Phương Tây đã ủng hộ những gì cho Ukraine kể từ đầu xung đột?
Kể từ khi cuộc xung đột Nga - Ukraine bùng phát vào cuối tháng 2/2022, phương Tây đã dành rất nhiều sự ủng hộ cho Kiev, cả về quân sự, chính trị lẫn kinh tế.
Lời tòa soạn
Cuộc xung đột Nga - Ukraine đã kéo dài hơn 3 năm rưỡi và chưa có dấu hiệu sớm kết thúc. Sự chênh lệch về kho vũ khí, nguồn nhân lực, sức mạnh kinh tế cùng sự ủng hộ và trợ giúp từ bên ngoài được coi là những yếu tố chính ảnh hưởng đến tiến trình và kết quả của cuộc xung đột này.
Bài 1: Tương quan quân sự Nga - Ukraine trước và sau 3 năm xung đột
Bài 2: So sánh quy mô và năng lực giữa quân đội Nga và Ukraine
Theo báo cáo của Viện Kinh tế thế giới Kiel (IfW Kiel), sự ủng hộ của phương Tây dành cho Ukraine vẫn được duy trì trong suốt gần 3 năm rưỡi qua, dù có xu hướng chậm lại trong thời gian gần đây.
Về cơ bản, viện trợ của phương Tây dành cho Ukraine được chia làm 3 loại chính, gồm hỗ trợ tài chính (các khoản vay, tài trợ tiền mặt…), viện trợ nhân đạo (thực phẩm, thuốc men…) và viện trợ quân sự (vũ khí, đạn dược…).
Nước ủng hộ lớn nhất cho Kiev kể từ đầu xung đột là Mỹ với 120 tỷ USD, tập trung chủ yếu vào viện trợ quân sự. Trong khi đó, tổng số tiền viện trợ cho Ukraine của các tổ chức và định chế thuộc Liên minh châu Âu (EU) như Ngân hàng Đầu tư châu Âu (EIB), Cơ chế bảo vệ dân sự EU của Ủy ban châu Âu (EC), Cơ quan Hành động đối ngoại châu Âu (EEAS) là 52,1 tỷ USD.
Nếu tính tổng số tiền viện trợ của các định chế và các nước thành viên EU, con số này rơi vào khoảng 137,6 tỷ USD. Hai quốc gia châu Âu viện trợ nhiều nhất cho Ukraine là Đức (18,1 tỷ USD) và Anh (15,4 tỷ USD). Trong số các nước ngoài EU, Nhật Bản là nhà tài trợ lớn nhất của Kiev với khoảng 11 tỷ USD.

Tổng thống Mỹ Donald Trump và Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky. Ảnh: NYT
Về mặt quân sự, Ukraine gần như đã nhận được những loại vũ khí hiện đại nhất của phương Tây, từ các tên lửa tầm xa như ATACMS và Storm Shadow, các hệ thống phòng không Patriot và Iris-T, hàng chục xe tăng chiến đấu Abrams và Leopard 2 cho tới tiêm kích F-16. Những khí tài này đã góp phần giúp các lực lượng Kiev đứng vững trước sức ép của quân Nga, thậm chí tạo ra một số bước tiến đáng chú ý như chiến dịch đột kích bất ngờ vào vùng biên giới Kursk của Nga.
Mới đây nhất, tại cuộc họp ngày 14/7 với Tổng thư ký NATO Mark Rutte, Tổng thống Trump tuyên bố sẽ "gửi hàng tỷ USD" vũ khí cho Ukraine, bao gồm 17 hệ thống tên lửa phòng không Patriot mà Kiev đang cần tới. Theo nguồn tin của Axios, trong đợt đầu tiên, Mỹ dự kiến bán cho các nước NATO khoảng 10 tỷ USD vũ khí để chuyển cho Ukraine, trong đó có tên lửa tầm xa.
Trước đó, giới chức Đức cũng thông báo rằng Ukraine sẽ nhận được lô vũ khí tầm xa đầu tiên do Berlin tài trợ trong tháng 7, qua đó tăng cường khả năng phòng thủ và phản công trước các cuộc tấn công của Nga. Tuy vậy, Bộ trưởng Quốc phòng Đức Boris Pistorius nhấn mạnh rằng nước này sẽ không cung cấp tên lửa hành trình Taurus và hệ thống Patriot cho Kiev.
Về mặt chính trị, số lệnh trừng phạt do phương Tây áp đặt lên Nga kể từ đầu cuộc xung đột đã nhiều hơn tổng số lệnh trừng phạt dành cho 6 quốc gia khác gồm Iran, Syria, Triều Tiên, Belarus, Myanmar và Venezuela. Riêng Mỹ đã triển khai khoảng 6.500 lệnh trừng phạt Moscow, dù phần lớn những biện pháp này chỉ mang tính biểu tượng, thông qua cách đóng băng tài sản của các nhân vật thân cận với Điện Kremlin.
Tuy vậy, những biện pháp cấm vận nhắm vào các ngành công nghiệp năng lượng và tài chính đã gây ra khó khăn không nhỏ với xứ sở bạch dương và đây là những lệnh trừng phạt Moscow muốn được dỡ bỏ.
Một tín hiệu tích cực khác với Ukraine là giọng điệu của Tổng thống Mỹ Donald Trump về Nga đã thay đổi trong những ngày vừa qua. Lãnh đạo Nhà Trắng mới đây đã bày tỏ sự thất vọng về cuộc điện đàm với Tổng thống Nga Vladimir Putin, cáo buộc Moscow không có ý định dừng chiến dịch quân sự đặc biệt.