Phương Tây 'giúp' Trung Quốc phát triển công nghệ cao?

Theo nghiên cứu của chuyên gia Mathilde Velliet, chuyên về các công nghệ mới, chính sách công nghệ của Mỹ và Trung Quốc tại Viện Quan hệ quốc tế Pháp (IFRI), các dự án đầu tư chồng chéo vào Trung Quốc, Mỹ và châu Âu dường như đã giúp chính đối thủ của mình phát triển mạnh mẽ lĩnh vực công nghệ cao.

4 lĩnh vực chiến lược

Theo đài RFI, nghiên cứu của bà Velliet tập trung vào những khoản đầu tư của châu Âu và Mỹ tại Trung Quốc trong giai đoạn 2003-2023 - đó là thời điểm công nghệ mới tại Trung Quốc cất cánh rất nhanh. Công nghệ sinh học và trí tuệ nhân tạo (AI) của Trung Quốc là 2 lĩnh vực sớm được các đối tác phương Tây quan tâm.

 Dây chuyền sản xuất chip bán dẫn của một công ty tại TP Suqian, tỉnh Giang Tô, Trung Quốc. Ảnh: REUTERS

Dây chuyền sản xuất chip bán dẫn của một công ty tại TP Suqian, tỉnh Giang Tô, Trung Quốc. Ảnh: REUTERS

Theo bà Velliet, mục đích chính của công trình nghiên cứu, trước hết nhằm điểm lại xem trong số những dự án đầu tư của châu Âu và Mỹ vào Trung Quốc có thuộc diện “có vấn đề” đối với an ninh, chiến lược của Washington cũng như Brussels hay không.

“Tôi đã tập trung vào 4 lĩnh vực công nghệ mang tính chiến lược gồm: AI, công nghệ bán dẫn, công nghệ sinh học và thông tin lượng tử. Đây là 4 “chìa khóa” của toàn bộ ngành công nghiệp trong tương lai, liên quan đến cả thương mại lẫn quân sự. 4 lĩnh vực này cũng đang là tâm điểm của những mối căng thẳng tại Washington và Brussels xung quanh chính sách đầu tư của châu Âu, Mỹ ra nước ngoài”, chuyên gia của IFRI nói.

Khác biệt chính giữa Mỹ và châu Âu là về số lượng các dự án đầu tư. Trong cả 4 lĩnh vực nêu trên, Mỹ là nguồn đầu tư ngoại quốc lớn nhất vào Trung Quốc với tổng cộng 1.602 dự án trong 2 thập niên qua. Con số này cao hơn rất nhiều so với 149 dự án của Liên minh châu Âu (EU) trong cùng thời kỳ. Ngoài ra, châu Âu chú ý nhiều vào các chương trình hợp tác trong lĩnh vực AI để sử dụng trong một vài lĩnh vực công nghiệp cụ thể như trong ngành sản xuất xe hơi hay ngành kỹ thuật hóa học. Điển hình là Đức, đầu tư vào các dự án với Trung Quốc giúp ích cho ngành sản xuất xe hơi.

Trái lại, các dự án của Mỹ đa dạng hơn gồm cả 4 lĩnh vực. Khác biệt nữa giữa các dự án đầu tư của châu Âu và Mỹ vào Trung Quốc là tính chiến lược. Tuy nhiên, Nhà Trắng đã thông qua sắc lệnh để hạn chế đầu tư trực tiếp của các doanh nghiệp Mỹ vào Trung Quốc, trong lúc EU thì vẫn còn đang trong giai đoạn suy nghĩ và tránh nhắm thẳng vào Trung Quốc.

Vết dầu loang

Trong 4 lĩnh vực then chốt, Mỹ và châu Âu đặc biệt chú ý đến AI và công nghệ sinh học. Tuy nhiên, phương Tây chỉ chiếm thiểu số trong cả 4 mảng công nghệ mới. Trung Quốc và các ngân hàng của nước này đài thọ 78% các dự án phát triển công nghệ sinh học và bán dẫn; 77% vào AI; 84% vào các phương tiện tin học lượng tử. Đến nay, Mỹ trực tiếp tham gia vào 2 chương trình đầu tư phát triển thông tin lượng tử cho Bắc Kinh, Italy có 1 dự án. Tuy nhiên, trong tất cả những lĩnh vực nhạy cảm vừa nêu, 3/4 trong số các dự án châu Âu, Mỹ được phép tham gia, đều là những liên doanh với các hãng của Trung Quốc.

Nhưng tại sao Mỹ và EU lo ngại về các khoản đầu tư dù khá ít ỏi (so sánh về số lượng dự án) vào Trung Quốc? Theo bà Velliet, điều khiến Washington lo ngại giờ đây không chỉ vì Trung Quốc đã phát triển nhờ gặt hái những thành quả từ các khoản đầu tư trực tiếp của Mỹ, mà còn có thể từ đó tiếp cận nhiều đối tác của Mỹ, tạo được uy tín để thu hút thêm các dự án đầu tư khác…

Chính hiện tượng vết dầu loang đó đã giúp cho công nghệ cao của Trung Quốc nhanh chóng vươn lên. Trong khi đó, Brussels đặc biệt quan ngại trước viễn cảnh đầu tư của châu Âu cho phép Trung Quốc nâng cao khả năng quân sự, phát triển những công cụ tấn công tin học...

Qua nghiên cứu của chuyên gia IFRI, có thể thấy mức độ phức tạp và chồng chéo trong mối liên hệ giữa các tập đoàn của Mỹ, châu Âu với Trung Quốc. Và như vậy, sẽ không dễ áp dụng những sắc lệnh trừng phạt các công ty Trung Quốc khi mà những doanh nghiệp này đã gắn kết quá chặt chẽ với chính những tập đoàn công nghệ cao hàng đầu của Mỹ, với các quỹ đầu tư lớn nhất của xứ cờ hoa.

Hiện có ít nhất 2 dự án của Đức tại Trung Quốc liên quan trực tiếp đến các thực thể bị Mỹ đưa vào “danh sách đen” (dự án trái ngược với lợi ích của Mỹ). Pháp đầu tư vào Trung Quốc qua trung gian Cathay Capital, nhưng từ đầu tháng 1-2024, một trong những thành viên của Cathay bị Washington đưa vào danh sách trừng phạt.

Ngay cả Mỹ, trong số 1.602 dự án đầu tư của Mỹ vào Trung Quốc, có 12 thực thể Trung Quốc trong các lĩnh vực AI và công nghệ bán dẫn nằm trong “danh sách đen”…

MINH CHÂU

Nguồn SGGP: https://sggp.org.vn/phuong-tay-giup-trung-quoc-phat-trien-cong-nghe-cao-post751460.html