Phương pháp giáo dục hiệu quả trong mầm non
Ông Lee Sung Gun, nhà sáng lập hệ thống mầm non Dongsim Kindergarten chia sẻ về phương pháp Project Based Learning (PBL).
Tại sao phương pháp học tập qua dự án lại hiệu quả trong giáo dục mầm non?
PBL giúp trẻ hiểu sâu hơn về thế giới và khơi gợi sự tò mò. Trẻ không chỉ học kiến thức mà còn thực hành hợp tác, áp dụng kỹ năng vào tình huống thực tế. Quá trình học xuất phát từ điểm mạnh, hứng thú của trẻ nên nuôi dưỡng tốt khả năng tự học.

Phương pháp này được triển khai thế nào trong giáo dục mầm non? Vai trò của giáo viên và trẻ là gì?
Phương pháp bắt đầu bằng việc giáo viên và trẻ cùng chọn một chủ đề trẻ hứng thú. Trẻ chia sẻ điều tò mò rồi xây dựng kế hoạch học. Giáo viên hướng dẫn quá trình khám phá, lắng nghe câu hỏi, giúp trẻ tự tìm lời giải. Trẻ chủ động trao đổi và thể hiện hiểu biết như “nhà nghiên cứu nhí”.
Làm sao để nhà trường chọn được chủ đề cho dự án? Ví dụ, khi dùng chủ đề “nhà hàng” nên cân nhắc gì?
Chủ đề có thể do giáo viên chọn hoặc trẻ đề xuất. Gắn với sở thích, đời sống hoặc đặc trưng địa phương. Với “nhà hàng”, lắng nghe trẻ biết gì, tò mò điều gì. Hỏi trẻ “Con từng đến nhà hàng nào?”, “Ai làm việc ở đó?”, “Nấu ăn ra sao?”. Sau đó, tổ chức chơi trò “nhà hàng”, mời đầu bếp đến lớp, tham quan thực tế.
Nếu chủ đề quá lớn hoặc trừu tượng, điều chỉnh thế nào để trẻ dễ tiếp cận?
Nên chia nhỏ chủ đề, chọn nội dung trẻ có thể trải nghiệm. Ví dụ, “Vũ trụ” có thể bắt đầu bằng “Hành tinh yêu thích” hay “Trò chơi lái tàu vũ trụ”. Cụ thể hóa bằng vẽ tranh, làm mô hình, giúp trẻ tiếp cận dễ hơn và hiểu sâu hơn.
Có thể dùng phương pháp học tập qua dự án để học ngoại ngữ như tiếng Anh không?
Hoàn toàn có thể! PBL tạo điều kiện cho trẻ sử dụng tiếng Anh trong bối cảnh cụ thể. Trẻ đặt câu hỏi, hợp tác, thuyết trình tất cả đều giúp trẻ học tiếng Anh một cách tự nhiên, thực tế.
PBL có hiệu quả với mọi lứa tuổi mầm non không?
Mức độ và thời lượng dự án có thể điều chỉnh theo độ tuổi. Trẻ bắt đầu với chủ đề ngắn, đơn giản, thiên về cảm nhận. Trẻ lớn có thể mở rộng sang thảo luận, tra cứu.
Phương pháp này có áp dụng được ở trường mầm non nhỏ không?
Hoàn toàn được. PBL linh hoạt, phù hợp mọi quy mô. Trường nhỏ còn có lợi thế trong việc nắm bắt sở thích từng trẻ, dễ cá nhân hóa dự án. Dù thiếu tài liệu, không gian vẫn có thể tận dụng môi trường và cộng đồng xung quanh.

Sự khác biệt giữa lớp học theo chủ đề và phương pháp học tập qua dự án là gì?
Lớp học theo chủ đề dạy nhiều lĩnh vực như ngôn ngữ, toán, khoa học… . Còn PBL bắt đầu từ sự tò mò và câu hỏi của trẻ, đào sâu theo hướng khám phá. Trẻ chủ động đặt câu hỏi, tìm câu trả lời, phát triển kỹ năng giải quyết vấn đề, tư duy phản biện.
Mối quan hệ giữa giáo dục STEAM và PBL là gì? Có thể kết hợp không?
STEAM (Khoa học, Công nghệ, Kỹ thuật, Nghệ thuật, Toán) và PBL kết hợp rất tốt. Cả hai đều nhấn mạnh học qua trải nghiệm, khám phá. Khi thực hiện dự án, có thể tích hợp STEAM một cách tự nhiên như đặt câu hỏi khoa học, dùng công nghệ, chế tạo mô hình, đo lường trong toán học. Điều này kích thích sáng tạo và kỹ năng giải quyết vấn đề.
PBL ảnh hưởng như thế nào đến khả năng tự chủ và ra quyết định của trẻ?
Trẻ được tham gia chọn chủ đề, đặt câu hỏi, quyết định cách làm. Khuyến khích trẻ tư duy, hành động theo lựa chọn của mình. Khi lặp lại nhiều lần, trẻ phát triển tính tự chủ và kỹ năng ra quyết định.
Cha mẹ có thể tham gia hoạt động học cùng con trong PBL không?
Có chứ, sự tham gia của cha mẹ làm phong phú dự án. Phụ huynh có thể trò chuyện thêm với con về chủ đề, chia sẻ trải nghiệm, cùng con tham gia chuyến đi thực tế hoặc đến triển lãm cuối dự án để khích lệ.
Làm sao để chơi và học được tích hợp trong lớp học theo dự án?
Với trẻ nhỏ, chơi chính là học. Trong PBL, trò chơi liên quan đến chủ đề là phương thức học hiệu quả. Ví dụ, trong dự án “nhà hàng”, trẻ học ngôn ngữ, kỹ năng xã hội khi lập thực đơn, nhận đơn, tính toán… Trẻ xây dựng kiến thức và kỹ năng qua quá trình chơi.
Giáo viên đánh giá sự phát triển của trẻ trong PBL như thế nào?
Giáo viên chú trọng quá trình hơn kết quả. Họ quan sát, ghi lại câu hỏi trẻ đặt ra, cách trẻ hợp tác, vượt qua khó khăn. Ghi chép bằng ảnh, video, sản phẩm để đánh giá sự phát triển, từ đó điều chỉnh kế hoạch giáo dục phù hợp.
Người không làm trong trường mầm non có thể áp dụng hoặc phân phối sản phẩm giáo dục dự án không?
Hoàn toàn có thể, ngay cả phụ huynh ở nhà nuôi con nếu được đào tạo vẫn có thể áp dụng tốt phương pháp giáo dục này. Tuy nhiên, có kinh nghiệm giáo dục mầm non là một lợi thế.
Nguồn Tiền Phong: https://tienphong.vn/phuong-phap-giao-duc-hieu-qua-trong-mam-non-post1760657.tpo