Phương pháp làm việc và kiểm soát của người cán bộ lãnh đạo

Trong quá trình hoạt động cách mạng, Chủ tịch Hồ Chí Minh không chỉ quan tâm phẩm chất đạo đức của đội ngũ cán bộ cách mạng, mà Người còn hướng dẫn cụ thể phương pháp làm việc và kiểm soát của người lãnh đạo.

Hồ Chủ tịch thăm xã viên HTX Vinh Quang (huyện Thanh Thủy, Phú Thọ), nơi có phong trào khai phá đồi hoang trồng cây gây rừng khá nhất miền Bắc (ngày 26/1/1964) Ảnh: TTXVN

Hồ Chủ tịch thăm xã viên HTX Vinh Quang (huyện Thanh Thủy, Phú Thọ), nơi có phong trào khai phá đồi hoang trồng cây gây rừng khá nhất miền Bắc (ngày 26/1/1964) Ảnh: TTXVN

Với sự am hiểu sâu sắc lý luận và kinh nghiệm thực tiễn phong phú từ quá trình hoạt động cách mạng, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã hướng dẫn cụ thể phương pháp làm việc và kiểm soát của người lãnh đạo để công việc luôn đạt kết quả cao nhất. Theo quan điểm của Chủ tịch Hồ Chí Minh, để trở thành người lãnh đạo giỏi, trước hết, phải biết cách lãnh đạo đúng, muốn lãnh đạo đúng cần lưu ý những vấn đề sau:

Quyết định mọi vấn đề cho đúng

Trước khi đưa ra bất kỳ quyết định nào, người lãnh đạo không được quan liêu, tự mình sáng tạo ra khách quan, mà cần phải dựa vào thực tế, nắm chắc hoàn cảnh để xem quyết định của mình có hợp lý không.

Tiếp theo, cần phải áp dụng hiểu biết và tri thức vốn có của mình một cách năng động: với tình hình này cần đáp ứng điều kiện cần và đủ, nhưng trong tình huống khác lại phải thỏa mãn yêu cầu chặt chẽ và khắt khe hơn, theo đúng nguyên tắc “dĩ bất biến, ứng vạn biến”.

Sau khi nắm rõ tình hình, cần tổ chức bàn bạc một cách kịp thời và dân chủ trong tập thể lãnh đạo, vì như Chủ tịch Hồ Chí Minh đã khẳng định: “Một người dù khôn ngoan tài giỏi mấy, dù nhiều kinh nghiệm đến đâu cũng chỉ trông thấy, chỉ xem xét được một hoặc nhiều mặt của vấn đề, không thể trông thấy và xem xét tất cả mọi mặt của mọi vấn đề. Vì vậy, cần phải có nhiều người”.

Khi tập thể lãnh đạo đã hoàn toàn thống nhất ý kiến, người lãnh đạo chủ yếu cần phải có lòng tin và quyết đoán đưa ra quyết định cuối cùng của mình. Đây là thời điểm vô cùng quan trọng vì nếu không tin vào khả năng bản thân, nghi ngờ trí tuệ tập thể thì sẽ dẫn đến việc trù trừ không quyết, bỏ lỡ cơ hội hoặc trở nên hoang mang “đẽo cày giữa đường”, dẫn đến thất bại.

Chủ tịch Hồ Chí Minh thăm Nhà máy Dệt 8-3 (tháng 3/1965).

Chủ tịch Hồ Chí Minh thăm Nhà máy Dệt 8-3 (tháng 3/1965).

Tổ chức thi hành cho đúng

Công việc chưa chắc đạt kết quả nếu như chỉ có một mình người lãnh đạo quyết định rồi xắn tay áo lên ra sức lăn vào làm. Muốn công việc tiến triển tốt và hiệu quả, thì người lãnh đạo cần tổ chức được lực lượng, theo hướng "bất kỳ ai, có khả năng, đủ tiêu chuẩn, cần cho nhu cầu của cách mạng là phải dùng”. Có lực lượng rồi, người lãnh đạo phải đóng vai trò là hạt nhân đoàn kết các lực lượng lại, tạo nên sức mạnh thành công. Bước quan trọng cuối cùng là biện pháp lãnh đạo.

