Phượng Nghi phát triển kinh tế lâm nghiệp
Xã Phượng Nghi, huyện Như Thanh có tổng diện tích đất tự nhiên đạt hơn 3.600 ha. Trong đó, đất lâm nghiệp chiếm tới 79,6% diện tích. Lâm nghiệp trở thành lĩnh vực chủ lực trong phát triển kinh tế của xã những năm gần đây.
Người dân xã Phượng Nghi thu hoạch và sơ chế cây lâm nghiệp.
Để phát triển kinh tế lâm nghiệp, những năm qua chính quyền xã Phượng Nghi đã đẩy mạnh tích tụ tập trung đất đai, sản xuất quy mô lớn, hình thành các vùng sản xuất nguyên liệu ổn định, thâm canh sử dụng giống có năng suất cao gắn với chế biến lâm sản. Xã đã và đang tập trung thực hiện các giải pháp sử dụng hiệu quả diện tích rừng và đất lâm nghiệp thông qua việc tập huấn, hướng dẫn cho người dân lựa chọn các cây trồng phù hợp với điều kiện tự nhiên, trình độ canh tác để đưa vào trồng và chăm sóc. Đồng thời, chú trọng phát triển diện tích rừng gỗ lớn, vùng nguyên liêu tập trung gắn với cấp chứng chỉ rừng bền vững. Ngoài ra, xã còn làm tốt công tác bảo vệ và phát triển rừng.
Thực hiện các giải pháp phát triển kinh tế lâm nghiệp theo hướng bền vững, hiện trên địa bàn xã đã phát triển được hơn 100 ha rừng trồng theo hướng rừng gỗ lớn. Được biết, bình quân mỗi năm xã có gần 200 ha rừng sản xuất được thu hoạch. Toàn bộ diện tích rừng ngay khi thu hoạch đều được tiến hành trồng mới. Những năm gần đây, diện tích rừng trồng mới đều được UBND xã chỉ đạo người dân trồng và chăm sóc theo tiêu chí rừng bền vững, từ đó làm tiền đề để xây dựng diện tích rừng tập trung cấp chứng chỉ rừng bền vững.
Cùng với việc phát triển diện tích rừng, để nâng cao giá trị, hiệu quả kinh tế đồi rừng, xã còn định hướng, khuyến khích các hộ dân triển khai thực hiện nhiều mô hình chăn nuôi dưới tán rừng. Theo đó, nhiều hộ dân có diện tích rừng đã triển khai thực hiện mô hình kết hợp trồng, chăm sóc rừng với chăn nuôi gia súc, gia cầm hoặc nuôi ong. Nhờ đó, nhiều hộ đã vươn lên làm giàu từ kinh tế đồi rừng.
Câu chuyện làm giàu từ kinh tế đồi rừng của gia đình anh Vũ Văn Tú là ví dụ điển hình ở địa phương. Khoảng 10 năm trước, toàn bộ 15 ha đất đồi rừng của gia đình anh đều được sử dụng để trồng keo. Diện tích keo sau khi trồng gần như không được chăm sóc bài bản, rồi thu hoạch sớm, nên hiệu quả kinh tế thấp. Trong một lần tham gia lớp tập huấn về chủ đề phát triển kinh tế đồi rừng theo hướng bền vững được UBND xã phối hợp với Trung tâm Khuyến nông tỉnh thực hiện, anh đã triển khai thực hiện mô hình trồng rừng gỗ lớn kết hợp với chăn nuôi. Theo đó, cùng với việc đưa các loại cây keo, xoan đào và sao đen vào trồng theo hướng trồng rừng gỗ lớn, gia đình anh kết hợp chăn nuôi gà thả vườn, dê và lợn mán. Việc kết hợp này giúp anh có điều kiện lấy ngắn nuôi dài trong thời gian chờ diện tích cây lâm nghiệp cho thu hoạch. Mỗi năm, chỉ tính riêng việc chăn nuôi dưới tán rừng đã giúp gia đình anh thu về gần 300 triệu đồng, lợi nhuận đạt tới 70%.
Chủ tịch UBND xã Lê Viết Hương cho biết: Gia đình anh Tú chỉ là một trong số hàng trăm hộ dân đã nâng cao thu nhập từ phát triển kinh tế đồi rừng. Trong đó, có gần 30 hộ đã vươn lên làm giàu và đang sở hữu diện tích rừng gỗ lớn, dự kiến sẽ còn cho nguồn thu lớn trong tương lai. Sự phát triển kinh tế của các hộ dân đã chứng minh hướng đi trong phát triển kinh tế lâm nghiệp theo hướng nâng cao giá trị và phát triển bền vững mà xã đang thực hiện là đúng đắn. Để tiếp tục phát triển kinh tế lâm nghiệp theo hướng bền vững, địa phương đang phối hợp với các đơn vị chuyên môn trong huyện, trong tỉnh lựa chọn những mô hình phù hợp với điều kiện kinh tế đồi, rừng và trình độ của người dân để triển khai thực hiện và nhân rộng.
Nguồn Thanh Hóa: http://baothanhhoa.vn/kinh-te/phuong-nghi-phat-trien-kinh-te-lam-nghiep/178308.htm