Phương Tây quay lưng rồi lại mời tái hợp G-7: Ông Putin cảm ơn nhưng 'lắc đầu' đầy kiêu hãnh?

Mỹ và Pháp muốn cho Nga cơ hội quay trở lại câu lạc bộ G-7 nhưng đó không phải là điều mà Tổng thống Putin cảm thấy hứng thú.

Tổng thống Putin vưa có chuyến thăm Pháp trước thềm hội nghị G-7.

Tổng thống Putin vưa có chuyến thăm Pháp trước thềm hội nghị G-7.

G-7 không còn hứng thú với Nga

Tổng thống Donald Trump không giấu diếm ý định đưa Nga trở lại câu lạc bộ G-7 sau khi nước này mất tư cách thành viên vì sáp nhập Crimea năm 2014. Nhưng có vẻ như Tổng thống Nga Vladimir Putin không tỏ ra hứng thú trước việc được tái hợp với phương Tây, theo Bloomberg.

Ông Trump - người từng kêu gọi quay trở lại định dạng G-8 ban đầu vào năm ngoái - nhấn mạnh rằng, việc tái gia nhập của Nga sẽ là “phù hợp” vì có rất nhiều điều mà các thành viên trong nhóm cần phải làm việc với Nga.

Theo giới quan sát, tuyên bố của ông Trump được coi là một điều khá thực tế đối với phương Tây, ngay cả khi hình ảnh của Nga đối với họ ngày càng xấu đi sau cáo buộc can thiệp bầu cử, cũng như vai trò của Tổng thống Putin trong việc phá bỏ trật tự quốc tế do Mỹ lãnh đạo.

Bên cạnh đó, nếu tính đến ngang giá sức mua (PPP), Nga là nền kinh tế lớn thứ 6 toàn cầu. Nếu tư cách thành viên của G-7 được xác định bởi quy mô sản xuất kinh tế, Nga, cùng với Trung Quốc, Ấn Độ, Indonesia và Brazil, có tư cách tốt hơn so với một số thành viên hiện tại (mặc dù nếu không tính đến PPP – Nga chỉ có nền kinh tế lớn thứ 12). Nhóm bảy quốc gia G-7 hiện tại là Canada, Pháp, Đức, Ý, Nhật Bản, Anh và Mỹ.

Trong năm nay, Tổng thống Trump dường như đang tích cực vận động các thành viên khác của câu lạc bộ G-7, đặc biệt là Tổng thống Pháp Emmanuel Macron - người mà ông coi là ủy quyền cho tất cả các nhà lãnh đạo châu Âu - để đưa Nga trở lại.

Cho đến nay, Tổng thống Pháp vẫn chưa hoàn toàn thực hiện lời kêu gọi này: Không giống như ông Trump, ông Macron muốn Nga phải thực hiện các điều kiện để giải quyết cuộc khủng hoảng Ukraine phù hợp với các thỏa thuận Minsk trước khi trở lại.

Tuy nhiên, có vẻ như các nước phương Tây đang tự định hình cuộc chơi một mình mà không lắng nghe đến ý kiến của Nga như thế nào, mà theo như tờ Bloomberg mô tả, nó giống như việc tự sắp xếp nước cờ mà không xem xét đối thủ của mình nghĩ gì.

Kể từ năm 2014 đến nay, Tổng thống Putin đã nhiều lần nói rằng, Nga đã không còn là thành viên G-8 và cảm thấy hứng thú nhiều hơn đến các mạng lưới khu vực khác nhau như G-20 hay nhóm các nền kinh tế mới nổi BRICS - Brazil, Ấn Độ, Trung Quốc và Nam Phi. Lần cuối cùng Tổng thống Nga nói đến điều này là sau cuộc gặp với Tổng thống Macron.

Nga sẽ cảm ơn và từ chối?

Hình ảnh G-7 giờ đây trở nên quen thuộc khi không còn Nga.

Hình ảnh G-7 giờ đây trở nên quen thuộc khi không còn Nga.

Sẽ là sai lầm khi giải thích những tuyên bố nói trên chỉ là những lời “dỗi hờn” từ ông Putin về việc Nga bị loại khỏi nhóm 7 nước để rồi giờ lại mời gọi quay về. Bởi trên thực tế, G-7 thực sự không phải là một định dạng mà Nga lưu luyến.

Trước khi Nga bị trục xuất khỏi G-8 năm 2014, các thành viên còn lại trong nhóm thường có xu hướng không đồng ý với Tổng thống Putin về hầu hết mọi thứ. Và dù sao, việc tham gia của ông vào các cuộc thảo luận nhóm cũng chẳng giúp ngăn chặn các cuộc can thiệp của quân đội phương Tây mà Nga không đồng tình, đặc biệt là ở Iraq và Libya.

Trong khi đó, các vấn đề kinh tế khác của Nga lại phù hợp với định dạng G-20 ở quy mô rộng hơn.

Việc Nga được phục hồi tư cách G-7 sẽ không mang lại bất kỳ lợi ích hữu hình nào như việc nới lỏng các lệnh trừng phạt của phương Tây. Nó chỉ đơn thuần là một diễn đàn khác để ông Putin gặp gỡ các nhà lãnh đạo phương Tây – điều mà ông cũng chẳng thiếu thốn gì.

Theo một cách nào đó, các cuộc thảo luận về việc mời Nga trở lại chỉ là để khiến ông Putin thực hiện cam kết của mình hơn là vì lý do tư cách thành viên.

Câu hỏi khó hiểu nhất là liệu việc thực hiện đầy đủ các thỏa thuận Minsk có cần thiết là lý do để ông Macron sát cánh với đề nghị của ông Trump hay không. Cùng với đó là việc các nước phương Tây có đồng ý cho Nga trở lại G-7 mà không cần phải từ bỏ lập trường về Crimea?

Với những lý do trên, sẽ là dễ hiểu khi bộ Ngoại giao Nga đã phản ứng với ý định của phương Tây bằng cách đưa ra yêu cầu cụ thể. “Những đề xuất như vậy nếu chúng có tồn tại thì phải được trình bày và chuyển cho phía Nga để xem xét”, phát ngôn viên bộ Ngoại giao Nga Maria Zakharova cho hay. “Bây giờ thật khó để hiểu điều này có nghĩa là gì”.

Ở phía ngược lại, đối với các thành viên phương Tây khác ngoài Mỹ và Pháp của G-7, câu hỏi lớn là họ sẽ nhận được gì từ việc ông Putin trở lại.

Không những thế, Phương Tây sẽ tự đánh mất thể diện của mình nếu gửi lời mời Nga trở lại G-7 trong khi Tổng thống Putin vẫn cương quyết không nhượng bộ vấn đề Crimea.

Và đặc biệt hơn, một lời mời như vậy sẽ cho ông chủ Kremlin một cơ hội từ chối đầy kiêu hãnh và làm bẽ mặt những người đồng cấp phương Tây.

Nguồn Người Đưa Tin: https://nguoiduatin.vn/phuong-tay-quay-lung-roi-lai-moi-tai-hop-g-7-ong-putin-cam-on-nhung-lac-dau-day-kieu-hanh-a446644.html