Chủ tịch Hồ Chí Minh cho rằng: “Bất kỳ công việc gì, cũng phải dùng hai cách lãnh đạo sau đây: Một là, liên hợp chính sách chung với sự chỉ đạo riêng; hai là, liên hợp người lãnh đạo với quần chúng”.

Với cách thứ nhất, người lãnh đạo cần phải chọn một số cán bộ có khả năng thực sự, giao công việc để thu được kết quả tốt nhất, sau lấy đó làm bài học kinh nghiệm chung cho các cán bộ khác.

Cách thứ hai, người lãnh đạo cất nhắc một số cán bộ hăng hái làm nòng cốt đi đầu, thúc đẩy phong trào chung và lôi kéo tất cả mọi người trong công việc.

Đối với cả hai cách làm này, người lãnh đạo cần học hỏi kinh nghiệm và giữ liên hệ với quần chúng để nắm vững mọi thông tin, kịp thời điều chỉnh, chỉ đạo cho đúng hướng.

Phải tổ chức kiểm soát

Chủ tịch Hồ Chí Minh căn dặn: “Muốn chống bệnh quan liêu, bệnh bàn giấy; muốn biết các nghị quyết có được thi hành hay không, thi hành có đúng không; muốn biết ai ra sức làm, ai làm qua chuyện, chỉ có một cách là khéo kiểm soát. Kiểm soát khéo, bao nhiêu khuyết điểm lòi ra hết, hơn nữa kiểm tra khéo về sau khuyết điểm nhất định sẽ bớt đi". Vì thế, người lãnh đạo cần phải kiểm tra, kiểm soát thường xuyên bằng hai cách phối hợp.

Cách thứ nhất là kiểm tra từ trên xuống theo trình tự: cán bộ lãnh đạo trực tiếp - người phụ trách việc - tập thể giúp cùng thực hiện công việc. Đây là cách người lãnh đạo thay mặt tập thể kiểm tra, kiểm soát những công việc mà cán bộ dưới quyền mình được giao.

Cách thứ hai là kiểm tra từ dưới lên theo thứ tự: cán bộ chịu trách nhiệm trực tiếp - các bộ phận nhân sự liên quan - người lãnh đạo chính. Đây là cách cán bộ và quần chúng cấp dưới bày tỏ chính kiến, thái độ của tập thể đối với người lãnh đạo thông qua sự góp ý thẳng thắn, tích cực xây dựng trong các cuộc họp, buổi tranh luận công khai, dân chủ.

Chủ tịch Hồ Chí Minh dạy: “Cán bộ muốn cho xứng đáng, phải làm được việc”. Trong quá trình kiểm tra, kiểm soát, người lãnh đạo cần phải thực hành 5 phương châm để sâu sát tình hình cán bộ cấp dưới.

Một là, mắt thấy: Việc gì, ở chỗ nào cũng phải nhìn được, biết được cụ thể tận nơi.

Hai là, tai nghe: Tiếp thu ý kiến trực tiếp, không nghe qua trung gian phát ngôn.

Ba là, mồm nói: Luôn có chỉ đạo, hướng dẫn cụ thể, chứ không ậm ừ qua chuyện.

Bốn là, chân đi: Tìm hiểu các điều kiện, hoàn cảnh thực tế, thoát ly văn phòng.

Năm là, tay làm: Thể hiện sự mẫu mực trong công tác để tạo nên uy tín lãnh đạo.

Sử dụng và bổ nhiệm đúng cán bộ

Việc chọn người và thay người cũng là một khâu quan trọng trong công tác lãnh đạo. Chủ tịch Hồ Chí Minh từng nhắc nhở: “Chúng ta phải có kế hoạch, chính sách đối với cán bộ già, cán bộ trẻ. Già làm được việc gì thì giao làm việc ấy, không thì đối đãi thỏa đáng. Cán bộ trẻ có tài, đức thì phải mạnh dạn đề bạt”.

Thực tế cho thấy, cán bộ có bề nổi bằng cấp thường được cất nhắc, mặc dù chất lượng chuyên môn của những vị này hoàn toàn không tương xứng với văn bằng.

