Quốc hội Iran ra điều kiện nối lại đàm phán với Mỹ
Ngày 16/7, truyền thông nhà nước Iran dẫn tuyên bố của Quốc hội nước này cho biết Tehran sẽ không nối lại đàm phán với Mỹ về vấn đề hạt nhân cho đến khi các điều kiện tiên quyết được đáp ứng.

Ngoại trưởng Iran Abbas Araghchi phát biểu tại thủ đô Tehran. (Ảnh: IRNA/TTXVN)
Ngày 16/7, truyền thông nhà nước Iran dẫn tuyên bố của Quốc hội nước này cho biết Tehran sẽ không nối lại đàm phán với Mỹ về vấn đề hạt nhân cho đến khi các điều kiện tiên quyết được đáp ứng.
Tuyên bố khẳng định: “Cần đề ra các điều kiện tiên quyết và sẽ không có cuộc đàm phán mới nào cho đến khi những điều kiện này được đáp ứng đầy đủ.”
Phía Iran không nêu cụ thể có những điều kiện tiên quyết gì, song theo tuyên bố trước đó của Ngoại trưởng nước này Abbas Araghchi, Iran cần được đảm bảo rằng sẽ không phải hứng chịu thêm bất kỳ cuộc tấn công nào khác.
Đêm 12/6, Israel đã tiến hành các cuộc không kích nhằm vào nhiều mục tiêu quân sự và hạt nhân của Iran. Tiếp đó, đêm 21/6, Mỹ cũng tiến hành một đợt không kích lớn nhằm vào các cơ sở hạt nhân trọng yếu của Nhà nước Hồi giáo.
Đáp lại, Iran cũng đã không kích lãnh thổ Israel và tấn công căn cứ quân sự Mỹ tại Qatar. Sau đó, các bên đạt được thỏa thuận ngừng bắn ngày 24/6, mở đường cho Mỹ và Iran tiến hành 5 vòng đàm phán gián tiếp về chương trình hạt nhân mà cho đến nay Tehran vẫn luôn khẳng định chỉ phát triển vì mục đích dân sự.
Hiện Mỹ đang yêu cầu Iran từ bỏ chương trình hạt nhân để để đạt được thỏa thuận.
Tuy nhiên, trong tuyên bố đưa ra hồi tuần trước, Ngoại trưởng Iran Araghchi tái khẳng định nước Cộng hòa Hồi giáo sẽ không nhất trí với bất kỳ thỏa thuận nào ngăn cản nước này làm giàu urani, đồng thời sẽ từ chối thảo luận về các chủ đề khác ngoài vấn đề hạt nhân, vì dụ như chương trình tên lửa đạn đạo.
Trong thông báo ngày 16/7, Tổng thống Mỹ Donald Trump nói rằng ông “không vội” đàm phán với Iran bởi các cơ sở hạt nhân của nước này đã bị "xóa sổ."
Hiện Mỹ, Anh, Đức và Pháp đã thống nhất chọn cuối tháng 8 là hạn chót cho việc đạt được thỏa thuận mới với Iran.
Ngoại trưởng Pháp Jean-Noel Barrot cảnh báo nếu thời hạn trên không được đáp ứng, 3 nước châu Âu sẽ kích hoạt “cơ chế tái áp đặt trừng phạt" được quy định trong thỏa thuận trước đó.
Trong khi đó, các nước thành viên Tổ chức Hợp tác Thượng Hải (SCO) yêu cầu phải đảm bảo các quyền hợp pháp về hạt nhân của Iran.
Ngoại trưởng Nga Sergey Lavrov ngày 16/7 nêu rõ SCO tái khẳng định cam kết đảm bảo quyền lợi của Iran trong việc sử dụng năng lượng hạt nhân vì mục đích hòa bình.
Ông cũng cho biết đã có cuộc thảo luận với người đồng cấp Iran tại Thiên Tân (Trung Quốc) để bàn về giải pháp cho chương trình hạt nhân, đồng thời tôn trọng quyết định của Tehran trong việc từ bỏ vũ khí hạt nhân.
Bộ trưởng Ngoại giao Trung Quốc Vương Nghị cũng khẳng định Bắc Kinh sẽ tiếp tục ủng hộ Iran trong việc bảo vệ chủ quyền quốc gia, bảo vệ các quyền và lợi ích chính đáng thông qua đàm phán chính trị và tuân thủ nguyên tắc láng giềng hữu nghị nhằm không ngừng cải thiện và phát triển quan hệ với các nước láng giềng.
Ngoài ra, Trung Quốc ủng hộ Iran duy trì đối thoại với tất cả các bên và tiếp tục phát huy vai trò xây dựng trong việc thúc đẩy giải quyết vấn đề hạt nhân Iran, cũng như duy trì ổn định tại Trung Đông./.