Phường Trần Đăng Ninh: Hỗ trợ người dân tương tác với chính quyền trên môi trường số
Phường Trần Đăng Ninh (thành phố Nam Định) có dân số đông, thành phần dân cư đa dạng. Qua phân tích tình hình dân cư trên địa bàn, xác định một bộ phận người dân kỹ năng tiếp cận công nghệ thông tin còn hạn chế, dẫn tới việc hướng dẫn nhân dân trong địa bàn sử dụng các dịch vụ công trên môi trường mạng gặp khó khăn. Để tháo gỡ khó khăn đó, UBND phường đã xây dựng mô hình “Hỗ trợ người dân tương tác với chính quyền trên môi trường số” nhằm hỗ trợ, hướng dẫn và đồng hành cùng người dân trong hành trình chuyển đổi số.
Đến làm thủ tục khai sinh cho con gái mới sinh tại bộ phận "một cửa" của phường Trần Đăng Ninh, anh Trần Văn Phúc, khu phố Nguyễn Hiền cho biết: "Mải lo công việc nên tôi không để tâm nhiều tới việc sử dụng dịch vụ công trực tuyến nên trước khi đến làm thủ tục tại phường cảm thấy lo lắng. Tuy nhiên, các cán bộ bộ phận “một cửa” tận tình hướng dẫn, tôi nhanh chóng hoàn thành các thao tác, toàn bộ quá trình đều trên máy. Ngoài ra tôi còn được hướng dẫn thêm cách sử dụng phần mềm VNeID để trực tiếp nộp hồ sơ tại nhà, không cần trực tiếp đến trụ sở phường nữa. Tôi thấy có rất nhiều tiện ích. Từ những lần sau nếu cần thì tôi sẽ làm trực tuyến và hướng dẫn người nhà, tư vấn cho bạn bè".
Cũng như anh Phúc, đa phần người dân trên địa bàn phường Trần Đăng Ninh đã thấy được hiệu quả của việc sử dụng dịch vụ công trực tuyến trong giải quyết thủ tục hành chính (TTHC) và tương tác với chính quyền trên môi trường số. Năm 2023 và 6 tháng đầu năm 2024, phường đã tiếp nhận và giải quyết gần 5.000 hồ sơ bằng hình thức trực tuyến; 100% hồ sơ được giải quyết đúng và trước hạn. Tỷ lệ hài lòng của người dân, doanh nghiệp đạt 100%. Xếp hạng chỉ số cải cách hành chính của phường Trần Đăng Ninh nằm trong tốp 10 phường, xã đứng đầu của thành phố.
Kết quả này có được là do sự đóng góp quan trọng của việc triển khai mô hình “Hỗ trợ người dân tương tác với chính quyền trên môi trường số” với sự tham gia của cán bộ, công chức phường; các đồng chí Bí thư chi bộ, tổ trưởng tổ dân phố và cán bộ các tổ chức hội, đoàn thể, lực lượng thanh niên, phụ nữ làm nòng cốt để hỗ trợ người dân sử dụng các dịch vụ số do chính quyền và doanh nghiệp cung ứng. Triển khai mô hình, 6 tổ công nghệ số cộng đồng của 6 tổ dân phố cùng cán bộ, công chức và lực lượng Công an phường thường xuyên tranh thủ ngoài giờ hành chính, ngày nghỉ đến từng hộ gia đình tư vấn sử dụng dịch vụ công trực tuyến, dịch vụ bưu chính công ích khi có TTHC cần giải quyết; hướng dẫn người dân cài đặt một số ứng dụng cơ bản, có ý nghĩa thiết thực trong cuộc sống, như các phần mềm về thanh toán không dùng tiền mặt, tra cứu TTHC, dịch vụ công… Đồng thời phối hợp tuyên truyền thực hiện Đề án 06 về phát triển ứng dụng dữ liệu về dân cư, định danh và xác thực điện tử phục vụ chuyển đổi số quốc gia giai đoạn 2022-2025, tầm nhìn đến năm 2030 của Chính phủ; hỗ trợ người dân cài đặt, kích hoạt và sử dụng tài khoản định danh điện tử VNeID... Sau giai đoạn hỗ trợ tại gia đình, đến nay, mô hình vẫn được duy trì đối với từng người dân đến giải quyết TTHC tại bộ phận “một cửa” của UBND phường. Cách làm này đã giúp người dân từng bước làm quen với chuyển đổi số, sử dụng các ứng dụng thông minh phục vụ công việc và cuộc sống.