Ví dụ giáo sư A., tiến sỹ B., thạc sĩ C. chỉ có một công trình, luận văn duy nhất để đăng quang, rồi cả chục năm sau xa rời khoa học, bỏ bê nghiên cứu, thì không thể thạo việc và làm có kết quả tốt bằng vị E. chỉ có bằng trung cấp, nhưng chịu khó, ham tìm tòi học hỏi, phấn đấu vươn lên.

Bên cạnh chuyện “học giả, bằng thật”, còn nhiều kiểu cán bộ khác mà người lãnh đạo cần phải tỉnh táo, cân nhắc bằng lý trí, suy nghĩ cẩn thận, tránh đề bạt, bổ nhiệm nhầm những đối tượng như:

- Cơ hội: Luôn lắc đầu/gật đầu vô thưởng vô phạt, hễ thấy số đông nói đúng là theo hoặc nhiều người bảo sai cũng đồng ý; không có chính kiến rõ ràng, chỉ quan tâm những gì liên quan đến bản thân mình.

- Bất tài: Không có năng lực chuyên môn gì rõ ràng, tồn tại chủ yếu dựa vào thân quen, nịnh bợ, lấy lòng lãnh đạo rồi tự đánh bóng mình nhờ danh tiếng của lãnh đạo.

- Công thần: Cậy mình có thâm niên công tác, sống lâu lên lão làng, nên cứ lấy chủ quan của mình làm chuẩn mực, áp đặt ý kiến một cách thiển cận, chỉ biết khoét chân cho vừa giày, chứ không chịu sửa giày theo chân.

- Nói suông: Việc gì, chuyện gì cũng tham gia góp ý kiến, nhưng nội dung không có gì mới, chủ yếu chỉ để tán đồng với ý kiến người khác, nên những lời nói này chẳng có bất kỳ giá trị thực tế nào.

Cũng do tình trạng “bách nhân - đa tật” đó, cho nên, phương pháp sử dụng, bổ nhiệm cán bộ kế cận của người lãnh đạo càng quan trọng, vì nếu “lãnh đạo khéo, tài nhỏ có thể hóa ra tài to; lãnh đạo không khéo, tài to cũng hóa ra tài nhỏ”.

Sự ra đời của phương pháp làm việc và kiểm soát ngay trong giai đoạn đầu tiên của cuộc trường kỳ kháng chiến đã cho thấy, Chủ tịch Hồ Chí Minh rất coi trọng công tác lãnh đạo. Theo đó, người cán bộ phải luôn nâng cao năng lực, đổi mới tư duy, mở rộng tầm nhìn thì mới có thể lãnh đạo thành công. Trong sự nghiệp đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước hiện nay, việc xây dựng và rèn luyện đội ngũ cán bộ lãnh đạo vẫn là công tác cần thiết và thường xuyên.

Trước tình hình thời sự khá phổ biến là cán bộ được bầu hoặc bổ nhiệm đều phải giải quyết những vấn đề rộng hơn chuyên môn đã được đào tạo như phẩm chất lãnh đạo, năng lực tập hợp và điều hành những người có chuyên môn hoặc bằng cấp cao hơn mình, chỉ đạo một tập hợp gồm nhiều cá nhân với tính cách, tâm lý và lối sống khác nhau..., rất nhiều cơ quan nhà nước đã nảy sinh quan niệm nhầm lẫn giữa lãnh đạo và thực hành, giữa quyền lực và khoa học, khiến nhiều vị chức sắc cứ đinh ninh có quyền trong tay là quyết định được mọi vấn đề chuyên môn và kết quả là cán bộ lãnh đạo cứ phải đau đầu sửa sai cho nhau, dẫn đến mất uy tín trầm trọng.

Vì thế, hơn lúc nào hết, chúng ta phải nhận thức sâu sắc và đúng đắn tính chất quan trọng, cấp thiết của việc xây dựng và hoàn thiện đội ngũ cán bộ lãnh đạo nhằm tạo ra những thế hệ lãnh đạo đủ tài, tâm và tầm để thực hiện thắng lợi đường lối, chính sách mà Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng đã đề ra.

Đỗ Hoàng Linh (Nguyên Phó giám đốc phụ trách Khu Di tích Chủ tịch Hồ Chí Minh tại Phủ Chủ tịch)

Nguồn Đầu Tư: https://baodautu.vn/phuong-phap-lam-viec-va-kiem-soat-cua-nguoi-can-bo-lanh-dao-d215286.html