng?
Để bảo vệ cho quyền lợi của mình, phía ông Hoành còn cho rằng bản án sơ thẩm căn cứ vào tiểu mục 2.3 mục 2 Phần II Nghị quyết số 02/2004 (về điều kiện để công nhận hợp đồng chuyển nhượng) để cho rằng giữa ông Hoành và vợ chồng ông V tồn tại giao dịch chuyển nhượng QSDĐ và tài sản gắn liền với đất là không đúng.
Vì các bên đều thừa nhận giấy cam kết hợp tác kinh tế làm cây cao su là do ông V viết tay nội dung, trong khi nội dung rất cụ thể và chi tiết chứa đựng toàn bộ nội dung của bản chất hợp đồng hợp tác kinh tế và không có bất kỳ nội dung nào liên quan hay đề cập đến việc chuyển nhượng quyền sử dụng đất.
Vì vậy, việc ông V cho rằng giấy hợp tác kinh tế nêu trên bị vô hiệu do giả tạo nhằm che giấu giao dịch chuyển nhượng quyền sử dụng đất là vô lý và không có bất kỳ giấy tờ, chứng cứ nào để chứng minh...
Luật sư bảo vệ cho vợ chồng ông V (người liên quan) cho rằng ông V không kháng cáo, đồng tình với bản án sơ thẩm...
Đại diện VKS thì đề nghị không chấp nhận đơn kháng cáo của ông Hoàng, giữ nguyên bản án sơ thẩm.
Sau khi nghị án, HĐXX nhận định: Ông Hoành ký kết với ông T, nhưng ông T đã giao cho vợ chồng ông V, vợ chồng ông V đã giao 5 chỉ vàng cho ông Hoành. Mặc khác giấy cam kết không ghi thời hạn trả lại đất hay cây nên có cơ sở xác định việc chuyển nhượng quyền sử dụng đất là có thật.
Cạnh đó, giấy nhận tiền thể hiện ông Hoành đã nhận 60 triệu đồng là chi phí để làm giấy chứng nhận quyền sử dụng đất. Việc ông Hoành cho rằng 60 triệu đồng chỉ để chuyển nhượng 1 ha là không có căn cứ...
Từ những căn cứ trên, HĐXX cho rằng việc chuyển nhượng quyền sử dụng đất là có thật, việc cấp sơ thẩm tuyên là có căn cứ nên không chấp nhận kháng cáo của ông Hoành, giữ nguyên bản án sơ thẩm.
Sau khi nghe tuyên án, đại diện ông Hoành cho biết HĐXX đã không xem xét các lập luận của ông, phán quyết không có căn cứ và gia đình sẽ làm đơn đề nghị kháng nghị giám đốc thẩm.
2 lần thắng kiện rồi lại thua
Theo đơn khởi kiện, năm 1993, ông Đinh Văn Hoành được cấp cho 9,8ha đất để làm kinh tế vườn. Đến năm 1994 thì thửa đất này được UBND huyện Cư Mgar cấp giấy chứng nhận.
Sau đó, ông Hoành ký hợp đồng liên kết với công ty cao su tỉnh Đắk Lắk để trồng cây cao su…
Theo hồ sơ, ngày 27-5-1994, ông Hoành và ông T ký giấy cam kết hợp tác kinh tế làm cây cao su. Hai bên thỏa thuận, mỗi người chăm sóc và khai thác mủ cao su 50% diện tích. Ông T đã đưa cho ông Hoành 5 chỉ vàng, đây là ½ tiền công của ông Hoành đầu tư thêm trong năm 1993 (xây bờ rào, bù thêm công đào hố, trồng cây theo định mức...).
Hai bên thỏa thuận mọi công việc và quy trình kỹ thuật về cây cao su thì ông T thực hiện đầy đủ theo sự chỉ đạo của ông Hoành.
Sau khi ký kết hợp đồng, ông T không làm mà cho vợ chồng ông V (em ông T) canh tác và quản lý.
Sau khi thực hiện xong nghĩa vụ với công ty cao su như hợp đồng (năm 2014), ông Hoành đã rút sổ hồng ở công ty về và yêu cầu ông T thanh lý hợp đồng, trả lại đất và cây cao su. Khi đó, ông T nói vợ chồng ông V còn khó khăn nên tạo điều kiện cho em ông T làm ăn ít năm.
Do ông T không trả đất nên ông Hoành khởi kiện yêu cầu ông T có nghĩa vụ thanh lý hợp đồng hợp tác làm cao su, đồng thời trả lại đất cho ông Hoành.
Trong khi đó, phía ông T và vợ chồng ông V lại cho rằng ông Hoành đã bán lại cho ông T 50% diện tích đất trồng cây cao su. Lúc đó, do không có điều kiện làm nên ông T đã chuyển giao lại cho vợ chồng ông V...
Xử sơ thẩm tháng 1-2022, TAND huyện CưMgar cho rằng toàn bộ diện tích đất có nguồn gốc nhà nước cấp cho ông Hoành và được cấp giấy chứng nhận năm 1994. Đến năm 2017, ông Hoành cấp đổi đổi lại sổ hồng nhưng ông T và vợ chồng ông V không có ý kiến gì. Vì vậy, cần buộc vợ chồng ông V có nghĩa vụ trả lại một phần diện tích cho ông Hoành.
Ông Hoành chỉ thừa nhận có chuyển nhượng 1ha không chứ không phải toàn bộ diện tích đất này. Quá trình giải quyết, vợ chồng ông V không đưa ra được chứng cứ gì để chứng minh cho yêu cầu của mình, ngoài cam kết về việc giao khoán được ký kết giữa ông T và ông Hoành... nên chấp nhận yêu cầu khởi kiện của ông Hoành, buộc ông vợ chồng ông V trả lại một phần diện tích đất (hơn 3ha) cho ông Hoành. Chấp nhận một phần yêu cầu khởi kiện độc lập của vợ chồng ông V, công nhận hợp đồng chuyển nhượng 1ha giữa ông Hoành và vợ chồng ông V….
Sau phiên sơ thẩm, vợ chồng ông V kháng cáo.
Xử phúc thẩm tháng 5-2022, TAND tỉnh Đắk Lắk cho rằng ông T và ông V cho rằng ông Hoành đã chuyển nhượng cho ông T với giá 5 chỉ vàng. Vợ chồng ông V là người giao 5 chỉ vàng cho ông Hoành nhưng không cung cấp được chứng cứ chứng minh nên không có cơ sở chấp nhận kháng cáo của vợ chồng ông V...
Sau đó, Viện trưởng VKSND Cấp cao tại Đà Nẵng kháng nghị hủy cả 2 bản án. Tháng 12-2022, TAND Cấp cao tại Đà Nẵng đã chấp nhận kháng nghị này.
Xử sơ thẩm lần 2 vào tháng 1-2025, TAND huyện CưMgar tuyên ngược lại với bản án sơ thẩm lần đầu, không chấp nhận đơn khởi kiện của ông Hoành, tuyên giấy cam kết hợp tác kinh tế làm cây cao su vô hiệu. Công nhận việc chuyển nhượng QSDĐ giữa ông Hoành và vợ chồng ông V...