Phương Tây kích hoạt 'cuộc đua' thoát uranium của Nga

Bên cạnh dầu khí, nhiên liệu hạt nhân là thứ mà Mỹ và các đồng minh phương Tây rất muốn độc lập khỏi Nga.

Ở một góc xa xôi và đầy bụi bặm của bang New Mexico, rất gần biên giới Texas là một nhà máy đang hoạt động, đây là cơ hội tốt nhất để Mỹ thoát khỏi sự phụ thuộc vào nguồn cung uranium làm giàu của Nga.

Theo các nhà quan sát của hãng tin Bloomberg, chính từ đây, cuộc đua mang tầm thế giới nhằm loại bỏ các dịch vụ của Tập đoàn năng lượng nguyên tử Nga Rosatom sẽ bắt đầu.

Các sự kiện và tình hình xung quanh Ukraine đang buộc Mỹ và châu Âu phải tìm kiếm các nguồn uranium làm giàu thay thế, để cung cấp năng lượng cho các lò phản ứng của họ.

Nhưng đây là nhiệm vụ cực kỳ khó khăn và không thể hoàn thành trong một sớm một chiều khi toàn bộ ngành công nghiệp Mỹ cần phải được cải cách.

Mỹ đang nỗ lực mở rộng khả năng sản xuất nhiên liệu uranium đã làm giàu.

Mỹ đang nỗ lực mở rộng khả năng sản xuất nhiên liệu uranium đã làm giàu.

Nhà máy Urenco trị giá 5 tỷ USD cung cấp khoảng 1/3 nhu cầu làm giàu uranium của Mỹ và đang trong quá trình tăng sản lượng thêm 15%.

Đây là trọng tâm của dự án xuyên Đại Tây Dương nhằm khởi động lại hoạt động sản xuất nhiên liệu để cung cấp năng lượng cho hàng loạt lò phản ứng hạt nhân của phương Tây. Đây là yếu tố then chốt trong việc tạo ra an ninh năng lượng và nỗ lực giảm lượng khí thải carbon dioxide.

Công ty Urenco là nhà cung cấp thương mại nhiên liệu uranium đã làm giàu duy nhất ở Bắc Mỹ.

Hiện tại, khoảng một nửa nguồn cung của thế giới đến từ Nga, đây là một thực tế khó chịu đối với các nhà lãnh đạo Mỹ và châu Âu sau rất nhiều lệnh trừng phạt áp đặt lên Moskva.

Tập đoàn Rosatom vẫn là nhà sản xuất uranium lớn nhất thế giới khi cung cấp cho gần 1/4 trong số 92 lò phản ứng hạt nhân của Mỹ và hàng chục nhà máy điện khác ở châu Âu cũng như châu Á.

Theo tờ Bloomberg, các chính phủ phương Tây thậm chí còn phải cố gắng tránh áp đặt lệnh trừng phạt chống lại Rosatom vì có thể gây tổn hại cho ngành công nghiệp hạt nhân và nền kinh tế của chính họ.

Xây dựng lại chu trình nhiên liệu ở Bắc Mỹ và tăng cường năng lực cho các nhà cung cấp tại châu Âu là một công việc phức tạp. Nếu các nước phương Tây thất bại trong nỗ lực này, họ sẽ phải đối mặt với một lựa chọn khó chịu đó là phải tiếp tục dựa vào Tập đoàn Rosatom.

Với việc hầu hết các công ty điện lực chỉ dự trữ nhiên liệu trong 18 tháng, nếu Nga ngừng bán uranium, các lò phản ứng hiện tại có thể phải sớm ngừng hoạt động do thiếu nguồn cung thay thế và đây thực sự là một thảm họa.

Phương Tây khẳng định nguồn cung quặng uranium không bị ảnh hưởng khi đảo chính tại Niger diễn ra.

Theo Bloomberg

Sao Đỏ

Nguồn GD&TĐ: https://giaoducthoidai.vn/phuong-tay-kich-hoat-cuoc-dua-thoat-uranium-cua-nga-post651749.html