Đồng chí Lương Thị Thu Phương, Chủ tịch UBND phường Trần Đăng Ninh cho biết: Đảng ủy, UBND phường thể hiện quyết tâm triển khai lộ trình chuyển đổi số không chỉ từ việc xây dựng cơ sở hạ tầng công nghệ thông tin, nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, tái cấu trúc các hệ thống quản lý điều hành; triển khai các dịch vụ giáo dục, y tế; phát triển thương mại điện tử và thanh toán điện tử mà còn tập trung vào việc hỗ trợ nhân dân nâng cao nhận thức, tương tác với chính quyền trên môi trường số. Mục tiêu là trao cơ hội tiếp cận với dịch vụ số cho tất cả người dân nên mô hình sẽ tiếp tục áp dụng phương châm “mưa dầm, thấm lâu” trong tuyên truyền và hỗ trợ người dân trở thành công dân số. Với sự kiên trì của chính quyền, người dân địa phương đã bắt nhịp với công cuộc chuyển đổi số của phường, sử dụng các dịch vụ công thiết yếu trên môi trường số, tháo gỡ những rào cản trong quá trình thực hiện chuyển đổi số của địa phương.
Nhờ đó, ngoài việc sử dụng dịch vụ chính quyền số, các ứng dụng trong kinh tế số, xã hội số trên địa bàn phường đều đạt kết quả cao. Các trường học trên địa bàn đều đã xây dựng mô hình trường học thông minh với rất nhiều ứng dụng dịch vụ tiện ích như: kết nối Cổng thông tin điện tử Vnedu.vn, phần mềm cơ sở dữ liệu, phần mềm phổ cập giáo dục và dịch vụ sổ liên lạc điện tử SMAS; thư viện số và bài giảng số. Trạm Y tế phường số hóa quản lý sức khỏe, dịch bệnh và trang bị hệ thống hỗ trợ, tư vấn khám, chữa bệnh từ xa Telehealth, giúp người dân được tư vấn, khám, chữa bệnh từ các chuyên gia. Về kinh tế số, phường khuyến khích tất cả các doanh nghiệp, cơ sở kinh doanh trên địa bàn đăng ký nhãn hiệu, thương hiệu và được đăng ký bảo hộ sản phẩm theo quy định, áp dụng các phần mềm bán hàng tự động, kết nối thương mại điện tử để cung ứng hàng hóa. Năm 2023, tổng thu ngân sách Nhà nước trên địa bàn phường đạt 4,957 tỷ đồng đạt 127,11% so với kế hoạch năm, vượt chỉ tiêu, kế hoạch thành phố giao.
Cấp phường là nơi tiếp cận gần với người dân nhất nên chuyển đổi số càng phải kiên nhẫn, tỉ mỉ và trách nhiệm để mang lại những lợi ích thiết thực cho người dân. Thời gian tới, phường Trần Đăng Ninh tiếp tục phát huy hiệu quả mô hình “Hỗ trợ người dân tương tác với chính quyền trên môi trường số” và coi đây là giải pháp quan trọng huy động sức mạnh của toàn dân tham gia vào quá trình chuyển đổi số. Đây cũng là một trong những giải pháp mang tính đột phá mà các địa phương đã và đang triển khai, qua đó góp phần tạo sự lan tỏa, thúc đẩy tiến trình chuyển đổi số của đơn vị nói riêng và toàn tỉnh nói chung.