Phương thức thi nào cũng sẽ sẵn sàng nếu dạy tốt, học tốt

'Nếu dạy tốt, học tốt phương thức nào cũng sẽ sẵn sàng', Thứ trưởng Phạm Ngọc Thưởng chia sẻ tại Hội nghị về Kỳ thi tốt nghiệp THPT ngày 20/9.

Thứ trưởng Phạm Ngọc Thưởng trao Bằng khen của Bộ trưởng Bộ GD&ĐT cho các tập thể có nhiều đóng góp trong tổ chức Kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2023.

Thứ trưởng Phạm Ngọc Thưởng trao Bằng khen của Bộ trưởng Bộ GD&ĐT cho các tập thể có nhiều đóng góp trong tổ chức Kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2023.

Ngày 20/9, tại Hà Nội, Bộ GD&ĐT tổ chức Hội nghị tổng kết công tác tổ chức Kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2023 và triển khai phương hướng, nhiệm vụ Kỳ thi năm 2024. Thứ trưởng Phạm Ngọc Thưởng, Trưởng Ban Chỉ đạo cấp quốc gia Kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2023 chủ trì Hội nghị.

Dự Hội nghị có các thành viên Ban Chỉ đạo cấp quốc gia Kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2023 và tổ giúp việc Ban Chỉ đạo; đại diện một số cục, vụ liên quan của Bộ GDĐT; đại diện Cục Nhà trường (Bộ Quốc phòng), Cục Đào tạo (Bộ Công an) và đại diện 63 sở GDĐT.

Phương châm “4 đúng, 3 không” đã được thực hiện tốt

Ghi nhận các ý kiến tâm huyết, trách nhiệm của đại diện Bộ Công an, các sở GD&ĐT, chuyên gia trao đổi tại Hội nghị, Thứ trưởng Phạm Ngọc Thưởng đồng thời gửi lời cảm ơn tới các Bộ, ngành, địa phương, đơn vị, trong chủ trì và phối hợp tổ chức thành công Kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2023.

“Có thể đánh giá kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2023 thành công, đảm bảo khách quan, công bằng, đúng quy chế, tạo niềm tin, dư luận xã hội tốt”. Chia sẻ điều này, một số kết quả cụ thể, bài học kinh nghiệm từ kỳ thi năm 2023 được Thứ trưởng nhấn mạnh.

Theo đó, trước hết là bài học về công tác lãnh đạo, chỉ đạo kịp thời, thông suốt quyết liệt từ Trung ương tới địa phương; từ hệ thống văn bản chỉ đạo bao quát, tới việc thành lập bộ máy điều hành chỉ đạo, lựa chọn con người, chuẩn bị cơ sở vật chất…

Thứ trưởng Phạm Ngọc Thưởng phát biểu kết luận Hội nghị.

Thứ trưởng Phạm Ngọc Thưởng phát biểu kết luận Hội nghị.

“Phương châm “4 đúng, 3 không” đã được thực hiện tốt, phù hợp, đáp ứng yêu cầu đề ra. “4 đúng” là đúng quy chế và hướng dẫn thi; đúng đủ quy trình, không được bỏ bất cứ một quy trình nào; đúng vị trí chức trách nhiệm vụ được giao; đúng thời điểm, kịp thời xử lý các tình huống bất thường. “3 không” là không lơ là chủ quan; không tự ý xử lý tình huống bất thường; không căng thẳng áp lực quá mức”, Thứ trưởng nói.

Cũng theo Thứ trưởng, bài học kinh nghiệm còn thể hiện ở sự chủ động của địa phương, đặc biệt là các sở GD&ĐT; công tác phối hợp nhịp nhàng, thông suốt giữa ban chỉ đạo thi các cấp; công tác đảm bảo an ninh, an toàn cho kỳ thi; công tác thanh tra, kiểm tra; công tác thông tin, truyền thông đúng, đủ, kịp thời; công tác chuyên môn với những đổi mới, ứng dụng mạnh mẽ trong công nghệ thông tin, những điều chỉnh nhỏ mang lại hiệu quả lớn như điều chỉnh về phương pháp và thời gian truy cập kết quả thi…

Kinh nghiệm quý báu từ việc tổ chức các kỳ thi trước cũng được Thứ trưởng Phạm Ngọc Thưởng nhắc tới như là một trong những bài học mang lại thành công cho Kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2023.

Hội nghị tổng kết công tác tổ chức Kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2023 và triển khai phương hướng, nhiệm vụ kỳ thi năm 2024.

Hội nghị tổng kết công tác tổ chức Kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2023 và triển khai phương hướng, nhiệm vụ kỳ thi năm 2024.

Xem xét để có những điều chỉnh phù hợp với thực tế

Bên cạnh kết quả đạt được, theo Thứ trưởng vẫn còn một số hạn chế trong tổ chức kỳ thi năm 2023, như: vẫn còn thí sinh vi phạm quy chế và một số giáo viên chưa thực hiện đúng, đủ quy trình quy định khi coi thi; còn tình trạng công tác tham mưu, kiểm tra trước kỳ thi chậm, muộn tại một số địa phương; còn chậm muộn trong việc tổ chức đăng ký của thí sinh tự do tại một số trường; một số văn bản từng bước hoàn thiện qua nhiều năm nhưng vẫn cần hoàn thiện để làm tốt hơn; đề thi vẫn cần phải tiếp tục rà soát, kiểm soát chặt chẽ hơn nữa…

Với tinh thần giữ ổn định kỳ thi năm 2024 như giai đoạn 2020-2023, Thứ trưởng cho biết, Bộ GD&ĐT sẽ tiếp tục rà soát, xem xét để có những điều chỉnh mang tính kỹ thuật phù hợp với thực tế, khắc phục được những khó khăn, hạn chế của kỳ thi các năm trước.

Với phương án thi từ năm 2025, Thứ trưởng lưu ý các địa phương trong việc chuẩn bị tâm thế cho học sinh để các em không quá lo lắng. Hiện nay, Bộ GD&ĐT đang tích cực triển khai hoàn thiện phương án, làm kỹ lưỡng với phương châm: gọn nhẹ, không căng thẳng, áp lực, không gây tốn kém, có lộ trình, có đổi mới nhưng có kế thừa, tiếp thu.

Nhấn mạnh quan điểm “nếu dạy tốt, học tốt phương thức nào cũng sẽ sẵn sàng”, Thứ trưởng mong lãnh đạo Sở GD&ĐT sẽ tiếp tục làm tốt công tác định hướng chuyên môn trong việc dạy và học tới các nhà trường, giáo viên.

Tại Hội nghị, đại diện Bộ Công an, đại diện một số sở GDĐT đã có những trao đổi về kinh nghiệm tổ chức kỳ thi năm 2023, thuận lợi, khó khăn trong quá trình tổ chức và nêu kiến nghị, đề xuất về giải pháp thực hiện cho Kỳ thi năm 2024.

Từ góc độ chuyên gia, GS.TSKH Đỗ Đức Thái, Trường ĐH Sư phạm Hà Nội đã có những chia sẻ liên quan đến phương án tổ chức Kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2025 như kinh nghiệm quốc tế; phương thức cách thức tổ chức; định dạng câu hỏi thi tốt nghiệp THPT…

Nhân dịp này, một số tập thể, cá nhân có nhiều đóng góp trong tổ chức Kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2023 đã được Bộ trưởng Bộ GD&ĐT tặng bằng khen.

Hiếu Nguyễn

Nguồn GD&TĐ: https://giaoducthoidai.vn/phuong-thuc-thi-nao-cung-se-san-sang-neu-day-tot-hoc-tot-post654780.html