Phường Nguyễn Thái Học hướng đến phát triển đô thị thông minh

Nhận thức được tầm quan trọng của công tác chuyển đổi số (CĐS) trong thực hiện các nhiệm vụ chính trị, công tác CĐS được phường Nguyễn Thái Học, thành phố Yên Bái quan tâm thực hiện.

Đội thanh niên xung kích phường Nguyễn Thái Học, thành phố Yên Bái hỗ trợ người dân cài đặt, sử dụng ứng dụng YenBai-S.

Đội thanh niên xung kích phường Nguyễn Thái Học, thành phố Yên Bái hỗ trợ người dân cài đặt, sử dụng ứng dụng YenBai-S.

Công tác ứng dụng công nghệ thông tin gắn với cải cách hành chính nhằm xây dựng chính quyền số, hướng đến phát triển đô thị thông minh (ĐTTM) và cung cấp các dịch vụ tiện ích phục vụ người dân, doanh nghiệp tại địa phương đã và đang phát huy hiệu quả.

Phường Nguyễn Thái Học là một trong ba phường được thành phố lựa chọn xây dựng phường CĐS nâng cao tiêu biểu và là một trong hai phường được lựa chọn xây dựng phường văn minh đô thị. Với sự chỉ đạo, giao nhiệm vụ của thành phố, phường Nguyễn Thái Học xác định CĐS, xây dựng ĐTTM là nhiệm vụ quan trọng, xuyên suốt trong thực hiện các nhiệm vụ chính trị. Đến nay, phường Nguyễn Thái Học đã hoàn thành 17/17 tiêu chí phường CĐS, hoàn thành 11/13 tiêu chí của phường CĐS nâng cao và hoàn thành 20/25 tiêu chỉ phường CĐS nâng cao tiêu biểu.

Trong đó, kết quả nổi bật ở một số lĩnh vực: hạ tầng số cơ bản đáp ứng nhu cầu sử dụng của người dân với tỷ lệ hộ gia đình sử dụng mạng Internet, hộ gia đình có điện thoại thông minh đạt 98%; 100% cán bộ công chức được trang bị máy tính kết nối mạng Internet, sử dụng điện thoại thông minh hỗ trợ phục vụ công tác chuyên môn; các hệ thống thông tin của chính quyền được phê duyệt gắn với an toàn, an ninh thông tin mạng; các tổ dân phố đều được phổ cập dịch vụ mạng di động; khu vực công cộng tập trung đông người đang được lắp đặt phủ kín địa bàn.

Chính quyền số được triển khai đồng bộ đem lại hiệu quả, 100% văn bản của phường gửi cơ quan nhà nước dưới dạng điện tử được ký số chuyên dụng; tỷ lệ giải quyết hồ sơ thủ tục hành chính một phần và toàn phần đạt 85%; phường có trang thông tin điện tử riêng; 100% các cuộc họp ứng dụng phòng họp không giấy tờ, phòng họp kết nối trực tuyến.

Tỷ lệ hồ sơ công việc giải quyết trên môi trường mạng đạt 100%; 100% chi bộ sinh hoạt trên nền tảng Sổ tay đảng viên điện tử; phường đã ứng dụng phần mềm hệ thống giám sát điều hành thông tin phục vụ công tác chỉ đạo, điều hành, hỗ trợ ra quyết định triển khai nhiệm vụ chính trị của địa phương; triển khai ứng dụng bàn làm việc số cho 100% cán bộ công chức phường giúp lãnh đạo giao nhiệm vụ, quản lý, theo dõi, giám sát việc triển khai nhiệm vụ trên hệ thống phần mềm một cách khoa học, hiệu quả.

Về kinh tế số được quan tâm triển khai hiệu quả, dần đi vào thực tế đời sống nhân dân; các doanh nghiệp, các sản phẩm đủ điều kiện được hỗ trợ quảng bá, giới thiệu trên môi trường mạng, thúc đẩy việc tiêu thụ sản phẩm. Tỷ lệ người dân có tài khoản thanh toán điện tử đạt 90%; chợ dân sinh được phủ sóng Internet, các tiểu thương, hộ kinh doanh tại chợ sử dụng mã QR thực hiện thanh toán không dùng tiền mặt. Xã hội số được triển khai quyết liệt, đi vào đời sống.

