Phường đông dân nhất TP.HCM sắp di dời KCN để nhường đất cho nhà ở
Với dân số gần 230.000 người, phường Dĩ An trở thành 'siêu phường' đông dân nhất TP.HCM mới. Một số khu công nghiệp tại đây sắp được di dời để nhường chỗ cho đô thị.

Sau khi sắp xếp, Phường Dĩ An được thành lập trên cơ sở hợp nhất phường Dĩ An, phường An Bình, các khu phố Đông Tác, Tân Long, Đông Chiêu, Đông Chiêu A, Chiêu Liêu, Chiêu A của phường Tân Đông Hiệp.

Bản đồ phường Dĩ An. Đồ họa: Đại Bùi.

Phường Dĩ An sau sáp nhập có diện tích tự nhiên 21,38 km2, với quy mô dân số gần 230.000 người, vượt hơn 506% so với quy chuẩn. Với quy mô này, Dĩ An trở thành "siêu phường" không chỉ của TP.HCM mà còn thuộc nhóm đơn vị hành chính cấp phường đông dân nhất cả nước.

Trụ sở Đảng ủy mới của phường Dĩ An được đặt tại số 1A, đường H, phường Dĩ An, TP.HCM.

Phường Dĩ An là khu vực có nền công nghiệp phát triển từ rất sớm, hiện sở hữu nhiều khu công nghiệp lớn, đóng vai trò động lực kinh tế quan trọng của tỉnh.

Trong đó, Khu công nghiệp Bình Đường là khu công nghiệp đầu tiên của tỉnh Bình Dương cũ, hình thành từ năm 1993 với diện tích 16,5 ha.

Nằm tại phường An Bình, tiếp giáp phường Linh Xuân (TP Thủ Đức cũ), khu công nghiệp này do Tổng công ty Thương mại, xuất nhập khẩu Thanh Lễ làm chủ đầu tư, hiện có 11 doanh nghiệp đang hoạt động, trong đó có 5 doanh nghiệp thuê đất và 6 doanh nghiệp thuê nhà xưởng.

Theo định hướng phát triển đô thị, khu công nghiệp Bình Đường sẽ được di dời lên phía Bắc nhằm tạo không gian phát triển mới cho phường Dĩ An.

Ngoài Bình Đường, địa bàn phường còn có Khu công nghiệp Sóng Thần I và Sóng Thần II, được thành lập lần lượt vào năm 1995 và 1996, với quy mô khoảng 180 ha và 279 ha.

Các doanh nghiệp tại đây hoạt động trong nhiều lĩnh vực như sản xuất điện tử, cơ khí, chế biến gỗ, hóa chất, dệt may, logistics... tạo ra hàng chục nghìn việc làm, góp phần thu hút dân cư và thúc đẩy nhu cầu về nhà ở, thương mại, dịch vụ tại khu vực.

Tuy nhiên, theo định hướng phát triển đô thị mới, các khu công nghiệp này cũng được chính quyền tỉnh Bình Dương cũ nghiên cứu chuyển đổi một phần chức năng, tạo dư địa phát triển không gian sống, hạ tầng xã hội và thương mại - dịch vụ cho khu vực trung tâm.

Sự hiện diện của các khu công nghiệp đã thúc đẩy quá trình đô thị hóa nhanh chóng tại phường Dĩ An. Trên địa bàn có nhiều hệ thống chợ, siêu thị lớn như GO!, Co.opmart, Vincom Plaza và các chuỗi cửa hàng tiện lợi hiện đại.

Mạng lưới giáo dục - y tế cũng phát triển mạnh với nhiều trường học các cấp, trung tâm đào tạo, trường nghề, bệnh viện và phòng khám tư nhân.

Đáng chú ý, với vị trí giáp ranh TP.HCM và hạ tầng kết nối thuận tiện, phường Dĩ An trở thành điểm đến hấp dẫn của lực lượng lao động di cư và người dân làm việc tại TP.HCM nhưng mong muốn sinh sống ở khu vực có chi phí thấp.

Tuy nhiên, khu vực này chủ yếu là nhà phố trong dân, chưa có nhiều dự án căn hộ quy mô quá lớn.

Trong ảnh là dự án Charm Plaza nằm gần Vincom Dĩ An, thuộc tổ hợp Charm City do Tập đoàn Bcons phát triển với quy mô hơn 50.000 m2. Trên thị trường thứ cấp, các căn hộ tại đây đang có giá khoảng 35 triệu đồng/m2, song nguồn cung chuyển nhượng khá hạn chế.

Ngoài ra, Phú Đông Premier cũng là dự án đáng chú ý tại khu vực, đã bàn giao vào năm 2022. Dự án gồm hai tòa tháp cao 35 tầng với 657 sản phẩm, hiện giá chuyển nhượng khoảng 40 triệu đồng/m2.

Bên cạnh những dự án đã hoàn thành, phường Dĩ An cũng có một số dự án căn hộ đang được triển khai, tập trung gần khu trung tâm hành chính và các khu công nghiệp.

Một lợi thế khác của phường Dĩ An là vị trí giao thông kết nối liên vùng. Trong ảnh là tuyến đường ĐT 743 đi qua địa bàn phường. Đây là tuyến đường nối Bình Dương cũ vào trung tâm TP.HCM, vừa được đầu tư 1.000 tỷ để nâng cấp mở rộng. Trên tuyến này, cầu vượt tại ngã tư 550 cũng đã được xây dựng và đưa vào sử dụng, góp phần giảm đáng kể tình trạng ùn tắc giao thông trong khu vực.

Tuy nhiên, với dân số đông và tốc độ đô thị hóa nhanh, phường Dĩ An cũng đối mặt nhiều thách thức. Do đó, việc di dời các khu công nghiệp lâu đời đang là ưu tiên của khu vực này.

Lãnh đạo phường Dĩ An cho biết việc di dời không chỉ hướng tới mục tiêu làm sạch môi trường, giảm áp lực về không gian cho khu vực dân cư, mà còn giúp phường chuyển đổi cơ cấu kinh tế, từ trọng tâm công nghiệp sang phát triển thương mại - dịch vụ và xã hội hóa các tiện ích cộng đồng.