100% người dân được lập hồ sơ khám sức khỏe điện tử; tỷ lệ người dân mở giao dịch tài khoản cá nhân đạt 90%; 100% các cơ sở giáo dục, y tế thực hiện thanh toán không dùng tiền mặt; tỷ lệ hộ dân thực hiện thanh toán tiền điện, tiền nước đạt 75%; 100% tổ dân phố triển khai mô hình nhà văn hóa số; tỷ lệ người dân đủ 14 tuổi trở lên có căn cước công dân, có điện thoại thông minh kết nối Internet để xác thực định danh số qua app VneID đạt 74%; 100% các khoản nộp dịch vụ công ích, các loại quỹ công chuyên dùng, các loại đóng góp tự nguyện... sử dụng hình thức thanh toán không dùng tiền mặt. Kết quả CĐS đồng bộ, toàn diện trong tất cả các lĩnh vực đã góp phần xây dựng ĐTTM, trong đó phải kể đến CĐS trong lĩnh vực quản lý đô thị, y tế, giáo dục.

Phường đang triển khai ứng dụng hệ thống giám sát tập trung IOC, đã ứng dụng các dịch vụ ĐTTM, giám sát việc thực hiện dịch vụ công tại bộ phận một cửa; triển khai dịch vụ phản ánh góp ý, giám sát các điểm camera giao thông và ứng dụng nhận dạng biến số và phát hiện vi phạm giao thông của thành phố; hệ thống cây xanh trên các trục đường chính của phường đều gắn số để theo dõi quản lý.

Về giáo dục thông minh, Trường THCS Lê Hồng Phong đã triển khai phần mềm tuyển sinh trực tuyến đầu cấp, áp dụng cơ sở dữ liệu dùng chung và cổng giao tiếp dữ liệu ngành, nhằm liên thông tích hợp dữ liệu của các phần mềm quản lý trường học, hình thành cơ sở dữ liệu học sinh, giáo viên toàn thành phố. Về y tế thông minh, Trạm Y tế phường triển khai ứng dụng y tế điện tử và công tác khám tư vấn chữa bệnh từ xa được quan tâm áp dụng.

Bà Phạm Thị Mơ - Bí thư Đảng ủy phường Nguyễn Thái Học cho biết: "Mục tiêu của CĐC, xây dựng ĐTTM là hướng tới cuộc sống tốt đẹp cho người dân, giúp người dân được hưởng các tiện ích một cách dễ dàng, xây dựng địa phương phát triển năng động, hiện đại, có hoạt động văn hóa sôi động. Phường Nguyễn Thái Học đang tập trung, quyết tâm triển khai giúp người dân tiếp cận sớm nhất, hiệu quả nhất các thành quả của CĐS, ĐTTM đem lại".

"Bên cạnh những kết quả đạt được, quá trình triển khai CĐS, xây dựng ĐTTM còn gặp một số khó khăn, tồn tại, trong đó nhận thức của người dân về công tác CĐS, xây dựng ĐTTM còn hạn chế; năng lực cán bộ làm công tác CĐS, xây dựng ĐTTM cấp phường còn kém. Việc đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị phục vụ cho công tác CĐS còn chậm so với tốc độ phát triển các ứng dụng, các vấn đề như giao thông, môi trường, hiệu quả mang lại chưa được như mong muốn, ảnh hưởng trực tiếp đến đời sống sinh hoạt hằng ngày của người dân. Thời gian tới, phường có những giải pháp thích hợp với điều kiện thực tế địa phương để khắc phục những hạn chế trên”, bà Mơ nói.

Thu Hiền

Nguồn Yên Bái: https://baoyenbai.com.vn/266/304627/phuong-nguyen-thai-hoc-huong-den-phat-trien-do-thi-thong-minh.aspx